Tiếp nối truyền thống

GD&TĐ - Những cựu nhà giáo Nghệ An đi B giờ đây ở tuổi xưa nay hiếm.

Các thầy giáo trường cấp 3 Tân Kỳ (Nghệ An) nhập ngũ vào chiến trường miền Nam.
Các thầy giáo trường cấp 3 Tân Kỳ (Nghệ An) nhập ngũ vào chiến trường miền Nam.

Năm tháng trực tiếp cầm súng chiến đấu tuy không dài nhưng là quãng thời gian không thể nào quên. Để khi bước ra khỏi chiến tranh, trở về với hòa bình, dù cuộc sống khó khăn đến mấy, họ đối diện nhẹ nhàng, giữ được niềm lạc quan, tiếp tục cống hiến. Bản lĩnh người đi qua chiến tranh là tấm gương cho thế hệ sau kế tục phẩm chất, nghị lực, trí tuệ một cách gần gũi, ý nghĩa nhất.

Viết sách “vỡ lòng” trong vùng giải phóng

Nhà giáo Hoàng Đức Lục (SN 1943) là một trong những sinh viên ưu tú của Trường Đại học Vinh. Tốt nghiệp năm 1965, thầy giáo trẻ được đưa vào danh sách đi B với nhiệm vụ đặc biệt: Chi viện cho mặt trận giáo dục ở miền Nam.

Trong thời gian chờ lệnh lên đường, những sinh viên tốt nghiệp sư phạm tỏa đi khắp các địa phương dạy học. Thầy Lục từ Nghệ An được phân công dạy cấp 3 ở Thanh Hóa. Thời kỳ gian khổ, trò vất vả, trường lớp tạm bợ, thiếu thốn nhưng thầy cô đầy tâm huyết, say mê. Chỉ sau ít năm, thầy giáo trẻ được kết nạp Đảng, bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường cấp 3 Đông Sơn. Đến năm 1972, chiến tranh bước vào giai đoạn quyết liệt, mặt trận miền Nam nhiều chuyển biến, thầy giáo trẻ được gọi ra Ban Thống nhất (Hà Nội) để học tập, huấn luyện quân sự chuẩn bị đi B.

“Đang là giáo viên cấp 3 vào chiến khu, tôi được giao nhiệm vụ viết sách xóa mù chữ, dạy vỡ lòng và lớp 1 – 2 - 3. Thời đó sách khan hiếm lắm, đến mức cả khu chẳng có nổi 1 quyển tài liệu SGK chính thống. Tôi dựa vào kiến thức của mình, nhớ lại những quyển sách Toán – Tiếng Việt cấp 1 thời còn ngoài Bắc rồi biên soạn dần. Nhưng đây là miền Nam, lại còn là vùng rừng núi, nơi đóng quân hầu hết là bà con dân tộc Ê Đê nên tôi cũng phải tìm hiểu cuộc sống, tâm lý, thói quen, tư duy của người dân, học sinh để đưa kiến thức vào mức độ phù hợp và trình bày dễ hiểu nhất”, thầy Lục nhớ lại.

Lớp học của thầy và trò cùng xây dựng trong thời chiến. Ảnh tư liệu.
Lớp học của thầy và trò cùng xây dựng trong thời chiến. Ảnh tư liệu.  

Miệt mài trong rừng, trong bản, cho đến một ngày trong tháng 3/1975, nghe đài báo tin Định Quán giải phóng, mọi người ở tiểu ban sững sờ, reo hò “rồi lại ôm nhau khóc thành tiếng”. Không lâu sau, Biên Hòa (Đồng Nai) rồi Sài Gòn cũng giải phóng.

“Từ ngày đi B, chứng kiến bom đạn chiến tranh, sống hôm nay không dám tính đến ngày mai. Định Quán giải phóng, tôi nằm tìm sóng nghe đài, nghe tiếng xe tăng của quân ta tiến vào tiếp quản, tôi mới dám nghĩ, dám mong chờ đến ngày hòa bình. Trong cuộc đời, nếu nói về niềm vui mừng, hạnh phúc lớn lao nhất, không gì sánh nổi đó là cảm xúc của ngày 30/4/1975”, nhà giáo Hoàng Đức Lục bồi hồi.

Năm 1972, khi cuộc chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, hơn 80 thầy giáo, cán bộ giáo dục Nghệ An cũng xung phong khoác áo lính vào chiến trường B. Thầy Phạm Quý Hùng (SN 1943) khi ấy đang là giáo viên Trường cấp 3 Tân Kỳ. Năm học mới vừa bắt đầu, thầy trò mới kịp ổn định nơi ăn chốn ở. Lên đường, vừa thương vợ và con nhỏ ở quê nhà, thầy vừa lo cho lũ học trò nơi trường lớp sơ tán thiếu thốn, kham khổ.

“Khoác ba lô, mặc áo lính, tôi hành quân xuyên rừng, tôi cứ nhớ 2 câu thơ của Tố Hữu: “Trường Sơn đông nắng, tây mưa. Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”. Quả thật, năm tháng chiến đấu, đạn bom khổc liệt đã rèn luyện cho nhà giáo – người lính chúng tôi tư tưởng vững vàng, ý chí vượt qua mọi gian khổ, kể cả hi sinh thân mình. Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội, đã tiến về Sài Gòn trong ngày đất nước kết thúc chiến tranh”, thầy Phạm Quý Hùng kể.

Thầy Hoàng Đức Lục kể lại năm tháng đi B làm nhiệm vụ ở tiểu ban giáo dục, chiến khu D.
Thầy Hoàng Đức Lục kể lại năm tháng đi B làm nhiệm vụ ở tiểu ban giáo dục, chiến khu D.

Phát huy truyền thống

Sau giải phóng, thầy Hoàng Đức Lục cùng đồng chí, đồng nghiệp tiếp quản Ty Giáo dục Biên Hòa và tiến hành cải tổ cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Đến năm 1976, đang ở cương vị Trưởng phòng tổng hợp của Sở giáo dục, thầy Lục xin trở về quê nhà. Bởi thời điểm đi B, thầy để lại người vợ trẻ mới cưới, vẫn chưa có con.

Trở về Nghệ An, thầy Hoàng Đức Lục lần lượt dạy học tại các Trường THPT Lê Hồng Phong, Thái Lão (huyện Hưng Nguyên), sau đó về công tác, làm Trưởng phòng GD Trung học, tại Sở GD&ĐT Nghệ An cho đến nghỉ hưu. Nghỉ chế độ nhưng thầy tiếp tục được mời làm Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh) - một trường ngoài công lập vừa mới được thành lập trong giai đoạn đầu, cần nhiều tư vấn.

Thầy chia sẻ: “Đặc thù trường ngoài công lập ở Nghệ An là học sinh trượt công lập mới đăng ký xét tuyển vào đây. Vì vậy, với nhiều em, học trường tư thục như một cú sốc lớn. Chúng tôi phải vừa dạy học, vừa tổ chức nhiều hoạt động kỹ năng, hướng nghiệp để các em mạnh dạn, tự tin vào bản thân. Còn với cán bộ giáo viên, chế độ thu nhập khó khăn, thì phải hỗ trợ, động viên, nuôi nhau qua những ngày đầu khó khăn”.

Thầy Phạm Quý Hùng (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà giáo Nghệ An nhập ngũ năm 1972 thăm Km số 0 ở huyện Tân Kỳ.
Thầy Phạm Quý Hùng (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhà giáo Nghệ An nhập ngũ năm 1972 thăm Km số 0 ở huyện Tân Kỳ.

Đối với nhiều cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, thầy Lục là một trong những người có vai trò quan trọng, giúp cho nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Sau đó tiếp tục phát triển, ngày càng thu hút học sinh với chất lượng vượt trội so với hệ thống trường ngoài công lập của TP Vinh và toàn tỉnh Nghệ An.

“Thầy Lục là người làm việc khoa học, tâm huyết, chỉn chu và có tầm nhìn rộng. Đó là điều mà nhiều giáo viên và ban giám hiệu học hỏi, noi gương, tiếp nối thầy xây dựng, phát triển nhà trường, đem đến môi trường học tập tốt cho học sinh”, ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Trường Tộ nói.

Thầy Phạm Quý Hùng luôn tự hào truyền thống nghề giáo. “Bố mẹ tôi vừa dạy học, vừa tham gia cách mạng, nuôi giấu cán bộ giai đoạn 1945 – 1954, được nhà nước tặng bằng Tổ quốc ghi công. Tôi và các anh chị của mình, cũng nối nghiệp, nhìn vào bố mẹ mình để kiên trì, phấn đấu trong cuộc sống, sự nghiệp. Đến lượt các con, hiện con gái, con trai đều làm nghề dạy học. Truyền thống gia đình chính là vốn quý nhất tôi để lại cho thế hệ sau”.

Cô Phạm Hoa Lê (con gái thầy Hùng), hiện công tác tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ: “Tôi luôn kính yêu, tự hào về bố mẹ mình, về nền tảng giáo dục gia đình mà chúng tôi được nuôi dưỡng từ tấm bé. Đặc biệt nhất ở ba, vừa có tình cảm yêu thương, vừa kiên định, tinh thần trách nhiệm, vượt mọi khó khăn”. Đó cũng là những phẩm chất mà cô Hoa Lê cùng thành viên trong gia đình được kế thừa, để dù nối nghiệp bố mẹ, hay làm ở lĩnh vực nào cũng tự tin, vững vàng bởi khó khăn chỉ là trước mắt.

Nhà giáo Hoàng Đức Lục tâm sự: “So với cuộc đời người, hơn 4 năm đi B chỉ là quãng thời gian ngắn. Nhưng năm tháng đó, quá đặc biệt, với nhiều ký ức, cảm xúc, trải nghiệm không gì đánh đổi. Ra khỏi chiến tranh, đi qua lằn ranh sống chết, cuộc sống sau này khó khăn, khổ cực đến đâu, mình cũng thấy nhẹ nhàng và tìm cách giải quyết. Cách sống này cũng ảnh hưởng đến các con, đến học sinh, đồng nghiệp. Và có lẽ đó là những gì tôi có thể để lại cho thế hệ sau mình”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ