Kết nối khám chữa bệnh từ xã lên Trung ương

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng đã trăn trở xây dựng công nghệ liên kết trạm y tế xã với tuyến Trung ương. Hệ thống cho phép người dân, bệnh nhân trao đổi và thông tin trực tiếp với các bác sĩ tuyến trên.

Hệ thống kết nối y tế xã giúp việc khám và điều trị nhanh chóng hơn, người dân được tiếp cận dịch vụ tốt hơn.
Hệ thống kết nối y tế xã giúp việc khám và điều trị nhanh chóng hơn, người dân được tiếp cận dịch vụ tốt hơn.

Trăn trở với y tế miền núi

Là một nhà khoa học trẻ, PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, Trường Quốc tế, ĐHQGHN luôn trăn trở nghiên cứu phát triển sản phẩm giúp mọi người tiếp cận gần hơn với các hệ thống chăm sóc y tế hiện đại, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Đó là động lực để anh nung nấu thực hiện đề tài “nghiên cứu tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho nhóm yếu thế (vùng miền núi phía Bắc)”.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Tây Bắc vẫn là khu vực hết sức khó khăn, có tới 43/62 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 25,6%. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, bốn nhóm bệnh có tỉ lệ mắc cao và mang tính chất nguy hiểm với cộng đồng nói chung cũng như ở các tỉnh Tây Bắc nói riêng là: Tim mạch và tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về đường hô hấp (phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản) và lao phổi. Việc thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất là nút thắt khiến công tác điều trị trở nên khó khăn, vất vả hơn cho cả người bệnh và hệ thống y tế địa phương.

“Suy nghĩ về ý tưởng phát triển sản phẩm phục vụ lợi ích và mong muốn được chăm sóc sức khỏe của người dân tại đây đã thôi thúc tôi nghiên cứu, triển khai hệ thống tích hợp và kết nối mạng truyền thông của các thiết bị y sinh nhằm hỗ trợ theo dõi sức khỏe và dịch tễ cộng đồng khu vực Tây Bắc”, TS Tùng nói.

Đề tài đã làm chủ công nghệ chế tạo phần truyền thông của thiết bị y sinh như máy đo đa thông số, có khả năng truyền dữ liệu về máy tính theo dõi trung tâm; Xây dựng cơ sở khoa học của hệ thống (phần cứng và phần mềm) tích hợp và kết nối thiết bị điện tử y sinh và mạng truyền thông, hỗ trợ theo dõi sức khoẻ cộng đồng và công tác dịch tễ khu vực Tây Bắc; Làm chủ được lĩnh vực công nghệ thông tin và áp dụng vào ngành y tế thông qua phần mềm theo dõi và quản lý các bệnh án;

Thiết kế và thiết lập được hệ thống phần mềm tích hợp và kết nối thiết bị điện tử y sinh (di động hoặc cố định), qua mạng Internet, truyền dữ liệu hai chiều về các thông số sức khỏe và dịch tễ học cộng đồng theo tuyến quản lý y tế, từ phòng y tế/bệnh viện vùng Tây Bắc về bệnh viện trung tâm ở Hà Nội (Bệnh viện ĐHQGHN hoặc tương đương); Triển khai thí điểm hệ thống kết nối, truyền dữ liệu giữa một bệnh viện cấp tỉnh và một số bệnh viện cấp huyện vùng Tây Bắc với bệnh viện trung tâm ở Hà Nội (Bệnh viện ĐHQGHN hoặc tương đương).

Hệ thống này cho phép tạo ra một mạng lưới kết nối giữa các trạm y tế cấp xã với các tuyến y tế cấp huyện, tỉnh và Trung ương tại Hà Nội. Hệ thống cho phép người dân, bệnh nhân trao đổi và thông tin trực tiếp với các bác sĩ, giữa các bác sĩ tại các đơn vị y tế khác nhau cũng như giữa các người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, Trường Quốc tế, ĐHQGHN, tác giả giải pháp kết nối y tế xã với các bệnh viện lớn.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, Trường Quốc tế, ĐHQGHN, tác giả giải pháp kết nối y tế xã với các bệnh viện lớn.

Nhận thông tin tư vấn bệnh từ xa

Trong khuôn khổ đề tài này, một hệ thống phần mềm kết hợp với các hệ thống nhúng tích hợp và kết nối các thiết bị điện tử y sinh và mạng truyền thông hỗ trợ theo dõi 4 bệnh phổ biến ở Tây Bắc. Để phục vụ được người dân ở các vùng khó khăn trên cả nước, đề tài đề xuất triển khai ứng dụng một số trang thiết bị y tế đã được phát triển tại một số cơ sở trong cả nước trong khuôn khổ đề tài đã triển khai của Bộ Y tế. Trong giai đoạn đầu, đề tài tập trung vào đo các thông số huyết áp, nhịp tim, nồng độ oxy trong máu, nhiệt độ, đường huyết và cholesterol. Các thiết bị này có thể được phát cho các trạm y tế thôn, bản và người dân trong các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các chương trình phòng tránh 4 bệnh phổ biến nêu trên.

“Trong trường hợp người dùng ở các vùng khó khăn, người dân có thể định kỳ đến trung tâm y tế xã, phường để kết nối thiết bị đo đặt tại các bệnh viện tuyến xã. Các dữ liệu đo được sẽ tự động chuyển lên bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh. Các dữ liệu cá nhân này sẽ được tự động tải và xử lý trên đám mây cơ sở dữ liệu. Bệnh nhân sau đó sẽ nhận được các thông tin tư vấn về bệnh từ xa”, PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng cho biết,

Nhóm nghiên cứu đã phối hợp chặt chẽ với bệnh viện tỉnh và 5 bệnh viện huyện ở Sơn La để triển khai kết quả của đề tài này. Ở Hà Nội, Bệnh viện ĐHQGHN và Bệnh viện E sẽ đóng vai trò trung tâm để xử lý kết quả nhận được.

Nói về khó khăn khi triển khai, TS Tùng cho biết, dù đã có những bước phát triển nhất định tuy nhiên tại các huyện vùng núi xa xôi, hẻo lánh một số hạ tầng như điện, đường truyền Internet hay mạng viễn thông tại đây vẫn còn nhiều hạn chế. Thậm chí, có những điểm mà đường truyền Internet chưa thể tiếp cận tới gây rất nhiều khó khăn trong công tác truyền tin. Các bệnh viện cấp xã, huyện thường trong tình trạng xuống cấp, cơ sở vật chất còn sơ sài cũng là cản trở lớn với công tác khám chữa bệnh tại địa phương cũng như triển khai hệ thống tới địa bàn.

Sự hợp tác, giúp đỡ từ bệnh viện tuyến Trung ương cũng là một rào cản. Việc thuyết phục các đơn vị bệnh viện tuyến trên đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như công sức để họ có thể nhận lời giúp đỡ đề tài trong quá trình dài nghiên cứu và triển khai. May mắn là nhóm thực hiện đề tài cũng nhận được sự đồng ý của một số bệnh viện lớn tại Hà Nội trong đó có Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.