“Hút” học sinh đến thư viện

GD&TĐ - Sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện giải trí đã ảnh hưởng đến việc đọc sách của học sinh. Nhằm giúp các em nâng cao văn hóa đọc, tỉnh Đồng Tháp  thực hiện nhiều giải pháp: Mô hình Thư viện xanh, Chuyến xe tri thức, Ngày hội đọc sách…  mang lại hiệu quả tích cực, ngày càng “hút” học sinh đến với thư viện. 

Góc trưng bày và là nơi tự lựa chọn tài liệu đọc nằm bên ngoài tủ Thư viện xanh
Góc trưng bày và là nơi tự lựa chọn tài liệu đọc nằm bên ngoài tủ Thư viện xanh

Thư viện xanh “hút” học sinh

Đây là mô hình thư viện được nhiều trường tiểu học ở tỉnh Đồng Tháp triển khai có hiệu quả trong thời gian qua. Trong đó, Trường Tiểu học Giồng Găng (huyện Tân Hồng) là một điểm sáng.

Thư viện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, bồi dưỡng kiến thức và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học. Đồng thời, thư viện tham gia tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị và xây dựng nếp sống văn hóa mới cho các thành viên của nhà trường. Trường Tiểu học Giồng Găng đã tìm giải pháp “hút” học sinh đến thư viện bằng mô hình Thư viện xanh vào thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần.

Để giáo viên và học sinh tìm đến Thư viện xanh đọc sách, nhân viên phụ trách thư viện xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động và thông báo những danh mục sách, báo mới hàng tuần. Cô Đoàn Thị Mỹ Diệu - Trường Tiểu học Giồng Găng, chia sẻ: “Thư viện xanh luôn được quan tâm đầu tư những quyển sách, báo và các loại truyện mới. Luôn luôn có sự thay đổi sách và cách trang trí trong thư viện với tiêu chí đẹp, lạ nhằm thu hút độc giả đến thư viện đọc sách”.

Thư viện xanh của Trường Tiểu học Giồng Găng đã trở thành địa điểm quen thuộc, là nơi thầy cô giáo và các em học sinh tìm đến trong những giờ rảnh rỗi hay giải lao để đọc sách và tìm kiếm thêm thông tin bổ ích cho bản thân. Để đáp ứng nhu cầu đọc sách, nhà trường và cán bộ thư viên luôn nỗ lực để phát huy thư viện ngày càng đẹp và có nhiều tài liệu để thầy cô giáo và các em học sinh tìm đến. Hệ thống thư viện của trường có diện tích 64m2, với hơn 4.800 bản sách các loại. Bên cạnh đó, việc áp dụng thiết bị dạy học và tự làm đồ dùng dạy học trong giờ lên lớp cũng được thực hiện thường xuyên và đạt hiệu quả cao.

Không chỉ ở huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng có mô hình Thư viện xanh thu hút đông đảo học sinh tìm đến. Thư viện xanh được trang trí, thiết kế bằng tre, có mái che và sử dụng các vật dụng tái chế như chai nhựa, hộp bánh, chai nước ngọt… Thư viện gồm nhiều sách, báo và truyện các loại, được phân chia theo chủ đề, trình bày vô cùng bắt mắt. Đó là những “ngôi nhà” xây bằng truyện tranh hay những “bông hoa” gồm báo, tạp chí bắt mắt. Vào những giờ ra chơi, thầy cô, học sinh đến thư viện tùy theo nhu cầu sẽ tìm đến góc đọc riêng. Những tiếng bàn luận to nhỏ, hay tiếng cười khúc khích của cô cậu học trò làm cho không gian thư viện rộn rã, thân thiện.

Theo chia sẻ của thầy Đoàn Văn Trí - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự: “Là huyện biên giới đầu nguồn nên các hoạt động vui chơi, giải trí của các em học sinh nơi đây có phần hạn chế hơn so với các địa phương khác. Việc đưa Thư viện xanh vào hoạt động đã giúp các em có nơi vừa học vừa chơi. Với không gian mở, Thư viện xanh giúp học sinh thoải mái khi đọc sách, không gò bó trong phòng như trước. Ngoài ra các em còn có nhiều hoạt động, vui chơi, giải trí gắn với thư viện này”.

Đem sách về vùng sâu, vùng xa

Với mong muốn mang tri thức qua hàng nghìn tài liệu sách báo, truyện tranh, Internet… đến với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, Thư viện tỉnh Đồng Tháp phối hợp với một số đơn vị thực hiện hành trình “Chuyến xe tri thức”. Nhờ chuyến xe này mà các em nhỏ, đặc biệt là học sinh vùng khó đã được đọc những quyển sách mình yêu thích; được đọc sách mới, sách hay và tham gia các hoạt động đọc sách do chính cán bộ thư viện thực hiện.

Sở đã chỉ đạo các thư viện tuyên truyền, lồng ghép nâng cao nhận thức về văn hóa đọc trong các hội nghị, họp mặt, biểu dương và có các hình thức khen thưởng cuối năm. Đặc biệt, các thư viện đổi mới hình thức đọc bằng việc xây dựng góc thư viện trong lớp học, thư viện xanh ngoài nhà trường, tủ sách lưu động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng...

Ông Ngô Quang Tuyên 
- Phó Giám đốc Sở VH - TT&DL tỉnh Đồng Tháp 

Với các hoạt động như trưng bày, triển lãm sách, tổ chức các hoạt động đọc sách giải ô chữ, đọc sách trả lời câu hỏi, đố vui kiến thức về sách, hướng dẫn thực hành từ sách, giáo dục STEM… chương trình đã mang đến cho các em học sinh vùng biên giới một môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích, đáp ứng nhu cầu đọc, học tập, nghiên cứu, giúp rèn luyện các kỹ năng, năng khiếu. Thông qua đó, hình thành thói quen đọc sách, báo để mở rộng tri thức, góp phần phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng tại tỉnh Đồng Tháp.

Chia sẻ về hiệu quả của chương trình Chuyến xe tri thức, thầy Châu Thanh Phú (Trường Tiểu học Tân Khánh Đông 1, TP Sa Đéc, Đồng Tháp), cho biết: Học sinh tham gia các hoạt động rất sôi nổi, hào hứng. Đây là lần đầu tiên các em được tha hồ đọc sách, xem truyện tranh, sử dụng máy vi tính, đọc truyện, xem phim hoạt hình… Nhiều em mong muốn chương trình Chuyến xe tri thức đến trường thường xuyên hơn để các em tham gia các hoạt động, mở mang kiến thức.

Bên cạnh việc phục vụ tài liệu sách, báo, tra cứu cơ sở dữ liệu, thông tin trên Internet, xem phim, thư viện còn tổ chức nhiều hoạt động đọc sách, tương tác cùng sách và hướng dẫn thực hành từ sách như: Đọc sách giải ô chữ, đọc sách trả lời câu hỏi trên máy chiếu, hướng dẫn đọc sách sáng tác truyện tranh, hướng dẫn làm túi bảo vệ môi trường thay túi nilon, đố vui về sách, đố vui kiến thức, tô tượng, tô màu tranh vẽ.... Qua đó nhằm giáo dục kỹ năng đọc, rèn luyện năng khiếu và nhiều kỹ năng khác nhằm hỗ trợ cho việc học tại nhà trường cho các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ