Một tấm lòng với trò

GD&TĐ - “Nhà giáo tâm huyết và sáng tạo chính là những tấm gương nhà giáo yêu người và giỏi nghề. Để những tấm gương ấy có thể soi chiếu và thành thông điệp khích lệ, nhân rộng những người tốt – việc tốt cho ngành, cho đời, mỗi nhà trường cần làm tốt công tác phối hợp chính quyền và công đoàn để đẩy mạnh phong trào thi đua đổi mới trong dạy và học”. Đây là một trăn trở của cô giáo Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội).  

Một tấm lòng với trò

Xây dựng môi trường sư phạm dân chủ

Việc xây dựng một môi trường sư phạm thân thiện, dân chủ luôn là đích hướng đến của Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội). Đây vốn là trường THPT bán công đầu tiên và đến năm 2015 cũng là trường THPT công lập tự chủ chất lượng cao đầu tiên của Hà Nội. Với những bước đầu tiên đầy gian nan và thách thức đó, nhà trường đã không ngừng nỗ lực để vươn lên.

Trong quá trình thí điểm với những sự “khởi đầu nan” ấy, các thầy cô giáo đặc biệt BGH nhà trường luôn hiểu được rõ ràng vai trò của công tác phối hợp chính quyền và công đoàn để đẩy mạnh phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học.

Nhà giáo Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy và học BGH nhà trường đã luôn chú trọng tới vấn đề: Xây dựng môi trường sư phạm dân chủ. “Chúng tôi hiểu rõ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở trường học chính là gieo mầm dân chủ xanh tươi cho xã hội.

Khi người thầy làm gương dân chủ, dạy dân chủ và rèn tập về dân chủ cho học trò chính là cách làm hữu hiệu nhất. Đặc điểm mô hình của trường chỉ có 1/3 là đội ngũ biên chế, còn lại 2/3 là hợp đồng thỉnh giảng và hợp đồng lao động. Điều đó đồng nghĩa với 2/3 số giáo viên, nhân viên đến từ nhiều trường, nhiều nơi khác nhau.

Do vậy nếu không có sự ủng hộ, tham mưu, kết nối của công đoàn trong sự chỉ đạo của BGH nhà trường thì khó có thể xây dựng thành công khối đoàn kết. Bởi có thuận lòng mới thuận việc, có thuận việc mới có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.

Một môi trường sư phạm dân chủ phải mang lại sự thân thiện, tích cực cho mối quan hệ giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò, giữa trò với trò, giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Vì vậy một trong những quy định cụ thể hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc là “đối thoại tại nơi làm việc”.

Tại Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, việc đối thoại đã và đang diễn ra như một đặc thù của cách thức làm việc. Chính vì không ngại những ý kiến trái chiều, và khi cùng bàn luôn cùng tìm cách tháo gỡ nên chúng tôi có sự đồng thuận sâu và sức lan tỏa rộng của sự nhất trí, đồng lòng.

Nhấn mạnh về vai trò người thầy trong thời kỳ hội nhập mới, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa đã chia sẻ về điều này: “Ở trường chúng tôi, trò có thể nhận xét thầy, “chấm điểm thầy”. Đây là câu chuyện khó nghe thời kỳ trước nhưng gần đây nó đã trở thành việc từng nghe. Chúng tôi tự hào về đạo đức và phẩm chất của những người làm thầy, nhưng lại không thể chủ quan về năng lực sư phạm cần không ngừng nâng bậc và tăng cường.

Một người làm thầy có đạo đức, vẫn có thể là người thầy mà học sinh không muốn học. Một giáo viên giỏi một vài năm trước cũng có thể sa sút lạc hậu ở thời điểm sau. Chưa bao giờ phương pháp giảng dạy lại lên ngôi trị vì như bây giờ. Phương pháp dạy và tổ chức học làm nên người thầy giỏi thời nay, chứ không chỉ là kiến thức.

Chính vì thế việc thực thi dân chủ tổ chức cho học sinh góp ý, nhận xét, bình chọn giáo viên hằng năm đã giúp giáo viên buộc phải vươn lên và không ngừng làm mới, không ngừng cố gắng.

Chú trọng giáo dục nếp sống cho học sinh

Việc xây dựng môi trường sư phạm dân chủ luôn đồng hành với định hướng “dạy chữ song song với dạy người” . Điều này đã khiến mục tiêu giáo dục học sinh quan trọng ngang bằng, thậm chí còn hơn cả việc trang bị kiến thức.

Chúng ta thấu hiểu rằng, nếu mỗi học trò không trở thành một người sống tốt thì việc có kiến thức cũng vô nghĩa. Chính vì vậy đã 9 năm qua, Trường THPT Phan Huy Chú luôn được phụ huynh và học sinh ghi nhận là việc dạy người và giáo dục nếp sống thành công.

Một trong những kinh nghiệm mà nhà giáo Cao Thanh Nga chia sẻ về những thành công của thầy và trò nhà trường đó là: Toàn thể hội đồng sư phạm đã linh hoạt, sáng tạo để công tác dạy người luôn trong thế chủ động và đạt được hiệu quả cao. Linh hoạt là thích nghi, vươn lên trong mọi hoàn cảnh để việc tổ chức các hoạt động trở nên sâu sắc, tự nhiên và ý nghĩa.

Linh hoạt là mềm mại, hài hòa, tự nhiên và hiệu quả khi thực hiện theo một kế hoạch phù hợp trong cả điều kiện chính khóa và ngoại khóa. Linh hoạt tuyệt đối không là tùy hứng, tùy tiện mà phải tuân theo nguyên tắc chung. Linh hoạt chỉ đem đến thành công khi đi cùng kế hoạch rõ ràng và có sự chỉ đạo sát sao, thống nhất. Linh hoạt không tách rời việc xác định trọng tâm và các biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Công tác giáo dục nếp sống cho HS cũng cần có một tiến trình. Xác định nhận đơn đặt hàng từ cuộc sống, nghĩa là xuất phát từ nhu cầu giáo dục học sinh cấp thiết từ đời sống. Cụ thể như việc an nguy hàng ngày của học trò, khi tình hình giao thông ở Hà Nội ngày càng phức tạp, mà lứa tuổi học sinh THPT đã trực tiếp tham gia giao thông.

Vì vậy thầy cô giáo của Trường THPT Phan Huy Chú đã quan tâm tới việc trang bị cho các em HS kiến thức về an toàn giao thông và văn hóa giao thông. Hoặc, nhận thấy phụ huynh ngày nay rất bận rộn, vì vậy việc dạy cư xử, nếp sống cho con em còn hạn chế. Nên hàng ngày tới lớp các thầy cô đã dạy cho các con những kỹ năng giao tiếp, cách chăm sóc bản thân cũng như biết có kế hoạch với việc học tập và sinh hoạt hàng ngày.

   Bên cạnh Bộ tài liệu chính thức và rất hữu ích của Sở GD&ĐT ban hành, chúng tôi luôn phối hợp dạy các bài về giá trị sống và kỹ năng sống cho học trò của mình. Chúng tôi đã giảng dạy và hướng dẫn học sinh thảo luận các bài học như: Văn hóa giao thông, Văn hóa vỗ tay, Ngàn năm hiếu học, Chọn nghề là chọn số phận, Văn hóa tri ân, Khi tôi 18... Hành trình dạy người trong tiến trình nêu trên đã luôn được điều chỉnh, rút kinh nghiệm để không bị mòn, bị cũ - Cô Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ