Cô giáo chủ động đổi mới

GD&TĐ - Hơn 23 năm gắn bó với “phấn trắng, bảng đen”, cô Lê Ngọc Trâm – giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội) luôn nỗ lực hết mình và không ngừng đổi mới sáng tạo để mỗi giờ lên lớp, cô, trò đều có được niềm vui và ngập tràn hạnh phúc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngay từ khi còn là sinh viên, cô Trâm tâm đắc với câu nói của nhà sư phạm Ginoviep, người Nga: “Để cung cấp cho người học một hạt nhỏ hào quang kiến thức, người thầy giáo phải uống cạn một biển cả ánh sáng”. Cô luôn lấy câu nói đó là động lực để không ngừng phấn đấu, bồi dưỡng về chuyên môn và đạo đức nhà giáo. Với cô, mỗi ngày đến trường và mỗi giờ đứng trên bục giảng đều là khoảng thời gian đẹp và ý nghĩa nhất. Chính nền móng sư phạm của gia đình đã đưa cô đến với con đường của tri thức và hình thành nên một nhà giáo mẫu mực và tâm huyết.

Ngay từ khi bước chân vào nghề, cô Trâm đã xác định: Là giáo viên cần nhiều tâm sức, nhất là đối với giáo viên tiểu học. Cô tâm niệm, đã là giáo viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà cần phải có tâm với nghề.

Cho đến nay, cô vẫn coi đó là kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Cô chú ý đến từng học sinh, nói chuyện, động viên và tìm hiểu về các em. Bởi theo cô, giáo viên phải hiểu mới dạy được, học sinh phải yêu mến giáo viên, việc học mới hiệu quả.

Chính vì thế, Cô Trâm luôn tự nhủ, mình phải gắn kết thật tốt với học sinh, yêu thương học sinh như con đẻ của mình. Đó chính là nhân tố quan trọng trong quá trình giảng dạy. Với tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo, cô đã là người mẹ hiền thứ hai của bao thế hệ học trò.

Cô giáo Lê Ngọc Trâm. Ảnh: NVCC

Với phương châm không ngừng cố gắng từng ngày vì sự nghiệp giáo dục và trên hết là vì các em học sinh thân yêu, cô Trâm đã ghi nhiều dấu ấn trong công tác giảng dạy. Cô luôn tìm hiểu, nghiên cứu để phát triển các phương pháp mới nhằm hỗ trợ trong giảng dạy. Năm 2012, kho dữ liệu điện tử dạy học môn Lịch sử và Địa lý lớp 4 được cô xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin. Đây có thể coi là một ứng dụng công nghệ đang được áp dụng rộng rãi trong ngành Giáo dục, bởi nó không chỉ như một “thư viện điện tử” khổng lồ, mà còn dễ dàng truy cập và là công cụ hữu ích để cô và các đồng nghiệp nghiên cứu, tham khảo phục vụ cho dạy học.

Ngoài ra, cô Trâm đã nhanh chóng tiếp cận phương pháp mới như: Thiết kế bài giảng E-learning - một sản phẩm giảng dạy thực sự hay và hiệu quả.

Trước câu hỏi: “Điều gì sẽ mang kiến thức đến với học sinh một cách đơn giản và thú vị hơn?”, cô Trâm luôn băn khoăn, trăn trở để tìm ra câu trả lời. Năm 2008, ứng dụng “Lớp học thông minh” được tạo nên từ tâm huyết và sự trăn trở của cô. Sản phẩm được đưa vào các bài giảng thực tế.

Kết quả tạo ra những phản ứng tích cực không chỉ từ phía học sinh, mà còn gây hứng thú với các thầy cô giáo tham gia dự giờ. Các tiết học trở nên sôi nổi, có sự tương tác nhiều hơn giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên.

Không chỉ là một giáo viên giỏi, tâm huyết, yêu thương học sinh, cô Trâm luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ các thầy cô giáo khác trong chuyên môn, nghiệp vụ.

Mỗi khi có ý tưởng hay cô luôn chia sẻ với đồng nghiệp, để mọi người có thể tiếp cận nhanh nhất có thể. “Nghề nhà giáo luôn là một nghề đáng trân trọng và tôn vinh. Tôi cũng rất tâm đắc với câu nói của Quách Mạt Nhược - một học giả nổi tiếng người Trung Quốc đã từng ca ngợi: “Mặt trời mọc rồi lặn, Mặt trăng khuyết rồi lại tròn nhưng ánh sáng mà người thầy chiếu rọi vào chúng ta sẽ còn mãi trong suốt cuộc đời” – cô Trâm bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ