Cô giáo Hrê nặng lòng với trẻ em dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Cô giáo Đinh Thị Hồng Linh không chỉ là giáo viên mầm non người đồng bào dân tộc thiểu số tận tụy với trò, mà con đường để đến với giảng đường đại học với rồi trở thành cô giáo là một câu chuyện dài.

Cô Đinh Thị Hồng Linh chăm sóc học trò.
Cô Đinh Thị Hồng Linh chăm sóc học trò.

Đường đến với ước mơ
Cô giáo Đinh Thị Hồng Linh – giáo viên mầm non người đồng bào dân tộc thiểu số người Hrê hiện đang công tác tại trường Mẫu giáo An Dũng, huyện An Lão – một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Bình Định.

Sinh ra trong gia đình có tám anh chị em. Bố mẹ đã làm quần quật để nuôi cả đàn con tám đứa được đủ ăn, đủ mặc. Năm 2011, cô Linh tốt nghiệp lớp 12. Khi biết tin mình đã đậu vào Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương I (Hà Nội), chuyên ngành mầm non, cô Linh vừa buồn vừa vui rồi lo lắng, hi vọng, thấp thỏm... Cảnh nhà như thế, liệu ước mơ của mình sẽ sáng được như đom đóm chăng? Rồi sau nhiều lần bàn tính, tới lui... vì thương con bố mẹ đã hạ quyết tâm sẽ cố gắng bằng mọi cách tạo điều kiện cho con đi học.
Thời gian đầu cô gái dân tộc Hrê khá chật vật với cuộc sống xa nhà. Mọi thứ với cô đều xa lạ, mới mẻ, bỡ ngỡ nhưng bù lại cô được học tập và trải nghiệm cuộc sống mới, gặp những người bạn cùng chí hướng, được những thầy, cô khai sáng tâm trí - đó là điều hạnh phúc vô cùng. 

Cô Đinh Thị Hồng Linh
Cô Đinh Thị Hồng Linh

Năm tháng đó, để trang trải cuộc sống và có tiền đóng học phí, cô Linh vừa đi học vừa đi làm thêm vào những ngày cuối tuần. Lắm lúc mệt rã rời nhưng lại thấy mình may mắn, tự hào vì sự cố gắng của bản thân, quan trọng hơn là giảm đi gánh nặng cho gia đình.
Cô Linh chia sẻ: “Ngành học mầm non tưởng chừng rất dễ nhưng càng học tôi đã nhận ra rằng: ngành học này không hề dễ, nó đòi hỏi người học và sẽ là những cô giáo mầm non tương lai phải biết quý trẻ, yêu nghề, kiên nhẫn, biết kềm chế, có tinh thần trách nhiệm cao, hết sức bao dung. Bao lần tưởng chừng phải dừng lại nhưng rồi tôi đã chạm được ước mơ của mình, nghĩ đến những đứa trẻ trong làng lem luốc, chỉ quẩn quanh với bếp lửa hay lẽo đẽo theo bố mẹ lên nương...tôi càng cố gắng vươn lên”.

Năm thứ 3, cô Linh được về quê thực tập tại Trường mầm non An Lão. Đấy là niềm hạnh phúc rất lớn mà cô mong chờ. Ngày đầu tiên bước vào cổng trường, vừa hồi hộp, vừa lo lắng, thấy các con ở đây rất dễ thương, thân thiện, gần gũi và cất tiếng chào“Chúng con chào cô ạ!”... đó là kỉ niệm mà cô Linh nhớ mãi không bao giờ quên.

Chắp cánh những ước mơ 
Năm 2013, tốt nghiệp ra trường cô Linh được Phòng Giáo dục và Đào tạo An Lão bố trí công tác tại Trường mẫu giáo An Dũng. Đây là nơi cô sinh ra và lớn lên, và cô sẽ dạy những con chữ đầu tiên cho chính người đồng bào mình.

Cô Linh cùng học sinh dân tộc
Cô Linh cùng học sinh dân tộc

An Dũng là một xã miền núi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Người dân nơi đây phần lớn là người dân tộc thiểu số (người Hrê) chủ yếu làm nông, trình độ dân trí thấp. Địa hình quanh co, người dân sống dọc theo hai bên bờ sông và dưới chân núi. Giao thông đi lại không thuận tiện, có sông nhưng không có cầu. Đến mùa mưa học sinh ở bên kia sông phải nghỉ học vì không có cầu qua lại, có những hôm, cha mẹ các em đi làm xa không về kịp để đón con, cô Linh phải cõng từng em qua sông để trở về nhà. Trường học thì không đủ phòng nên nhà trường đã mượn nhà văn hóa thôn cho cô giáo dạy học. Trạm y tế thì xa các thôn nên ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân. 

Trong thời gian gần đây, theo quy hoạch của tỉnh thì An Dũng là vùng nằm trong dự án “Hồ chứa nước Đồng Mít”. Các hộ dân phải di dời đi nơi khác, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tâm lý cha mẹ học sinh và việc học của học sinh,.... Đặc biệt trong năm vừa rồi, dự án bắt đầu xây dựng thì càng thêm khó khăn cho nhà trường và nhân dân. Các thôn làng lần lượt di dời xuống chỗ ở mới, nhiều học sinh phải nghỉ học một thời gian vì điều kiện đi lại quá trở ngại, khiến các em chán nản trong học tập.

Nhiều trở ngại là vậy nhưng cô, trò chưa bao giờ từ bỏ mà vẫn nỗ lực dạy tốt, học tốt. Ngoài các hoạt động dạy và học, trường còn tham gia các cuộc thi do ngành tổ chức như: “Bé năng động cùng Aerobic cấp huyện” hay “Bé yêu tiếng Việt cấp huyện”... trong nhiều năm liên tiếp các em đều đạt giải cao.

Mặc dù các em đều là người dân tộc thiểu số nhưng lại rất mạnh dạn, tự tin khi được tham gia và thi với các bạn trường khác trong huyện. Trong quá trình công tác tại trường, cô Linh luôn tận tâm hướng dẫn, dạy bảo cho các em. Cô Linh còn tham gia các cuộc thi như: giáo viên dạy giỏi cấp trường, giáo viên dạy giỏi cấp huyện đều đạt giải, cô còn tham gia các cuộc thao giảng do trường tổ chức đặc biệt là thao giảng cụm để các trường bạn cùng đến tham dự, trao đổi học tập chuyên môn.

Cô Linh còn được cử làm đại diện Đoàn viên tiêu biểu đi tham dự Đại hội Đoàn cấp huyện và Đại hội Đoàn cấp tỉnh. Năm học vừa qua, cô Linh đã tham gia cuộc thi “Tìm hiểu đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và trẻ tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020” do ngành tổ chức, đạt giải ba. Cô chia sẻ: “Tôi rất biết ơn những người đã cho tôi động lực, cho tôi sự mạnh dạn dù chỉ một chút để tôi được thể hiện, được học hỏi. Xin cảm ơn các đồng nghiệp luôn giúp đỡ, ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi để tôi có được thành công như ngày hôm nay. Cảm ơn các em học sinh đã cho tôi được thực hiện ước mơ làm cô giáo”.

Cô Linh là một trong số những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Đến thăm các thầy cô giáo, đại diện Ban tổ chức, ông Trịnh Văn Hào – Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long cho biết: “Năm nay chương trình tuyên dương các giáo viên là người dân tộc thiểu số diễn ra trong bối cảnh đặc biệt của ngành giáo dục vì những ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và những rủi ro thiên tai. Ban tổ chức hy vọng rằng những câu chuyện đầy cảm hứng và xúc động của những giáo viên dân tộc thiếu số sẽ được lan tỏa rộng rãi trong xã hội để chúng ta thêm trân quí những người đưa đò thầm lặng, hi sinh hết mình truyền tải kiến thức cho các em học sinh nơi non cao, vùng sâu, vùng xa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ