Mùa hè bận rộn với nghề tay trái

GD&TĐ - Nghỉ hè, nhiều giáo viên tận dụng thời gian làm công việc khác nhau để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương –Trường TH Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Lan Phương –Trường TH Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Ảnh: NVCC

Dẫu chỉ mang tính thời vụ và “trái nghề” nhưng họ đã phát huy được sự sáng tạo, tháo vát để công việc thêm thuận lợi.

Đa dạng nghề phụ

Không để lãng phí thời gian nghỉ hè, cô giáo Ôn Thị Lý – GV Trường PTDTBT Tiểu học xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ (Hà Giang) kinh doanh thêm các loại củ quả, hoa, lá… cây thuốc – sản phẩm đặc trưng địa phương và thậm chí cả một số đầu sách giáo khoa, truyện cho GV và học sinh… Cô còn học cách chế biến bún khô từ gạo bao thai và tạo màu bằng lá tự nhiên giống như bà con dân tộc dùng để nấu xôi ngũ sắc. Cô tự làm để phục vụ gia đình, người thân, và một phần bán cho bạn bè đồng nghiệp, hàng xóm….

Thời đại 4.0, việc bán hàng cũng được cô Lý áp dụng để tăng thêm tương tác. Cô giới thiệu các sản phẩm trên Facebook, Zalo cá nhân để thông tin rộng hơn, nhiều người thân, người quen biết cùng trao đổi, mua bán, đặt hàng thuận tiện.

Có lẽ, không chỉ riêng cô Lý, mà nghề “tay trái” đã giúp nhiều GV có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, sửa chữa nhà cửa và nuôi con nhỏ ăn học, thậm chí hỗ trợ lại công việc giảng dạy (mua thêm tài liệu thiết bị…). Để có được lượng khách hàng thường xuyên, GV phải giữ uy tín và chất lượng sản phẩm. “Làm nghề nào cũng cần có lương tâm, trách nhiệm và cộng thêm chút “duyên”. Uy tín không chỉ giữ được khách quen mà khách các tỉnh, huyện khác cũng biết, tới đặt hàng…” – cô Lý cho biết.

Là Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi sao mới (Cầu Giấy – Hà Nội) nhưng thời điểm dịch bệnh, nghỉ hè, HS chưa tới trường nên cô Lê Thị Thơm nhanh chóng chuyển sang kinh doanh một số mặt hàng mỹ phẩm. Với sự đam mê và ham học hỏi, cô không khó khăn để tìm hiểu thông tin và có nguồn hàng tốt.

Việc kinh doanh online cũng mang lại thêm niềm vui, kinh nghiệm và thu nhập, song cô Lê Thị Thơm cho biết luôn mong đợt dịch sớm được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường để cô và đồng nghiệp được trở lại trường, dành thời gian cho nghề giáo.

“Mỗi lần phụ huynh nhắn tin, gọi điện hỏi thăm tình hình trường lớp, thời gian trở lại hoạt động… chúng tôi lại thêm nhớ trẻ, nhớ trường. Bình thường, GV mầm non gần như không nghỉ hè bởi nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh diễn ra quanh năm. Song chúng tôi không coi đó là vất vả vì đã quen công việc và trẻ …” – cô Thơm tâm sự.

Với cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương – Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội) dù đang nghỉ hè nhưng không hề nhàn rỗi. Cô Phương cho hay: HS nghỉ hè khi vẫn còn một số môn học chưa thi kiểm tra cuối kỳ. Vì vậy, tôi soạn đề kiểm tra cuối kỳ và gửi vào nhóm Zalo của phụ huynh in cho HS làm bài và ôn tập. Mỗi tuần sẽ gửi 1 - 2 đề và có 1 buổi ôn tập, chữa bài trực tuyến miễn phí cho HS của lớp.

“Dù dạy và ôn miễn phí nhưng tôi không ép HS phải vào học. Bố mẹ căn cứ vào nhu cầu, kiến thức để quyết định cho con tham gia hay không. Hiện, những buổi chữa và ôn tập trực tuyến miễn phí thường có 30/35 HS của lớp tham dự. Những HS không tham gia, GV vẫn gọi điện để động viên các con ôn tập. Hy vọng được ôn tập, chữa đề trong quá trình nghỉ hè sẽ giúp HS củng cố kiến thức và hoàn thành tốt bài kiểm tra cuối kỳ sắp tới…” - cô Lan Phương bày tỏ.

Với nhiều GV trẻ, có thời gian và Tiếng Anh, Tin học tốt có thể nhận việc dịch thuật tại nhà; quảng cáo sản phẩm và chốt đơn hàng online cho các cửa hàng kinh doanh thời trang, dày dép, kính, túi… Nhiều GV vùng nông thôn nghỉ hè cũng đồng nghĩa tham gia gặt hái, gieo trồng, chăn nuôi cùng gia đình để có thêm nguồn thu.

GV Trường THPT số 1 Bắc Hà - Lào Cai dạy học trực tuyến cho học sinh. Ảnh: Đức Trí
GV Trường THPT số 1 Bắc Hà - Lào Cai dạy học trực tuyến cho học sinh. Ảnh: Đức Trí

Để mùa hè trọn ý nghĩa

Tranh thủ nghỉ hè, GV phát huy nghề “tay trái” để tăng cường kinh tế gia đình không còn là điều xa lạ, thậm chí khá phổ biến. Từ buôn bán kinh doanh đặc sản quê, đồ gia dụng, mỹ phẩm… đến tận dụng kiến thức làm các mặt hàng đồ ăn sẵn. Nhiều GV đã thành công, tạo việc làm thêm và thu nhập không chỉ cho bản thân mà cả người quen.

Tuy nhiên, “thương trường như chiến trường”, không ít GV bước vào buôn bán nhưng lại không thể thành công bởi thiếu kinh nghiệm. Lãi chưa thấy mà hàng hóa ế ẩm, hỏng… khiến thua lỗ rồi nhanh chóng nản chí, giải tán nghề phụ.

Cô Lê Thị Thơm bày tỏ: Làm nghề gì cũng phải gắn liền với tâm huyết, chịu khó và học hỏi. Đặc biệt với GV, khi thời gian chính vẫn dành cho HS và trường lớp phải biết lựa chọn công việc, mặt hàng phù hợp. Không thể kinh doanh theo cảm tính, thấy xã hội “sốt” mặt hàng lập tức lao vào buôn bán.

GV tham gia mưu sinh, buôn bán kiếm thêm dịp hè là điều bình thường. Tuy vậy, sự giao tiếp trên mạng xã hội, và ngoài cuộc sống vẫn đòi hỏi chuẩn mực, uy tín từ người thầy. Có như vậy, xã hội mới có sự nhìn nhận, tôn trọng GV trong mọi hoàn cảnh và những mùa hè với công việc “trái tay” mới thực sự ý nghĩa. 

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, GV tiểu học gần như không nghỉ hè dài ngày. Thầy cô vẫn tham gia công việc liên quan tới chuyên môn như tập huấn theo Chương trình, SGK hay làm thiết bị dạy học đã hỏng nhưng chưa được bổ sung…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.