Chuyện về bác bảo vệ trước cổng trường tận tụy với công việc

GD&TĐ - Từ sớm tinh mơ, bác Nguyễn Văn Lũy (năm nay 71 tuổi) đã có mặt trước cổng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) để làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự trong thời điểm phụ huynh đưa rước con em. 

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn dành cho bác Lũy sự kính trọng (ảnh chụp sáng ngày 6/10)
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn dành cho bác Lũy sự kính trọng (ảnh chụp sáng ngày 6/10)

Và như thường lệ, học sinh, giáo viên, lẫn phụ huynh gặp bác đều dành nhưng cái cúi chào, lời hỏi thăm, nụ cười trước khi bước vô trường. Những cái cúi chào tưởng chừng rất bình thường nhưng lại chạm đến trái tim của mỗi người.

Khi lời chào cao hơn mâm cỗ

Những ngày qua, đoạn clip ghi lại hành động đẹp của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong khi cúi đầu chào bác bảo vệ lớn tuổi ở trước cổng trường đã được lan truyền rất nhanh trên mạng XH với nhiều lời khen có cánh.

Theo đó, từ khi trời còn tinh mơ, trời mưa cũng như nắng, người đàn ông sinh năm 1946 trên chiếc xe đạp cũ luôn có mặt đúng giờ để làm nhiệm vụ trật tự trước cổng trường Lê Hồng Phong. Học sinh, phụ huynh và cả những giáo viên bước vào trường đều cúi đầu chào bác. Những cái cúi chào tưởng chừng rất bình thường nhưng lại chạm đến trái tim của mỗi người.

Được HS chào, bác Lũy gật đầu chào lại, nở nụ cười tươi tắn, thi thoảng có phụ huynh HS hỏi thăm vài câu, bác lại vui vẻ trả lời. Thậm chí có người quý bác còn dúi vào tay bịch bánh, gói trà, nhiều học sinh còn đưa cả sữa kêu “bác uống đi ạ”.

“Tụi nhỏ trường này ngoan lắm, không chỉ riêng tôi đâu, thấy người lớn là cúi chào rất lễ phép. Nhìn các cháu vậy ai mà chẳng vui. Xưa tôi cũng là HS của trường này (tên cũ là Trường Petrus Ký), nên rất tự hào về ngôi trường có bề dày thành tích, có nền nếp tốt và cách giáo dục HS tuyệt vời”, bác Lũy chia sẻ.

Với tư cách là tổ phó tổ dân phố khu phố 1, phường 4, quận 5, bác Lũy cho hay, bác làm ở trường Lê Hồng Phong được vài năm, trước đó bác cũng làm ở Trường Trung học thực hành Sài Gòn với nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn trước trường học. Dù ở tuổi 71, ngày ngày bác vẫn luôn tận tụy, nhiệt tình hết mình vì công việc.

Vừa trò chuyện, vừa quay lại gật đầu cúi chào HS, thi thoảng có người đến cổng trường giao báo, bác ra đón nhận. Vài chiếc xe bus đưa rước HS rẽ vào cổng, hay thời điểm đông phụ huynh đưa HS tới trường, kèm theo các phương tiện lưu thông trên tuyến đường, bác lại nhanh chân làm nhiệm vụ, đảm bảo cho các em HS di chuyển thuận tiện.

Bác bảo, “tuổi cũng lớn rồi nhưng đi làm thấy vui lắm, ở nhà mấy ngày cuối tuần cũng buồn. Với lại mình làm quen rồi, chưa nghĩ đến lúc sẽ nghỉ ngơi”.

Nhìn bác đón nhận niềm vui của một ngày mới theo cách riêng, phụ huynh có mặt ở trường luôn dành cho bác những lời có cánh. Anh Nguyễn Hồng Quang, (ngụ tại quận Phú Nhuận) cho hay: Tôi đưa đón con 3 năm học ở đây, ngày nào cũng gặp hình ảnh HS của trường cúi chào bác, bảo lại gật đầu chào lại không quên mỉm cười. Nhìn các cháu biết lễ phép, kính trọng với người lớn như vậy khiến phụ huynh chúng tôi rất vui, hài lòng.

Còn với HS ở trường khi được hỏi về việc cúi chào bác rất lễ phép, các em đều cho rằng, việc lễ phép kính trọng và cúi chào bác bảo vệ như là một việc làm bình thường, tự nhiên chứ các em chẳng ai bảo ai cả.

“Con cũng không biết chia sẻ như thế nào, vì con thấy nó như là điều tự nhiên, khi tụi con gặp người lớn thì tụi con lễ phép chào hỏi. Ở trong trường không ai nói với nhau về chuyện chào bác, nhưng không ai quên điều đó trước khi vào trường như một sự kính trọng với bác vậy”, bạn Anh Thư lớp 12 Chuyên Lý 2 cho hay.

Và những chuyện đời thường…

Bác Lũy nhận báo cho trường
Bác Lũy nhận báo cho trường

7h sáng, cánh cổng trường Lê Hồng Phong khép lại, bác Lũy dắt chiếc xe đạp cũ và di chuyển sang ngôi trường bên cạnh trong khu phố. Vừa đi, bác vừa kể, hiện bác và vợ vẫn ở nhà thuê, vợ bác sức khỏe đã yếu nên hai vợ chồng nương tựa vào nhau mà sống.

Công việc làm ở tổ dân phố và một số trường học cũng giúp bác có thêm chút chi phí trang trải qua ngày. Nhưng quan trọng hơn, nó đem đến cho bác niềm vui ở tuổi già, nhận được sự yêu mến của hàng ngàn HS, phụ huynh.

Nói rồi, bác cho biết, từ nhiều năm trước, ở một số trường bác từng làm, có vài thành phần trà trộn vào phụ huynh và học sinh ở trước cổng, lẻn vào trong trường trộm cắp. Vì vậy, bác thường phải đến trường sớm để phát giác, đuổi các đối tượng này để họ không có cơ hội để trà trộn vô và giữ trật tự trong thời điểm học sinh tới lớp. Khi công việc đảm bảo trật tự trước cổng trường kết thúc vào lúc 11h trưa, bác lại bắt đầu làm thêm vài công việc để mưu sinh như đạp xích lô, giao hàng…

Bác kể, “ngày trước, nhiều lần tôi đi tuần bắt được trộm, nhất là mấy tên cướp giật đồ xung quanh đây. Bây giờ tuyến đường này rất an toàn nên học sinh, sinh viên các trường lân cận cũng rất yên tâm. Trước có nhiều cháu bị giật đồ, té xe thương lắm. Phát hiện là tôi và mấy người chạy ra ngay, hô hoán bắt mấy tên đó lại”.

Sự tận tụy và những việc làm của bác đã được chính quyền địa phương và TP tuyên dương về gương Người tốt việc tốt từ nhiều năm nay.

“Giấy khen, bằng khen thì nhiều lắm, tôi nhớ không nhầm là 21 chiếc, trong đó có cả bằng khen của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ trước kí. Tôi cũng vui lắm nhưng tất nhiên, tôi làm việc tốt là xuất phát từ cái tâm chứ không phải để được tuyên dương đâu. Tôi ghét bọn cướp giật, thương mấy người bị giật đồ té xuống rất nguy hiểm nên đi đường quan sát để ý xem có gì còn hỗ trợ người khác. Có lần đuổi theo còn bị té gãy cả tay, nhưng không sao, hết đau tay tôi lại trở lại công việc hằng ngày”, bác Lũy vui vẻ nói.

Như để minh chứng cho điều đó, bác Lũy với tay lấy cuốn sổ bỏ ngay trước chiếc giỏ xe đạp ra rồi bảo, “hồi trước tôi bắt cướp được lên báo, có phụ huynh đọc báo thấy tôi quen nên photo tờ báo tặng. Tôi nào giờ có biết lên Internet đọc báo gì đâu. Mấy hôm nay cũng vậy, thấy mấy người hàng xóm bảo “bác lên báo hoài” tôi cũng thấy vui thêm”.

Chia tay bác bảo vệ già, nụ cười thân thiện trên gương mặt đã nhiều nếp nhăn khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng thấy ấm áp. Giữa đời thường, những con người bình dị như bác luôn tỏa sáng theo cách riêng, đáng ngưỡng mộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.