Tiếng Anh nơi làng quê

GD&TĐ -  Nằm cách TP Hạ Long khoảng 60 km về phía Tây, làng quê Yên Đức, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, những năm gần đây đã hấp dẫn khách du lịch quốc tế tới trải nghiệm về một không gian văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ. 

Một hoạt cảnh lớp họcTiếng Anh cộng đồng. Ảnh: TG
Một hoạt cảnh lớp họcTiếng Anh cộng đồng. Ảnh: TG

Khi du khách quốc tế đến nhiều, tiếng Anh  giao tiếp trở nên cần thiết. Nắm bắt nhu cầu của người dân, ngành GD-ĐT thị xã Đông Triều đã triển khai sâu rộng chương trình học tiếng Anh. Phong trào đã có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn, người dân và học sinh vui với việc học tiếng Anh. 

“Nông thôn hóa” tiếng Anh

Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HDND thị xã Đông Triều, ông Vũ Văn Học, bộc bạch: “Nằm trên trục đường giao lộ giữa Hà Nội và Hạ Long, Yên Đức có sức hấp dẫn bởi mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo đặc trưng của cộng đồng cư dân khu vực Bắc Bộ với những cánh đồng lúa chín vàng vào mùa gặt, những ao cá, vườn cây yên ả, thanh bình trong nắng sớm, bên dòng sông Kinh Thầy. Yên Đức cũng có nhiều di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như núi Canh, hang 73, chùa Cảnh Huống…

Tận dụng những lợi thế đó, phát triển du lịch sinh thái kết hợp khám phá văn hoá bản địa là định hướng của địa phương. Năm 2011, Yên Đức đã bắt đầu khai thác mô hình “Du lịch làng quê Yên Đức”. Chúng tôi đã cho cải tạo đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, tạo diện mạo nông thôn xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt giao cho ngành Giáo dục thị xã lên kế hoạch dạy và học tiếng Anh, sao cho người dân Yên Đức có thể giao tiếp với du khách quốc tế”.

Với mục tiêu tăng cường kỹ năng giao tiếp, giúp học viên ngày càng tự tin giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh, cung cấp các thông tin qua ngôn ngữ tiếng Anh về làng quê, ngành GD-ĐT thị xã Đông Triều sẽ tiếp tục đồng hành cùng với người dân xã Yên Đức triển khai thực hiện và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Đặc biệt, việc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu, rèn luyện năng lực thực hành, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, phát huy tính tư duy sáng tạo của học sinh, tạo sân chơi văn hoá, trí tuệ cho học sinh, từ đó làm tốt công tác giáo dục truyền thống, học sinh giới thiệu về tiềm năng, văn hoá, lịch sử và con người địa phương Đông Triều.
  
Nhà giáo Lê Thu Trà

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thị xã, ngành GD-ĐT đã gấp rút vào cuộc, đẩy mạnh triển khai các hoạt động dạy và học tiếng Anh. Nhờ cố gắng của các thầy cô giáo và đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, khả năng giao tiếp tiếng Anh trong cộng đồng cư dân Yên Đức đã thay đổi đáng kể.

Ngày nay, đến Yên Đức, du khách khá bất ngờ bởi đội ngũ hướng dẫn viên đều là những người nông dân, học sinh. Điều hấp dẫn du khách hơn cả là ở chỗ các tư vấn viên chính là những người nông dân đang sinh sống và lao động ở vùng quê nên hiểu biết và trải nghiệm của họ đều hết sức thực tế, đồng thời cách truyền tải lại vô cùng sinh động. Có thể ngôn ngữ tiếng Anh chưa đủ để du khách hiểu được nội dung vấn đề thì đã có ngôn ngữ cơ thể trợ giúp và kết thúc là những tràng cười dài.

Bà Lê Thu Trà - Trưởng phòng GD thị xã Đông Triều - cho biết: Các hoạt động dạy tiếng Anh đã bám sát nội dung chủ đề về làng quê Yên Đức, gắn liền với phát triển du lịch địa phương, không chỉ phù hợp với các lứa tuổi học viên khác nhau, mà còn phù hợp hơn với từng đối tượng học viên có trình độ ngoại ngữ khác nhau. Các nhà trường, cán bộ thôn, các cơ quan đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ và vận động, tổ chức, quản lý và tạo điều kiện để mở các lớp học, đặc biệt trong đó là sự đồng tình ủng hộ của số đông người dân.

Phụ huynh và học sinh đã cố gắng đến lớp đều và đông đủ ngay cả khi các lớp học mở vào buổi tối. Còn có khó khăn do trình độ học viên khối học tập cộng đồng chưa đồng đều, nên giáo viên vất vả hơn trong việc hướng dẫn luyện tiếng. Học viên các lớp buổi tối thường là bà con làm nông nghiệp nên vào những ngày mùa thời gian tham gia lớp học. Nhưng điều đáng mừng là bà con rất ham học và cố gắng nhiều để giao tiếp được với du khách quốc tế bằng những câu đơn giản nhất.

Trong số 10 thầy cô giáo đang dạy tiếng Anh cho học sinh và người dân Yên Đức có thầy giáo Bùi Anh Văn, cô giáo Lê Thị Giang là hai giáo viên của Trường Tiểu học Yên Đức. Thầy Văn cho biết: “Học sinh ở các lớp học đa dạng về lứa tuổi. Mục đích của chúng tôi là giúp người dân và học sinh giao tiếp tốt với du khách, nên giờ học hết sức linh hoạt. Chúng tôi chú trọng giới thiệu những đặc trưng của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và vùng quê Yên Đức”. Còn với cô Lê Thị Giang, mỗi giờ học cô giáo lại lồng ghép những hoạt cảnh, trò chơi nông thôn, giúp các học viên bổ sung vốn từ vựng. Cô Giang cũng đưa vào bài học những giá trị văn hóa của Đông Triều, của làng quê Yên Đức thanh bình và thân thiện, cùng những từ vựng quen thuộc khiến người học dễ nhớ và thuộc từ nhanh hơn.

Vui học tiếng Anh

Là một nông dân thuần chất, bà Phạm Thị Mai Yên, nhà ở thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, năm nay đã ngoài 60. Trước còn trẻ thì bà làm ruộng nương với gia đình, nay bà tuổi cao con cháu không cho lao động nặng. Thêm nữa ruộng nương giờ lại được chính quyền chủ trương “du lịch hóa” nên bà Yên cũng tích cực tham gia học tiếng Anh để làm hướng dẫn viên du lịch. Đến nay bà Yên đã có thể giao tiếp được tiếng Anh với người nước ngoài. Khi học tiếng Anh thấy vui, bà Yên lại tham gia tập luyện và biểu diễn văn hóa, văn nghệ tại chương trình ngày hội của địa phương. “Có tiếng Anh, giao tiếp được với du khách đến thăm làng quê Yên Đức, giới thiệu được về cây lúa, con trâu, về văn hóa làng quê, tôi thấy mình tự tin và vui hơn nhiều” - bà Yên vui vẻ cho biết.

Tiếng lành đồn xa, số du khách đến với làng quê Yên Đức ngày càng tăng theo từng năm với hàng chục nghìn lượt khách, trong đó có cả nghìn người có nhu cầu lưu trú. Người dân vui, chính quyền mừng, cánh đồng lúa trĩu bông, với cây đa giếng nước sân đình, dấu ấn của một làng quê đồng bằng Bắc Bộ ngày càng thêm hấp dẫn với những người nông dân và các em học sinh đều là những “hướng dẫn viên du lịch” nói được tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ