Tình người trên biển

GD&TĐ - Ngư dân gặp nạn trên biển là chuyện vẫn thường xảy ra. Vì vậy, cứu đồng nghiệp vừa là trách nhiệm và cũng là “mệnh lệnh” của trái tim mà bất cứ ngư phủ nào cũng phải thuộc nằm lòng ngay từ khi bước xuống tàu để ra khơi. 

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Những câu chuyện về cứu người trên biển chúng ta vẫn thường nghe. Tuy nhiên, câu chuyện sau đây là một trường hợp hy hữu. Nó mang đậm tình người, bất chấp màu da hay quốc tịch, bất chấp những hiểm nguy đang rình rập. Thật trớ trêu, ân nhân cứu người hôm nay từng là nạn nhân của một vụ vây đuổi và đốt cháy tàu trên biển 6 năm trước. Tôi muốn nói đến anh Bùi Văn Phải, một thuyền trưởng ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Anh Bùi Văn Phải “nổi tiếng” cả nước cách đây 6 năm. Năm 2013, khi đang đánh cá tại quần đảo Hoàng Sa, tàu của anh bị hải cảnh Trung Quốc vây đuổi và đốt cháy. Anh Phải trắng tay sau dạo đó. Thông qua nhiều tổ chức, cá nhân, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã đứng ra quyên góp giúp anh Phải 5 tỉ đồng để đóng một con tàu mới. Đấy chính là con tàu đã cứu 32 ngư dân Trung Quốc gặp nạn ở Trường Sa cách đây mấy hôm.

Xuất bến ở Lý Sơn trưa ngày 9/7, đến ngày 11/7 tàu của Bùi Văn Phải có mặt tại khu vực đảo Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa. Chưa kịp thả mẻ lưới đầu tiên của phiên biển, anh Phải phát hiện trước mặt mình có nhiều chiếc ca nô bập bềnh, đang phát tín hiệu cấp cứu. Tàu anh Phải tiến lại gần thì thấy trên 5 chiếc ca nô nọ là những ngư dân người Trung Quốc đang hốt hoảng. Tàu của họ bị phá nước và bị chìm, các ngư dân buộc phải dùng ca nô để thoát thân. Họ lênh đênh đã mấy ngày rồi và chờ một phép màu. Và phép màu ấy đã xuất hiện.

Ba mươi hai ngư dân Trung Quốc được tàu của Bùi Văn Phải cứu giúp, đã thoát chết trong gang tấc giữa vùng biển Trường Sa. Đại sứ quán Trung Quốc đã gửi lời cảm ơn đến cá nhân anh Phải cùng các thuyền viên trên tàu và Chính phủ Việt Nam vì đã có nghĩa cử cao đẹp nói trên.

Còn với ngư dân Lý Sơn, họ xem việc cứu người gặp nạn trên biển như là một nghĩa vụ mà bất cứ ai cũng phải làm, bất luận trước đó, họ từng là nạn nhân của các cuộc bố ráp của tàu hải giám Trung Quốc.

Không phải đến vụ vừa rồi, tàu của ngư dân Lý Sơn mới cứu ngư dân Trung Quốc gặp nạn. Còn nhớ tháng 3/2009, giữa vùng biển Hoàng Sa, tàu của ông Trần Anh phát hiện một tàu của Trung Quốc bị chìm. Người duy nhất còn sống đang ôm can nhựa dập dềnh trên biển là Ngô Thủ Lý, người đảo Hải Nam. Ông Trần Anh đã cứu người thanh niên Trung Quốc này và đưa anh ta lên tàu.

Các ngư phủ trên tàu ông Trần Anh đã phải nhường những gói mì tôm cuối cùng cho nạn nhân và đưa anh ta về đảo Lý Sơn trước khi bàn giao cho phía Trung Quốc. Tàu ông Trần Anh cũng từng là nạn nhân của những cuộc bố ráp trên vùng biển Hoàng Sa của tàu hải cảnh Trung Quốc!

Cứu người là một nghĩa vụ, dù người đó chưa hẳn đã tốt với mình trước đó. Lý lẽ này đã theo chân những ngư phủ Lý Sơn ra khơi từ bao đời nay. Đó là tình người, là đạo lý ngàn đời của người Việt vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...