Thầy Tổng phụ trách gắn hoạt động Đội với lịch sử địa phương

GD&TĐ - 23 năm trong nghề thì có 21 năm làm Tổng phụ trách, thầy giáo Nguyễn Văn Định, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học xã Đồng Lạc huyện Yên Thế (Bắc Giang) luôn có sức sáng tạo, sự cống hiến không biết mệt mỏi cho phong trào.

Thầy Tổng phụ trách gắn hoạt động Đội với lịch sử địa phương

Hoạt động Đội để giúp các em năng động, tự tin

Còn nhớ ngày đầu về Trường Tiểu học Đồng Lạc cách đây cũng đã 15 năm, với vai trò làm Tổng phụ trách Đội, thầy cùng đồng nghiệp bắt tay vào xây dựng nhà trường, là trường mới đuợc tách ra từ trường THCS Đồng Lạc, cái gì cũng đòi hỏi phải làm từ đầu. Bãi đất trống, sân thể dục nắng, việc đầu tiên là trồng cây lấy màu xanh và bóng mát, thầy cùng các em đội viên lớp 5 đã đem màu xanh đến với mái trường bằng việc trồng hơn 300 cây keo, cây bạch đàn.

Thầy trăn trở: “Trường mình ở vùng núi, đời sống gia đình các em còn nhiều khó khăn, dân thưa, học sinh không nhiều, tổ chức các hoạt động Đội như thế nào cho ý nghĩa, giúp các em tự tin và huy động được sự chung tay của các lực lượng trong xã hội?”… bao nhiêu câu hỏi đặt ra cần lời giải đáp!

Nghĩ và làm, việc đầu tiên là mỗi chi đội có một cuốn nhật kí làm theo lời Bác, ghi lại những việc học tập và làm theo hàng ngày. Còn đội viên, nhi đồng thì nhất thiết phải thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Vào dịp 19/5 hàng năm, hội thi kể chuyện về Bác Hồ kính yêu cứ đến hẹn lại lên, trò háo hức, thầy mong đợi, phụ huynh chào đón, học và làm theo Bác qua những câu chuyện kể.

Thầy đã tổ chức nhiều hoạt động mới mẻ và sáng tạo: nào bày mâm ngũ quả, cắm trại, rước đèn phá cỗ, đặc biệt là được tham gia phiên chợ Hằng Nga - chợ họp duy nhất trong đêm rằm tháng Tám năm 2017.

Trong chợ, người bán, người mua đều là con trẻ. Đi chợ xong, các em còn được trải nghiệm dự một trường thi như ngày xưa với không khí lều chõng, đèn sách của các sĩ tử, nội dung thi là kiến thức văn hóa các em được học, kiến thức xã hội phù hợp với lứa tuổi, bài thi được chấm ngay và công bố kết quả, các em lại được cảm nhận vinh dự khi đỗ Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám hoa…

GD sinh động tình yêu quê hương đất nước

Năm học 2012 - 2013 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ, liên đội phát động phong trào đặt tên lớp, tên chi đội theo tên các liệt sỹ trẻ tuổi ở địa phương.

Năm 2014, việc giáo dục chủ quyên biển đảo cho học sinh cần thiết hơn lúc nào hết, mô hình cột mốc Trường Sa lần đầu tiên được đặt trong sân trường. Nội dung giáo dục đến với các em trở lên gần gũi, thực tế hơn rất nhiều. học sinh thấy trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước Việt Nam thân yêu của mình, các em hiểu sâu hơn về giá trị của hoà bình, độc lập, đây là mô hình đầu tiên của huyện Yên Thế.

Cũng năm học này, mô hình hành quân theo bước chân anh bộ đội là sáng kiến hay của thầy cho hoạt động thực tế chào mừng 70 năm ngày thành lập QĐNDVN.

Vật dụng trải nghiệm là ba lô, mũ tai bèo, vòng lá nguỵ trang, là cơm nắm, muối vừng và gậy Trường Sơn cùng những bước chân của các chiến sỹ nhí đến viếng nghĩa trang liệt sỹ, hành quân ghé thăm mẹ Việt Nam anh Hùng Trịnh Thị Tít sống ở địa phương là giải mật thư dấu đường là niềm vui trên chặng đường ra trận…

Hoạt động đầy ý nghĩa đó đã cùng thầy đi báo cáo điển hỉnh ở Tỉnh đoàn Bắc Giang, được nhân rộng điển hình ra toàn tỉnh.

Tất cả các hoạt động của học sinh dù lớn, dù nhỏ đều được thầy ghi lại bằng hình ảnh, và bằng nhật kí. Thế nên, năm học 2015-2016, khi Bộ Giáo dục phát động cuộc thi video về trường học mới, thầy đã có video Tự hào mang tên anh dự thi, đây là tác phẩm duy nhất của huyện Yên Thế được chọn để dự thi vòng tỉnh.

Nhằm giáo dục các em tình yêu và ý thức giữ gìn biển đảo quê hương, năm học 2017 - 2018, mô hình Ra khơi của thầy được đặt trang trọng trong khuôn viên nhà trường. Hình ảnh con tàu căng buồm rẽ sóng ra khơi đã khuyến khích các em học tập tốt để xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp, cùng vượt sóng ra khơi giữ vững biển đảo quê thiêng liêng của Tổ quốc...

Đã ở độ tuổi ngoài bốn mươi ở cái tuổi tưởng chừng không còn phù hợp với công việc Tổng phụ trách đội nữa, nhưng ở thầy tâm hồn vẫn trẻ trung như lời tâm sự của thầy với tôi: “Một ngày tôi không được gần với các em là tôi nhớ lắm, đến với các em là tôi thấy mình yêu đời, yêu nghề hơn”.

Say sưa miệt mài với cương vị tổng phụ trách là vậy nhưng thành tích về chuyên môn của thầy cũng thật đáng nể, 15 năm làm Tổng phụ trách ở Trường Tiểu học Đồng Lạc thì 10 năm thày đạt giáo viên và Tổng phụ trách giỏi cấp huyện, 3 năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 2 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ