Cô giáo của nhiều Sao Mai được vinh danh Nhà giáo Ưu tú

GD&TĐ - Nghệ sĩ, giảng viên thanh nhạc Hoàng Hiền-Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NGƯT. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho người thầy ba thập kỷ hết mình vì sự nghiệp đào tạo âm nhạc.

Nghệ sĩ, nhà giáo Hoàng Hiền (áo vàng) cùng các học trò đã thành công tại giải Sao Mai.
Nghệ sĩ, nhà giáo Hoàng Hiền (áo vàng) cùng các học trò đã thành công tại giải Sao Mai.

Người thầy của những “ngôi sao”

Nghệ sĩ Hoàng Hiền sinh năm 1971 bắt đầu công việc giảng dạy thanh nhạc từ năm 1992, khi mới 21 tuổi. Gần 30 năm qua, chị gắn bó với cái nôi đào tạo nghệ thuật của xứ Thanh theo từng bước phát triển của ngôi trường này, từ khi còn là trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa, lên Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa và bây giờ là Đại học VH, TT&DL Thanh Hóa.

Suốt gần 3 thập kỷ gắn bó và dành tâm huyết với nghề dạy học thanh nhạc và đào tạo, bồi dưỡng các tài năng âm nhạc, cô giáo Hoàng Hiền đã hái được những “quả ngọt” khiến giới chuyên môn nể trọng. Hiện chị là Trưởng khoa Âm nhạc của Đại học VH, TT&DL Thanh Hóa (Thanh Hóa).

Có thể nói, nghệ sĩ Hoàng Hiền có được thành công lớn mà ít người thầy ở những cái nôi nghệ thuật lớn hàng đầu cả nước có thể sánh được khi rất nhiều học trò đã thành danh. Trong số đó có thể kể tới 5 học trò giành giải cao tại cuộc thi Sao Mai – sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp lớn nhất trên sóng truyền Truyền hình Quốc gia.

Đó là Ngô Thanh Huyền (Quán quân năm 2013 dòng nhạc nhẹ), Hoàng Thủy (Á quân năm 2015 dòng nhạc nhẹ), My Lam (giải Nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2011 dòng nhạc nhẹ), Lê Thúy Anh (Giải Nhất Khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2017 dòng nhạc nhẹ), Trịnh Linh Chi (Á quân 2019 dòng thính phòng).

Mặt khác, nhiều sinh viên do cô giáo Hoàng Hiền đào tạo cũng đạt các giải Vàng, Bạc, Đồng tại Hội thi tài năng Văn hóa Nghệ thuật toàn quốc, Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ VHTT&DL tổ chức.

Có thể kể tới Đỗ Thị Lam (HCV, năm 2010), Thanh Huyền (HCB, năm 2012), Nguyễn Văn Thắng (HCV, năm 2015), Lê Thúy Anh (HCB, năm 2015), Tạ Duy Thức (HCB, năm 2015), Lê Mạnh Cường (HCĐ, năm 2015), Linh Chi (HCĐ, năm 2017), Vi Thiên Thanh (HCV, năm 2018), Trần Thị Hồng Ngân (HCB, năm 2020), Hà Trọng Nghĩa (HCĐ, năm 2020).

Nhà giáo, nghệ sĩ Hoàng Hiền (thứ 2 từ trái sang) cùng học trò tại Hội thi Tài năng trẻ HSSV các cơ sở đào tạo nghệ thuật toàn quốc 2020.
Nhà giáo, nghệ sĩ Hoàng Hiền (thứ 2 từ trái sang) cùng học trò tại Hội thi Tài năng trẻ HSSV các cơ sở đào tạo nghệ thuật toàn quốc 2020.

Chị cũng bồi dưỡng nhiều tài năng âm nhạc lứa tuổi thiếu nhi của tỉnh Thanh Hóa tham gia các cuộc thi truyền hình toàn quốc và đoạt giải cao như: Nguyễn Quang Anh – Quán quân Giọng hát Việt nhí 2013; Đào Đình Anh Tuấn – Á quân Giọng hát Việt nhí 2018, Nguyễn Quốc Thái – Quán quân Đồ Rê Mí 2013, Bảo Anh – Quán quân Got Talent nhí 2018...

Hiện nay, nhiều học trò của chị cũng đang giữ trọng trách là trưởng, phó khoa thanh nhạc tại những ngôi trường đào tạo âm nhạc trên toàn quốc.

Tận tâm cùng nghệ thuật

Những “trái ngọt”, “mùa vàng” mà nhà giáo – nghệ sĩ Hoàng Hiền nhận được là thành quả từ tài năng, kiến thức, tâm huyết và đặc biệt sự tận tâm của người thầy. Chị là một cô giáo sẵn sàng đặt thành công của học trò lên trên chính bản thân mình.

Chẳng hạn như khi Hoàng Hiền thực hiện MV "Xin đừng mãi vô tình", lịch quay  lại trùng với thời điểm Trịnh Linh Chi bước vào vòng Chung kết Sao Mai 2019. Mọi ưu tiên của chị lúc đó là dành cho học trò, thành ra việc của chính mình – thực hiện MV đánh dấu một chặng đường nghệ thuật và là sản phẩm âm nhạc tri ân thầy giáo - lại có đôi chút sao nhãng.

Chị chỉ tranh thủ về Thanh Hóa ghi hình rồi lại gấp gáp quay ra Quảng Ninh để luyện giọng cho Trịnh Linh Chi. Không phụ lòng cô giáo, Trịnh Linh Chi đã gây đã gây tiếng vang lớn tại cuộc thi Sao Mai 2019 với ngôi Á quân dòng Thính phòng.

Trong lịch sử 22 năm của giải Sao Mai, những thí sinh giành ngôi vị cao dòng Thính phòng luôn đến từ những cái nôi nghệ thuật lớn ở Hà Nội và TP.HCM, chưa từng có ai là học sinh của một trường nghệ thuật địa phương như Trịnh Linh Chi.

Trong công việc quản lý, giảng dạy, nhà giáo Hoàng Hiền còn tham gia nghiên cứu khoa học, các đề tài khoa học cấp tỉnh và cơ sở, viết đề tài sáng kiến kinh nghiệm, viết bài cho các tạp chí chuyên ngành, hội thảo khoa học các cấp...

NGƯT Hoàng Hiền đã có ba thập kỷ cống hiến hết mình vì sự nghiệp đào tạo âm nhạc.
NGƯT Hoàng Hiền đã có ba thập kỷ cống hiến hết mình vì sự nghiệp đào tạo âm nhạc.

Chị là chủ biên của 2 giáo trình Thanh nhạc hệ Cao đẳng và Đại học của ĐH VH, TT&DL Thanh Hóa. Chị đã nhận được nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Thanh Hóa... và là gương mặt điển hình thi đua yêu nước ngành Giáo dục Đào tạo toàn quốc giai đoạn 2015-2020.

Điều đáng nói, dù rất bận rộn với việc đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học nhưng nhà giáo Hoàng Hiền chưa bao giờ quên mình là một nghệ sĩ. Chị đã đạo diễn, dàn dựng nhiều chương trình biểu diễn của trường và tỉnh, tham gia hội đồng nghệ thuật của tỉnh thẩm định các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và đặc biệt vẫn thường xuyên xuất hiện trên sân khấu ca nhạc.

Chị đã thực hiện 5 MV ca nhạc Xin đừng mãi vô tình, Mẹ tôi, Em chỉ có mình anh thôi, Ta tự hào là người giáo viên, Thời hoa đỏ. Chị cũng là ca sĩ đầu tiên ở Thanh Hóa thực hiện 2 liveshow cá nhân vào năm 2008 và 2017, gây tiếng vang trong đời sống văn hóa nghệ thuật xứ Thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ