Tăng tuổi hưu cho một số chức danh: Cần minh bạch các điều kiện, tiêu chí

Tăng tuổi hưu cho một số chức danh: Cần minh bạch các điều kiện, tiêu chí

Ngoài các quy định mới về điều kiện hưởng lương hưu, dư luận quan tâm đến nhóm được kéo dài tuổi nghỉ hưu, trong đó, các chức danh nghỉ hưu ở tuổi cao hơn gây nhiều băn khoăn.

Quy định chưa cụ thể

Trao đổi với PV Lao Động xung quanh Dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho hay, theo quy định tại Khoản 4, Điều 169 thì người lao động (NLĐ) có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại Khoản 2, Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, tất cả những NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ đều có thể được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm, còn các trường hợp kéo dài thêm 5 tuổi nhưng vẫn giữ chức vụ lãnh đạo là do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

“Theo tôi, Điều 5 dự thảo Nghị định là bao gồm cả cán bộ, công chức và phải thỏa mãn Khoản 3, điều này về nguyên tắc, điều kiện. Tuy nhiên, Điều 5 dự thảo Nghị định chưa thật cụ thể, có thể dẫn đến hiểu lầm là chỉ nâng tuổi nghỉ hưu cao hơn gồm 10 nhóm cán bộ, công chức nữ và những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao” - ông Lợi nói.

Trả lời câu hỏi vì sao lại chỉ xem xét tăng tuổi hưu với nhóm đối tượng nói trên, ông Lợi cho rằng, quan điểm khi xây dựng luật cho phép NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao kể cả người có chuyên môn kỹ thuật và người có trình độ quản lý, hoàn toàn không phải chỉ kéo dài thời gian làm việc cho người giữ chức vụ lãnh đạo.

Quan trọng nhất là sự cần thiết

Cũng bày tỏ sự băn khoăn với Dự thảo Nghị định, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia - cho rằng, việc xem xét tăng tuổi hưu phải căn cứ những người ở lại đến 65 tuổi cần có tiêu chí gì về năng lực chuyên môn, cái cần về công việc, sức khỏe chứ không phải cứ “auto” lãnh đạo là ở lại.

Thứ hai, đâu chỉ nhất thiết cấp này ở lại, cấp nào công việc cần, hai bên đáp ứng cần nhau thì người lao động phải ở lại.

“Phải đưa ra tiêu chí để người ta thấy người được kéo dài tuổi ở lại cũng như nhóm nghỉ hưu sớm - phải có điều kiện nặng nhọc, độc hại làm sao, ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Người ở lại chuyên môn đòi hỏi cần gì, ở lại thì hơn người khác ra sao” - ông Huân bày tỏ.

Cũng theo ông Huân, vấn đề này còn liên quan đến quy hoạch cán bộ, lớp kế cận như thế nào nếu lớp trước tại vị.

“Tại vị thì ai còn muốn phấn đấu? Cho nên, chỗ nào cần, người lao động đáp ứng được thì ở lại, chứ không nhất thiết quy định như trên. Quan trọng nhất vẫn là sự cần thiết. Tại sao cứ lãnh đạo ở lại” - ông Huân nhấn mạnh?

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, băn khoăn việc tăng tuổi hưu ở nhóm vị trí lãnh đạo có ảnh hưởng đến ý chí phấn đấu của những người khác hay tước đi một phần cơ hội việc làm của nhóm lao động trẻ hay không là không thỏa đáng.

“Thực tế, số người tăng tuổi nghỉ hưu ở nhóm vị trí lãnh đạo này thì không có bao nhiêu và nếu có năng lực thực sự thì rất tốt và cũng không ảnh hưởng đến ý chí phấn đấu của những người khác hay tước đi một phần cơ hội việc làm của nhóm lao động trẻ nếu chúng ta thực hiện đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch. Đồng thời, nếu bỏ qua không tận dụng NLĐ có chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm, tâm huyết thì lại là một sự lãng phí đáng kể” - ông Lợi nêu ý kiến.

Các chức danh nghỉ hưu ở tuổi cao hơn
1. Cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh dưới đây:
a) Phó Trưởng ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng;
b) Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
c) Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội;
d) Thứ trưởng bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ;
đ) Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương;
e) Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật;
g) Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng;
h) Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
i) Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh;
k) Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các ban đảng của Thành ủy Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Theo laodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ