Người mẹ đặc biệt trong khu cách ly

GD&TĐ - Khu cách ly y tế tập trung đặt tại Trường THCS xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) có 34 học sinh mầm non/100 người đang thực hiện cách ly do liên quan đến ca bệnh Covid-19.

Giáo viên Trường Mầm non số 2 Mường Pồn cách ly cùng các em học sinh, tổ chức cho các em vận động nhẹ nhàng ngoài trời để nâng cao sức khỏe.
Giáo viên Trường Mầm non số 2 Mường Pồn cách ly cùng các em học sinh, tổ chức cho các em vận động nhẹ nhàng ngoài trời để nâng cao sức khỏe.

Trong vòng tay yêu thương của những “ông bố, bà mẹ” đặc biệt, những ánh mắt hồn nhiên, ngơ ngác đã không còn lo sợ như đêm đầu tiên xa người thân, rời bản xuống xuôi cách ly tập trung. 

Tiếng gọi lúc nửa đêm

Sau ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 16/5, đến đêm  19/5 xã Mường Pồn lại “nóng” lên khi tiếp tục ghi nhận ca bệnh thứ 2 là giáo viên mầm non “cắm bản”. Đêm vùng cao thường se lạnh, nhưng không khí chống dịch tại Mường Pồn lại sục sôi hơn bao giờ hết.

Để bảo đảm yêu cầu chống dịch thần tốc, các lực lượng truy vết nhanh chóng hành quân lên Huổi Chan – nơi có những đứa trẻ thuộc diện F1, phải cách ly tập trung ngay trong đêm. “Đây là bản vùng cao, cách xa trung tâm xã hơn 10km. Trời hôm ấy đổ mưa, chặng đường dài bùn lầy trơn trượt, cả đoàn phải đi bộ. Các nhà cách xa nhau, một số hộ đã lên nương dài ngày nên công tác truy vết gặp nhiều khó khăn” – Bí thư Đảng ủy xã Chào Anh Nguyên nhớ lại.

Bản vùng cao vào đêm, không gian tĩnh lặng bị phá tan bởi những tiếng gọi nhau í ới. Cán bộ truy vết gọi cửa, bố mẹ gọi con, những đứa trẻ ngủ dở giấc khóc quấy gọi người thân… Mặc dù trước khi lên đường, chính quyền địa phương đã gọi điện trao đổi trước, song vì F1 là các em mầm non từ 2 - 5 tuổi chưa từng xa nhà nên nhiều gia đình vẫn còn băn khoăn khi cho con đi cách ly tập trung.

“Chúng tôi kiên trì động viên, giải thích để gia đình hiểu và yên tâm tại nơi cách ly, con em họ sẽ được quan tâm chăm lo ăn, ngủ. Các cô giáo dạy dỗ, chăm sóc cho các cháu, khi đó phụ huynh mới chấp thuận” – ông Nguyên nói.

Do số trẻ thuộc diện cách ly đông (34 cháu) nên đến hơn 2 giờ sáng, 27 trẻ đầu tiên mới được đưa xuống điểm cách ly ổn định chỗ ở. Số còn lại vì cùng bố mẹ lên nương xa, lực lượng truy vết phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tới khi mặt trời đứng bóng mới hoàn tất.

Những đứa trẻ ngây ngô chưa hiểu thế nào là dịch bệnh nhưng đã không còn khóc khi phải xa bố mẹ...
Những đứa trẻ ngây ngô chưa hiểu thế nào là dịch bệnh nhưng đã không còn khóc khi phải xa bố mẹ...

Một mẹ, ba – bốn con

34 cháu được chăm sóc bởi 9 cô giáo mầm non cùng đi cách ly. Khu cách ly trải thảm, bố trí chăn đệm cho mỗi cháu nằm cách nhau 40cm, mỗi phòng 10 - 12 cháu do 3 cô quản lý, chăm sóc. Một mẹ, ba - bốn đứa con trong điều kiện đặc biệt cũng không hề đơn giản.

Cô Đỗ Thị Phương Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Mường Pồn cách ly cùng các em chia sẻ: Mới đầu xuống, các con khóc nhiều vì chưa đi xa, rời bố mẹ, người thân qua đêm bao giờ. Các cô phải thức để bế bồng, vỗ về, ru các con ngủ. Một cô, một con còn đỡ, đằng này một cô phải chịu trách nhiệm ba, bốn con nên gần như thức trắng đêm.

Trải qua 2 - 3 đêm đầu trong vòng tay yêu thương của những người mẹ thứ 2, trẻ dần quen với môi trường và sự thiếu vắng của người thân. Thế nhưng, với những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non, điều khó khăn nhất là ý thức phòng dịch.

Đặt mình vào vai trò người mẹ, các cô trò chuyện, dạy bảo trẻ từ việc đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay và giữ khoảng cách với các bạn. Để khuyến khích các con duy trì nền nếp, các cô thường xuyên nhắc nhở, động viên, rồi khen thưởng bạn làm tốt bằng gói bim bim, chiếc kẹo… do đoàn từ thiện ủng hộ. Từ việc không hiểu, không làm, đến nay 100% các bé đều nghiêm túc chấp hành.

Chăm lo toàn diện cho trẻ

Khi xuống khu cách ly tập trung, hầu hết các em đều không có đủ đồ dùng, vật dụng cá nhân. Giáo viên, cán bộ xã chuẩn bị từ đôi dép, bộ quần áo tuy nhiên do điều kiện còn khó khăn, không thể đáp ứng đủ cho cả 34 em. Vì vậy nhiều hoạt động kêu gọi giúp đỡ các em đã được thực hiện.

Những ngày qua khu cách ly y tế tập trung xã Mường Pồn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ từ nhiều mạnh thường quân, tổ chức, nhóm từ thiện. Nào là quần áo, dép, kem đánh răng, bàn chải, khẩu trang, bánh mì, kẹo, sữa, đồ chơi và cả gạo, rau, trứng, hoa quả… để góp những bữa ăn dinh dưỡng, đầy đủ đồ dùng thiết yếu cho trẻ trong khu cách ly.

Bí thư Đảng ủy xã Chào Anh Nguyên cho biết: Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên cũng có chủ trương hỗ trợ cho các em đang phải cách ly như học sinh bán trú là 30.000 đồng/người/ngày. Để nâng khẩu phần ăn, chúng tôi cũng huy động xã hội hóa thêm từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài địa bàn. Nếu sau 21 ngày, hết thời gian cách ly đồ ủng hộ chưa sử dụng đến sẽ được phân chia cho các cháu mang về, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Theo Đại úy Lò Văn On, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Điện Biên phục vụ trong khu cách ly y tế tập trung xã Mường Pồn, chúng tôi nấu ăn riêng cho các cháu, nhất là trẻ mầm non. Hằng ngày phải tham khảo thực đơn của các trường để làm đồ ăn mềm, nhỏ, dễ ăn. Mỗi bữa thường xuyên đổi món, kích thích vị giác và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi. Vì được ủng hộ nhiều bánh, sữa nên trẻ được bố trí bữa phụ đầy đủ dinh dưỡng.

“Các con đều ngoan, ăn tốt, ngủ tốt, quen với môi trường mới có ý thức phòng dịch. Phụ huynh đã tin tưởng các cô, hơn nữa đang mùa thu hoạch, mọi người bận rộn nên yên tâm giao con cho các cô” – cô Thúy cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ