Mở đường sáng cho những đôi mắt tối

GD&TĐ - Khó khăn lớn nhất khi dạy học sinh khuyết tật là sự tự ti cố hữu ở các em. Vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên là kiên trì, nhẫn nại và nỗ lực để giúp các em vượt qua rào cản tâm lý, tự tin hơn để khẳng định mình trong cuộc sống.

Cô giáo Lê Thu Hương
Cô giáo Lê Thu Hương

Đó là chia sẻ của cô giáo Lê Thu Hương – Nhân vật trong tác phẩm "U Hương của những học sinh khiếm thị" - tác giả Nguyễn Trần Anh Thu (VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam) - đoạt Giải A phát thanh cuộc thi "Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục" năm 2018.

Hãy bước đi, rồi đường sẽ sáng

Hơn 20 năm qua, cô giáo Hương ngày nào giờ đã thành "bà giáo" nghỉ hưu, vẫn ngày ngày cần mẫn mang tri thức đến cho các học sinh khiếm thị, giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng, như tình yêu vĩnh hằng, như duyên nghiệp trời định.

Cô Hương tâm sự rằng, điều cô tâm đắc và tự hào nhất về Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố (nơi cô đã và đang công tác) có lẽ chính là việc nhà trường đã trở thành cầu nối quan trọng các em học sinh đặc biệt này đến với giảng đường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp

Trước kia, học sinh khiếm thị chỉ đươc học hết bậc THCS thì việc học văn hóa phải dừng lại vì không có nơi tiếp nhận. Tuy nhiên, từ khi Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố mở lớp đón học sinh khiếm thị thì cơ hội học tập, hòa nhập của các em rộng mở hơn. Đã có rất nhiều học sinh tốt nghiệp ĐH, CĐ, mang kiến thức của mình trở về phục vụ cộng đồng người khiếm thị.

Cô Hương cho biết, dù sức khỏe không được tốt lắm nhưng bản thân cô luôn lấy công việc này làm niềm vui, lẽ sống nên gặp các em là mọi mệt mỏi gần như tan biến hết.

Được học trò và người dân khu vực trìu mến đặt cho nhiều biệt danh: "Cô Hương chùa" hay "Hương Bà Đá", "cô Hương khiếm thị" nhưng cô Hương tâm sự rằng, cô thích nhất nickname "U Hương" vì học sinh coi mình như người mẹ của chúng, gần gũi, thân thương và đầy trìu mến.

Là giáo viên có nhiều năm gắn bó, đồng hành cùng các thế hệ học sinh khiếm thị, câu nói mà cô tâm đắc nhất, cũng thường nói để động viên, khuyến khích các học sinh khiếm thị của mình, đó là: "Hãy bước đi, rồi đường sẽ sáng!

Không có học trò cưng nhất

Khi được hỏi, nếu học sinh cô "cưng" nhất làm sai, hoặc thi trượt một kì thi quan trọng, cô sẽ nói gì với bạn ấy?

Cô Hương cho biết, tất cả học sinh mà cô dạy đều là học sinh được cô cưng và cô không có học sinh "cưng nhất". Nếu học sinh lỡ mắc sai lầm, tùy tình huống và mức độ cô sẽ nhắc nhở trước lớp hoặc gặp riêng để tìm hiểu nguyên nhân. Đa phần là cô luôn kết hợp nhắc nhở và động viên để giúp học sinh đó nhận ra lỗi sai và sửa chữa.

Là một giáo viên có nhiều thời gian làm việc với các học sinh khuyết tật, từ khóa quan trọng nhất cô Hương luôn tâm niệm là: "Mọi học sinh đều bình đẳng". Điều đó xuất phát từ sự cảm thông và tin tưởng. Niềm tin của giáo viên sẽ góp phần nâng bước những học sinh thiệt thòi phát triển hết khả năng để cống hiến cho xã hội.

Cô cho biết, khó có thể tránh khỏi áp lực khi làm việc với đám học trò mà sự ranh mãnh chỉ đứng sau "quỷ" và "ma". Tuy nhiên, cô luôn ý thức mình cần cảm thông với học trò nhiều hơn bực giận chúng.

Mỗi khi gặp tình huống, cô thường tìm cách hóa giải bằng cách bình tĩnh, động viên, đặt mình vào hoàn cảnh của học trò để hiểu và thông cảm, vì cô Hương cho rằng, "Một lời động viên chân thành đôi khi có thể thay đổi cuộc đời của một con người".

Nếu học sinh không may trượt một kỳ thi quan trọng, cách duy nhất của cô là động viên bạn cố gắng hơn trong các kỳ thi khác, tiếp thêm động lực để bạn trau dồi kiến thức, sự bình tĩnh, tự tin để chinh phục các kỳ thi sau.

Trong suy nghĩ của cô, nhu cầu học để biết cùng với trí tưởng tượng phong phú của học sinh khiếm thị chính là nguồn cảm hứng lớn nhất cho mọi sáng tạo của giáo viên.

Đa phần người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng rất mong muốn được học tập, hòa nhập và được công nhận trong cộng đồng. Nếu biết động viên, khai phá những tiềm năng đó, sẽ khơi gợi và phát triển tối đa khả năng sáng tạo, thêm động lực để họ cống hiến nhiều thành quả tốt đẹp cho xã hội.

Cô giáo Lê Thu Hương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm - Hà Nội), hiện đã nghỉ hưu, đang tham gia giảng dạy môn Toán cho học sinh khiếm thị lớp 12 tại Trung tâm.

Năm 1996, cô Hương tham gia dạy lớp khiếm thị đầu tiên đào tạo trình độ bổ túc THPT tại Trung tâm và gắn bó với đối tượng học sinh này kể từ đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ