Hàng triệu giáo viên tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021

GD&TĐ - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu. Theo đó, hàng triệu giáo viên sẽ tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Giáo viên nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60 vào năm 2035

Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Giáo viên làm việc trong điều kiện bình thường, bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trên.

Trường hợp về hưu trước tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Nghỉ hưu trước tuổi (về hưu ở tuổi thấp hơn) nếu giáo viên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước 1/1/2021. Có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi quy định nêu trên. Trường hợp giáo viên bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% được về hưu khi đủ 55 tuổi 3 tháng với nam và 50 tuổi 4 tháng với nữ. Trường hợp giáo viên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, tuổi nghỉ hưu được tính là đủ 50 tuổi 3 tháng với nam, 45 tuổi 4 tháng với nữ.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống kê tới thời điểm này có khoảng 3 triệu người đang làm các công việc ở 1.810 nghề thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong nhóm này có đối tượng là giáo viên đang dạy thể dục, thể thao tại các khoa, trường chuyên thể dục, thể thao.

Ngoài ra, những người làm các công việc liên quan đến thí nghiệm vật lý hạt nhân, thí nghiệm phóng xạ… được xếp vào nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Những giáo viên này được xếp vào nhóm có điều kiện lao động loại IV, thường xuyên làm việc ngoài trời, cường độ làm việc cao, tiêu hao năng lượng lớn, căng thẳng thần kinh tâm lý. Theo Bộ luật Lao động sửa đổi, thì thầy cô có quyền nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ. 

Tăng tuổi hưu có bảo đảm chất lượng dạy học?

Không phải nghiễm nhiên người ta đặt nghề giáo viên là một trong những nghề cao quý trong xã hội bởi nhà giáo là người chèo lái con thuyền tri thức cho thế hệ trẻ và giữ vai trò chính trong sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, cũng giống những nghề khác, bản thân nghề giáo viên cũng tiềm ẩn nhiều về nguy cơ sức khoẻ và không vượt ra khỏi được gánh nặng mang tên “bệnh nghề nghiệp”.

ThS Nguyễn Mạnh Tiến, giảng viên Trường cao đẳng Đường sắt (Hà Nội) chia sẻ, nhiều người nghĩ nghề giáo viên không nhọc nhằn vất vả, không nguy hiểm đến sức khoẻ nhưng thực ra nghề giáo viên đối mặt nhiều nguy cơ cho sức khoẻ. Đó chính là việc thường xuyên tiếp xúc với bụi phấn, thường xuyên phải đứng lâu, nói và diễn giải với cường độ cao gây ra các nguy cơ viêm họng mãn tính, viêm thanh quản, giãn tĩnh mạch, stress, thậm chí ung thư… Đặc thù những giảng viên giảng dạy nghề vừa phải làm thợ vừa làm thầy hướng dẫn nên khi tuổi cao sức khoẻ sẽ không đảm bảo.

Trước đó, nhiều giáo viên mầm non đã bày tỏ băn khoăn, cho rằng họ khó có thể làm nghề ở tuổi 45-50. Cô Nguyễn Thị Ngân, một giáo viên mầm non ở tỉnh Thái Bình chia sẻ, do đặc thù công việc của giáo viên mầm non phải múa hát, dạy dỗ cho trẻ, khi tuổi cao, sức yếu không thể nhảy và hát múa cho trẻ như những cô giáo trẻ tuổi được. Cô Ngân kiến nghị, nên đưa nghề giáo viên mầm non vào danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và được nghỉ hưu sớm hơn quy định.

Nhiều chuyên gia phân tích, xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu từ học sinh, phụ huynh ngày càng cao, khiến giáo viên phải đối mặt với nhiều áp lực căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, còn áp lực từ hội đồng giáo dục nhà trường, ban giám hiệu, từ các cuộc thi, đặc biệt giáo viên cũng là những cá thể trong đời thường nên đồng thời chịu áp lực từ gia đình, xã hội. Những áp lực, căng thẳng này dẫn tới biểu hiện như suy giảm trí nhớ, đau đầu, rụng tóc, mất ngủ, rối loạn tiêu hoá, tăng huyết áp, tổn thương tim, suy giảm hệ miễn dịch. Từ đó, làm giảm mức độ hài lòng với công việc, chất lượng cuộc sống, phá vỡ các mối quan hệ, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Bởi vậy, tăng tuổi nghỉ hưu trở thành một thách thức không nhỏ đối với đa số giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ