Thầy trò điểm trường Nác (Thái Nguyên): Mong con đường… không trơn trượt

GD&TĐ - Nhiều năm nay, học sinh cũng như thầy cô giáo phải gồng mình đi trên con đường bùn đất bụi mịt mù khi trời nắng và nhão nhoét vào ngày mưa.

Học sinh xóm Nác lội đất đến trường.
Học sinh xóm Nác lội đất đến trường.

Người dân xóm Nác (Liên Minh, Võ Nhai, Thái Nguyên) bao năm nay vẫn mỏi mòn ngóng đợi một con đường… không trơn trượt. 

Gian nan đường vào xóm

Xóm Nác có 205 hộ dân, trong đó 90% là dân tộc Dao, đa số thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Cách UBND xã Liên Minh khoảng 7km thế nhưng phải mất khoảng 1 tiếng đồng hồ đi xe máy mới tới xóm. Còn nếu gặp trời mưa, đường lầy trơn trượt, người dân, thầy cô phải mất 2 tiếng vật lộn với con đường bùn mới vào tới trung tâm xóm.

Điểm trường Nác, Trường Tiểu học Liên Minh đặt tại trung tâm xóm nhằm rút ngắn khoảng cách cho con trẻ đến trường nhưng, đường đến lớp của các em vẫn vô cùng gian nan. Nhiều đoạn khúc khuỷu, có đoạn đá lởm chởm mặt đường, đoạn thì sình lầy nhão nhoét. Điều này khiến việc đến trường của học sinh và giáo viên vô cùng vất vả.

“Nhiều khi bận quá, các nhà thay nhau đưa đón con để tiết kiệm thời gian. Có những quãng đường dốc trơn trượt, xe máy không lên được, phải cõng con lên trước mới quay lại dắt xe” - chị Bàn Thị Loan,  phụ huynh học sinh bày tỏ.

Thầy Hoàng Hiệp Hòa, giáo viên phụ trách điểm trường Nác hằng ngày vượt quãng đường 12km đến trường. Nhiều hôm mưa trơn, anh phải ở lại điểm trường. Gắn bó với điểm trường xóm Nác hơn chục năm nay, cùng học sinh trải qua bao nhiêu vất vả, thầy Hòa thấu hiểu sự thiếu thốn, khó khăn nơi này. 

“Học sinh ở đây đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó vấn đề khó nhất là đường đến lớp. Lớp 5G tôi đang dạy có em Bàn Thị Mai Hương nhà cách trường 7km, cứ mỗi sáng sớm lại dắt theo em đang học lớp 3, đi bộ từ 6 giờ thì gần 8 giờ mới tới trường. Nhà xa, các em học sinh ở đây thường nắm cơm đi học, bữa trưa chủ yếu toàn rau xanh hoặc mì tôm” - thầy Hòa thở dài nói.

Xóm Nác có hơn 200 hộ thế nhưng điểm trường Nác chỉ có 53 học sinh, còn lại nhiều gia đình phải cho con đi học ở huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) hoặc Bắc Giang bởi đường đi lại dễ dàng thuận tiện hơn.

“Trường học nằm trong xóm nhưng con đường vào trường gian nan không tưởng. Việc đi học nhờ tỉnh khác khiến các em mất nhiều quyền lợi (không được nhận các chính sách hỗ trợ, thậm chí gia đình còn phải đóng góp thêm” - ông Triệu Văn Lưu, trưởng xóm Nác trao đổi.

Thầy cô giáo điểm trường xóm Nác gồng mình qua con đường bùn đất.
Thầy cô giáo điểm trường xóm Nác gồng mình qua con đường bùn đất.

Thầy cô gắng sức vì trò 

Không chỉ học trò, với các thầy cô, chuyện đi lại vào điểm trường xóm Nác thực sự là cả vấn đề gian nan. Con đường này từng khiến một cô giáo trên đường vào xóm Nác bị chấn thương ở chân vì ngã xe. Không thể thường xuyên đi xe qua con đường này nên hôm trước nhận việc, hôm sau cô phải chuyển trường, đổi cho người khác “khỏe” tay lái hơn. 

Vì đường trơn trượt, một số cô giáo không đi được phải ngồi nhờ xe các thầy. Như cô Thúy, dù có lịch dạy buổi chiều, nhưng từ sáng sớm đã ngồi nhờ xe thầy Dương đi vào cùng. Thông cảm với đồng nghiệp, thầy Dương dạy buổi sáng xong lại chờ luôn sang chiều để chở cô Thúy cùng quay ra. 

Thầy Vũ Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Minh trăn trở: Chúng tôi cùng người dân luôn mong có được con đường dễ đi hơn, để các em cùng các thầy cô đỡ đi phần nào gian nan, dần dần nâng cao chất lượng dạy và học tại điểm trường Nác. Đồng thời, con đường cũng là vấn đề cần thiết, giúp đời sống người dân có điều kiện để phát triển hơn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.