Kết nối nhé... 1977 Vlog

GD&TĐ - Lần đầu tiên, “ekip” 1977 Vlog (với Trung Anh - giáo Thứ, Việt Anh - lão Hạc nhưng thiếu Văn Tân - cậu Vàng) “đổ bộ” đến “Ơ Kìa Hà Nội”. Đây cũng là lần đầu tiên, “e kip” xuất hiện trước khán giả... ngoài trời, trong ngày cuối tuần của mùa đông lạnh giá.

Khán giả Hà Nội giao lưu với ekip 1977 Vlog giữa đêm đông tại “Ơ Kìa Hà Nội”. Ảnh: Bình Thanh.
Khán giả Hà Nội giao lưu với ekip 1977 Vlog giữa đêm đông tại “Ơ Kìa Hà Nội”. Ảnh: Bình Thanh.

Cảm ơn “giáo Thứ”, “lão Hạc”...

Sự xuất hiện này đã được khán giả với đủ độ tuổi, từ thiếu nhi (lớp 4, lớp 5) cho đến U50, U60; với đủ thành phần: học sinh, sinh viên, giáo viên, dân văn phòng... đón nhận hào hứng.

Hơn 25 phút chiếu 5 clip phim, từ: “Spoil phim mới “Cậu Vàng” cực mạnh” (Cậu Vàng trong vai chó Shiba) cho đến “Hồi ký của một dân chơi – Chí Phèo”, “Vợ chồng A Phủ Parody – Vòng xoáy của bạc”, “Chị Dậu Parody – Kỷ nguyên hắc ám” và Sống mòn - “Giáo án lửa thiêng” khán giả cứ thế hết rúc rích thì phá lên mà cười.

Cô bé học sinh lớp 8 Trường THCS Bế Văn Đàn đi cùng mẹ và em trai còn rì rầm đọc vanh vách theo những câu nói của các nhân vật: “Toang rồi, toang thật rồi bu em ạ”, “Hãy sống những tháng năm rực rỡ, đừng chết mòn trong cái đết lai của mình”, “Thứ đàn ông đánh vợ rồi chơi với Tuesday thì phải đi make up lại nhân phẩm đấy!”, “Không, tôi chỉ bị ngáo sự lương thiện”, “Đôi tay này đã đánh học trò, nó không thể cầm phấn được nữa”...

Rồi thì khi những clip khép lại cũng là lúc các bậc phụ huynh sôi nổi lên tiếng. Ở ngay sát vách “Ơ Kìa Hà Nội”– Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, phụ huynh Nguyễn Thị Yến đã “không yên” khi cậu con trai nằng nặc đòi mẹ dẫn sang gặp “giáo Thứ”, “lão Hạc”.

Thay vì ban đầu chần chừ, ngại trời lạnh để khoác áo ra khỏi nhà, sau cả tiếng đứng “ngó” “giáo Thứ”, “lão Hạc” chuyện trò, vị phụ huynh này đã hăng hái xung phong... đặt câu hỏi. Nhưng, thay vì đặt câu hỏi, chị chỉ dành lời cảm ơn 1977 Vlog. Vì sao ư? Vì nhờ 1977 Vlog đã khiến cho không chỉ con trai chị mà cả đám học trò của chị ồn ào, xôn xao tới “Tắt đèn”, “Lão Hạc”, “Vợ chồng A Phủ”, “Sống mòn”, “Chí Phèo”.

“Tôi là giáo viên dạy Văn ở Trường THPT Văn Hiến. Thực ra, ở ngoài tuổi 40, tôi là người khá xa lạ với thế giới mạng, cụ thể là Vlog. Thế nhưng, có một hôm cậu con trai đang học lớp 7 của tôi cười rấm rích khi ngồi trước màn hình Ipad. Thế là tôi ngó sang một lần rồi hai lần và cuối cùng là đứng xem luôn với con trai.

Hôm sau đến lớp, tôi khoe với đám học trò là, “để Mị nói cho mà nghe” về 1977 Vlog. Thế là, cô trò dành cả tiết học cùng thưởng thức các clip của các bạn trong những tiếng cười vui vẻ, sảng khoái. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Các bạn đã tạo ra một thế giới của lão Hạc, chị Dậu, giáo Thứ, cậu Vàng, Mị, A Phủ, A Sử... vô cùng hấp dẫn, thú vị” – cô giáo Nguyễn Thị Yến sung sướng nói lời cảm ơn tới “giáo Thứ” và “lão Hạc”.

Kết nối nhé...

Không riêng gì cô giáo Nguyễn Thị Yến, sự xuất hiện của cặp anh em sinh đôi Trung Anh – Việt Anh – chủ nhân của 1977 Vlog chính là dịp để các phụ huynh, các thầy cô giáo cùng đều gửi lời cảm ơn.

Cô giáo Tâm An – giáo viên Trường THCS Ngô Sĩ Liên kể rằng khi dạy lão Hạc các em học sinh liền nói: “Cậu vàng đi đời rồi ông giáo ạ. 5000 đô”. Thấy cô giáo “mắt tròn, mắt dẹt”, chúng mách cô về xem... 1977 Vlog. Và cô Tâm An bắt đầu biết để rồi yêu thích “giáo Thứ”, “lão Hạc” từ đó.

Cô Tâm An bày tỏ: “Tôi muốn nói lời cảm ơn và cũng muốn nhân cơ hội này để bày tỏ lòng cảm kích tới các bạn. Cũng vì, năm ngoái, khi dạy tác phẩm Lão Hạc” và đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, không khí lớp học của tôi vui vẻ, hào hứng như thế.

Và sau niềm hứng khởi ấy, các em học sinh còn tìm đọc thêm các tác phẩm gốc hoặc liên quan như “Tắt đèn”, “Sống mòn” cũng như chú ý hơn đến những tác phẩm văn học”.

Cô giáo Phương Thanh thì nhấn mạnh rằng, phải là những người đọc văn học một cách tử tế, phải là những người hiểu kỹ tác phẩm văn học thì 1977 Vlog mới có thể dựng được những clip thú vị như thế về văn học.

Còn với phụ huynh 7x – Bình Phương – người từng ước mơ trở thành thầy giáo cũng gửi lời cảm ơn “giáo Thứ” và “lão Hạc”, vì hai bạn đã làm công việc rất tử tế và là một làn gió mới có sức lan tỏa rất lớn.

Cảm ơn như thế để rồi phụ huynh cũng như các cô giáo liền tranh thủ “chào mời”, “đặt hàng”... “giáo Thứ”, “lão Hạc”. Cô giáo Hải Yến “đặt hàng” “giáo Thứ”, “lão Hạc” sản xuất nhiều clip hơn nữa cho các tác phẩm văn học nhà trường để giáo viên dạy văn có thể tham khảo đưa vào giảng dạy. Cô giáo Tâm An nêu lý do học sinh của mình đang bận ôn thi học kỳ để rồi đưa ra nhã ý mời “giáo Thứ”, “lão Hạc” ghé tới trường Ngô Sĩ Liên để giao lưu với các em học sinh.

Cô giáo Phương Thanh lại gợi mở rằng, sẽ đến lúc 1977 Vlog cần những nhân tố mới như thêm gương mặt diễn viên mới, ý tưởng sáng tạo mới. “Lúc đó, hãy kết nối tới tôi nhé vì tôi có nhiều học trò yêu thích 1977 Vlog và cũng rất say mê sáng tạo” – cô giáo Phương Thanh gửi gắm.

Giữa biết bao sự yêu mến cũng như gợi mở đó của khán giả, phụ huynh và các cô giáo, Trung Anh – Việt Anh lúc cười bẽn lẽn, lúc ngồi nghiêm ngắn như một học sinh “tiếp thu bài” nhưng cuối cùng thì vẫn là những lời trao đổi dí dỏm, hài hước: “Vâng, chúng em cũng đang nghĩ đến một series clip về các tác phẩm văn học nổi tiếng, không chỉ của Việt Nam mà cả của thế giới.

Dù bây giờ chỉ ba là vừa đủ với... túi tiền để chúng em sản xuất clip nhưng trong tương lai chúng em sẽ cần đến những nhân tố mới – mới thật sự như chúng em chứ không phải là những ngôi sao nào đó. Điều chúng em muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ là, hãy làm những gì mình yêu thích. Nhưng phải hiểu kỹ, hiểu rõ về cái mình yêu thích, các bạn nhé...”.

Đêm đông Hà Nội ngày càng lạnh khi kim đồng hồ chỉ vào con số 23 giờ. Còn tình yêu của khán giả là những em học sinh, các cô giáo... với 1977 Vlog cứ nóng hôi hổi như thế...

“Những việc các bạn đang làm không hề ba lăng nhăng. Các bạn đã mang lại sức sống mới cho tình yêu văn học của khán giả trẻ hôm nay. Nhưng nếu các bạn không tìm những nhân tố mới, nhân tố trẻ thì đến một ngày các tác phẩm của các bạn sẽ trở thành buồn chán – giống như một võ sĩ thượng đài không có đối thủ vậy. Tôi hy vọng các bạn ý thức được điều đó, có sự kết nối để tiếp tục mang lại sức sống mới cho văn chương” – khán giả Bình Phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.