“Ông lái đò” trên đảo Bình Ba

GD&TĐ - Người dân và bao thế hệ học trò trên đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) đã quá quen với hình ảnh thầy giáo Nguyễn Hữu Thuế vừa làm hiệu trưởng vừa là GV  đứng lớp. Thầy dạy môn Toán, Lý và Công dân. Nhiều lúc thiếu giáo viên, thầy Thuế dạy cả môn Sử, môn Địa, với mong muốn duy nhất không để HS trống tiết. 35 năm là GV kiêm hiệu trưởng, người dân trên đảo yêu mến thường gọi thầy là “ông lái đò” Bình Ba.

Những tấm bằng khen được treo khắp ngôi nhà cấp 4 của thầy Nguyễn Hữu Thuế. Ảnh: T.G
Những tấm bằng khen được treo khắp ngôi nhà cấp 4 của thầy Nguyễn Hữu Thuế. Ảnh: T.G

Nhiệt huyết tuổi trẻ

Băng qua những con hẻm nhỏ nằm sát ngay bên Trường Tiểu học Bình Ba, tôi tìm đến nhà thầy Nguyễn Hữu Thuế. Gia đình thầy Thuế có năm đời sống trên đảo Bình Ba, từ thời ông nội thầy Thuế đã theo nghề biển, sau này bố thầy làm nghề thợ may, mẹ ở nhà nội trợ. Thời kỳ đó, ở trên đảo cuộc sống vô cùng khó khăn, điện nước thiếu thốn, hằng ngày đi lại bằng ghe, tàu chở hàng mất thời gian do đó từ nhỏ thầy Thuế đã có quyết tâm muốn thoát ly khỏi đảo.

Thầy lựa chọn nghề dạy học để tiến thân. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, được tổ chức điều về đảo Bình Ba để làm công tác trồng người nơi đây. Lúc được phân về nơi mình từng sinh sống, muốn thoát ly từ nhỏ, tuy không sợ khổ, sợ khó mà do ý chí tuổi trẻ đã muốn vươn lên để có được cuộc sống tốt hơn trên đất liền nên thầy Thuế có chút tiếc nuối.

Nhưng rồi nhiệt huyết tuổi trẻ cộng với sự động viên của gia đình, chàng thanh niên trẻ ngày ấy quyết định ở lại gắn bó với xã đảo để phục vụ quê hương. Lúc đó, thầy dạy lớp THCS ở Trường Phổ thông cơ sở Bình Ba, ngôi trường chỉ có duy nhất một lớp THCS còn lại 5 lớp tiểu học.

Về dạy học ở Bình Ba như cơ duyên. Tại đây, thầy quen cô Nguyễn Thị Cảnh - giáo viên tiểu học của trường. Ít lâu sau, hai người nên duyên vợ chồng, cùng nhau ở lại hòn đảo Bình Ba để tiếp tục sự nghiệp trồng người cho đến hôm nay.

Tâm huyết với nghề

Thời đó, ở đảo Bình Ba có câu vè: “Dân Bình Ba, ba đời ghe, đi chân đất, đi đầu trần”, ý nói người Bình Ba chỉ có nghề biển, đi đâu cũng đầu trần chân đất. Khi thầy Thuế về trường, thói quen này của các em học sinh THCS vẫn còn. Nhiều học sinh đến trường vẫn không mang dép, guốc. Sau nhiều nỗ lực, thầy Thuế đã bỏ thói quen đi học không mang giầy dép, tạo thói quen chào cờ mỗi sáng thứ Hai, xây dựng nề nếp văn hóa, quần áo chỉn chu khi đến trường.

Gắn bó với trường đến năm 1980, thầy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng và năm 1983 là Hiệu trưởng Trường PTCS Cam Bình, phụ trách 2 điểm trường Bình Ba và Bình Hưng với 22 lớp gần 800 học sinh, sau này đổi thành Trường THCS Nguyễn Trung Trực.

Dạy học ở xã đảo có điểm thú vị. Thầy Thuế vừa làm hiệu trưởng vừa là GV đứng lớp môn Toán, Lý và Công dân. Thậm chí, nhiều lúc thiếu giáo viên, thầy kiêm luôn GV dạy môn Sử, môn Địa. Thầy Thuế cho rằng: Làm nghề sư phạm phải biết tất cả cách hoạt động ở trường phổ thông, xây dựng một tập thể gắn bó.

Ngoài bằng khen của các cấp địa phương về sự nghiệp giáo dục, vợ chồng thầy vừa xây được căn nhà cấp 4 trên miếng đất 40 m2 do UBND xã cấp. Tuy vậy, tài sản lớn nhất mà vợ chồng thầy Thuế để lại trên đảo là một thế hệ giáo viên và học sinh  trưởng thành. 

Với HS, thầy luôn trăn trở: Bình Ba có nhiều em hiếu học, học giỏi nhưng phần lớn học lực vẫn yếu. Ngoài ra, còn tình trạng HS bỏ học sớm do điều kiện khó khăn, gia đình ép buộc theo nghề biển… Do vậy, hằng năm, cứ đến tháng 8, thầy Thuế đến từng gia đình nắm tình hình học sinh đi học để chuẩn bị cho năm học mới.

Gắn bó với đảo 35 năm, đều đặn mỗi tuần, thầy đi đò từ Bình Ba qua Bình Hưng rồi đến cảng Ba Ngòi để dạy và họp. Có những ngày trời mưa bão, sóng biển cao cả mét, gió mạnh, mưa to, thầy Thuế vẫn lên đò sang Bình Hưng để động viên các em học sinh và kiểm tra trường lớp.

Đảo Bình Ba bây giờ đã khác. Cuộc sống người dân khấm khá hơn xưa. Sự học của con em cũng được quan tâm. Các thầy cô giáo được phân về đây dạy học ngày một nhiều. Nhưng phần lớn thầy cô đều có hoàn cảnh khó khăn nên đảo Bình Ba như là nơi thử thách, rèn luyện bản lĩnh nhà giáo trước khi về đất liền. Bởi vậy, thầy thường nói với các thầy cô: Về đây là để lấy đà cho tương lai nên cố gắng đem sức mình dạy dỗ tốt, nhà trường sẽ tạo điều kiện để thầy cô về đất liền. “Còn ai không tâm huyết với nghề thì cứ ở lại đảo Bình Ba mãi như thầy đây”, thầy Thuế cười vui.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ