Thái Nguyên: Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh

GD&TĐ - Ngành giáo dục Thái Nguyên đang tích cực xây dựng môi trường dạy học tiếng Anh, từng bước nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh, hướng tới đáp ứng yêu cầu năng lực ngoại ngữ trong bối cảnh mới.

Cô và trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ (Thái Nguyên) trao đổi ngoài giờ để bổ trợ kỹ năng tiếng Anh
Cô và trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ (Thái Nguyên) trao đổi ngoài giờ để bổ trợ kỹ năng tiếng Anh

Trong những năm qua, ngành giáo dục Thái Nguyên tập trung xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng đào tạo, nâng cao năng lực giáo viên bộ môn tiếng Anh. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 900 giáo viên bộ môn tiếng Anh tại các trường học, trong đó, hơn 93% đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ (so với tỷ lệ gần 40% vào năm 2027).   

Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn chú trọng vào vấn đề tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xây dựng môi trường dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục.

Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã ký kết hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục, trao đổi kinh nghiệm dạy và học ngoại ngữ với một số trường đại học, tổ chức giáo dục của các nước Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga… Công tác phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và với các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học thuộc Đại học Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bồi dưỡng giáo viên, tạo nguồn học liệu.

Một giờ học tiếng Anh tại trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ, Thái Nguyên)
Một giờ học tiếng Anh tại trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ, Thái Nguyên)

Các cơ sở giáo dục phổ thông đã tăng cường tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh, các hoạt động ngoại khoá tiếng Anh, ngày hội sử dụng tiếng Anh... Số lượng học sinh được học chương trình tiếng Anh 10 năm, số học sinh lớp 1 và lớp 2 được học chương trình tiếng Anh tự chọn, số trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh tăng qua các năm học. Chất lượng dạy và học môn tiếng Anh được nâng lên hằng năm theo hướng bền vững.

Tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ, hiện cả 3 giáo viên dạy tiếng Anh đều đạt khung năng lực B2, đáp ứng yêu cầu dạy học cấp THCS. Các thầy cô tự xây dựng thêm tài liệu riêng của mình nhằm phù hợp với đối tượng người học, bổ trợ thêm ngoài giờ, giúp các em có điều kiện tiếp cận tiếng Anh thuận lợi hơn.

“Nhà trường khuyến khích các giáo viên tiếng Anh tích cực, chủ động trong tự mua sắm thiết bị, làm đồ dùng dạy học; Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt CLB và ngoại khóa nhằm tăng cường kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho HS” - cô giáo Chu Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Đối với trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ), giáo viên tự nguyện lên lớp giúp các em học sinh được làm quen với tiếng Anh ngay từ lớp 1. Nhờ vậy, mặc dù là vùng nông thôn, việc học tiếng Anh ở đây đạt kết quả tích cực. Năm học 2020 - 2021, 100% HS nhà trường hoàn thành môn tiếng Anh, trong đó khoảng 45% hoàn thành tốt.

“Chúng tôi cố gắng tổ chức nhiều hoạt động theo hình thức câu lạc bộ để các em tham gia một cách tự nhiên, hào hứng, nhờ đó tiếng Anh dần trở nên gần gũi hơn, chất lượng môn học cũng được cải thiện tích cực” - cô giáo Nguyễn Thị Tuyến, giáo viên tiếng Anh của nhà trường cho biết.

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025: Đối với giáo dục mầm non, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 30% tổng số trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh. Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu 100% học sinh lớp 1, lớp 2 trong các trường tiểu học được học chương trình môn tiếng Anh tự chọn; 100% học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông (từ lớp 3 đến lớp 12) được học chương trình tiếng Anh mới.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ