Công nghệ "dẫn dắt" báo chí hiện đại

GD&TĐ-Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain để sản xuất các tin mang tính thường xuyên lặp lại, xác thực nguồn gốc và kiểm chứng thông tin... là các công nghệ mới đem lại nhiều thuận lợi trong tác nghiệp của nhà báo.

Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối bloockchain hay học máy... đều không thể thay thế hoạt động của nhà báo.
Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối bloockchain hay học máy... đều không thể thay thế hoạt động của nhà báo.

Viết bài tự động

Theo ThS Bùi Thị Vân Anh và ThS Hà Đình Dũng (Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT), một số cơ quan trên thế giới đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng. Cụ thể, các thuật toán học máy (ML) có thể hỗ trợ nhà báo trong việc sàng lọc, khám phá nội dung từ các nguồn thông tin khác nhau; công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) giúp phân tích thái độ, cảm xúc của người dùng, các công nghệ nhận dạng hình ảnh giúp phân tích giới tính, tuổi, trạng thái của nhân vật...

Nhằm gia tăng tốc độ sản xuất tin bài, các tòa soạn đã ứng dụng AI để tự động viết các tin mang tính thường xuyên, lặp lại, để các nhà báo có thể tập trung vào các bài viết chuyên sâu hơn. Chẳng hạn, phần mềm Heliograf (The Washington Post) đưa tin về các sự kiện thể thao và hoạt động tranh cử; RADAR (Press Association, 2017) có khả năng thu thập dữ liệu và tự động viết 30.000 bài báo địa phương/tháng; SALCO (BBC) viết 689 tin/đêm về cuộc bầu cử năm 2019...

Nghiên cứu RADAR cho thấy, hệ thống này dựa trên công cụ phần mềm NLG và đầu vào được cấp phát từ dữ liệu mở như London Datastore. Các nhà báo sẽ viết các mẫu văn bản, các mẫu này sau đó được mã hóa và tự động điều chỉnh thông tin của văn bản theo các vị trí địa lý được xác định trong dữ liệu.

Bên cạnh đó, ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói (Text to Speech) của công nghệ AI cũng đang là xu hướng của các tòa soạn khi cho phép tự động chuyển các tin bài dưới dạng văn bản thành tập tin âm thanh để đọc bài đó lên giống như báo nói. Giải pháp này rất hữu ích cho các đối tượng công chúng là người già, người khiếm thị, người lái xe hoặc những người không có nhiều thời gian để đọc báo.

Nhằm tăng tính hấp dẫn của tin bài, một số cơ quan báo chí trên thế giới đã ứng dụng các công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Các công nghệ này, với khả năng mô phỏng thông qua không gian 3 chiều, giúp thông tin sinh động, dễ hiểu hơn và tăng cường trải nghiệm cho công chúng. Các công nghệ này chủ yếu được các cơ quan báo chí lớn như BBC, CNN, New York Time, TIME, Frontline... sử dụng để đưa tin về các sự kiện thời sự, chính trị, các vấn đề mang tính toàn cầu hay các bài báo về khoa học, du lịch, khám phá... Tuy nhiên, đến nay hai công nghệ này vẫn chưa thực sự phổ biến trong báo chí do việc phát triển phần mềm khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và đòi hỏi cao về chất lượng đường truyền Internet.

Hệ thống giám sát thông tin báo chí xoay quanh nội dung Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phức trả lời chất vấn trước Quốc hội, ngày 8/6/2022.
Hệ thống giám sát thông tin báo chí xoay quanh nội dung Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phức trả lời chất vấn trước Quốc hội, ngày 8/6/2022.

Kiểm chứng thông tin bằng AI và blockchain

Để xác thực nguồn gốc và kiểm chứng thông tin, AI và blockchain (chuỗi khối) là hai công nghệ đang được ứng dụng, thử nghiệm tại các tòa soạn.

Một số công cụ kiểm chứng nổi tiếng trên thế Fact (UK), Chequeabot (Argentina), PolitiFact (Hoa Kỳ)... đã dựa trên các công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy để xác định các phát ngôn trong truyền thông và khớp chúng với cơ sở dữ liệu của các fact-check hiện có để kiểm tra tính chính xác của thông tin.

Chẳng hạn, Chequeabot sử dụng các công cụ lập trình như Freeling (Trường Đại học Polytechnic của Catalonia), Nltk và Gensim để trích xuất văn bản, phân tích câu và dự đoán dựa trên học máy. Từ tháng 1/2019, Chequeado bắt đầu chia sẻ code của Chequeabot trên GitHub6. Do đó, mọi người đều có thể sử dụng công nghệ này trong tòa soạn của họ.

Công nghệ blockchain cũng đang được một số hãng tin như New York Times, Forbes, AP thử nghiệm để xác thực nội dung. Công nghệ này giúp lưu trữ dữ liệu dạng metadata bao gồm thời gian và địa điểm chụp ảnh, quay video, đăng bài, người thực hiện hành động, phương thức thực hiện cũng như thời điểm thông tin được chỉnh sửa và xuất bản... Qua đó minh bạch thông tin về quyền tác giả, sự công nhận, từ đó tăng sự tin tưởng của độc giả và thúc đẩy năng lực của các nhà báo chân chính. 

Ứng dụng ở Việt Nam

Ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty CP Công nghệ NEKO, cho biết, rất nhiều trong số công nghệ kể trên đã được áp dụng trong báo chí ở Việt Nam. Mô hình tòa soạn hội tụ đang khá phổ biến ở rất nhiều cơ quan báo chí, đây là bước tiến mạnh mẽ để chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Tại tòa soạn hội tụ, lãnh đạo có thể dễ dàng giao việc, theo dõi tiến độ công việc của các cấp quản lý và cán bộ nhân viên. Toàn bộ người dùng của hệ thống được quản lý chặt chẽ và được phân chia thành các nhóm có các quyền hạn khác nhau trên từng chuyên mục, chức năng của hệ thống CMS, tuân thủ chặt chẽ quy trình xuất bản tin bài của tòa soạn.

Ở mô hình này, có thể quản lý toàn bộ nội dung trên các loại hình báo chí từ khi phóng viên cung cấp thông tin đến khi tác phẩm báo chí được xuất bản. Điều này bảo đảm khả năng liên thông chặt chẽ giữa các loại hình báo chí. Từ một báo cáo của phóng viên có thể hình thành nên các tác phẩm báo chí khác nhau trên các loại hình báo chí như điện tử, truyền hình, podcast hay các ấn phẩm in với các công cụ storytelling hiện đại, dễ dàng soạn thảo các định dạng bài viết từ đơn giản đến phức tạp như emagazine, megastory, longform...

Hệ thống điểm tin tự động, giám sát thông tin, theo dõi xu hướng báo chí được các báo sử dụng khá rộng rãi. Hệ thống trí tuệ nhân tạo kết hợp xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt tự động theo dõi, giám sát thông tin, xu hướng trên báo chí, đặc biệt thông tin về địa phương, thông tin xấu, độc... theo thời gian thực giúp ban biên tập dễ dàng nắm bắt thông tin và đưa ra các kế hoạch tuyên truyền phù hợp. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp tòa soạn giám sát việc đăng lại tin bài của mình ở các báo điện tử, trang thông tin điện tử khác.

Công nghệ ứng dụng trong báo chí ngày càng phát triển, chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin truyền thông diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tuy nhiên không có công nghệ nào thay thế được nhà báo. Theo ông Bùi Công Duyến, công nghệ có vai trò như “người giúp việc”, giảm bớt gánh nặng cho nhà báo. Ví dụ như phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản, phần mềm quét trang văn bản chuyển thành file word hay các công cụ kiểm chứng thông tin... được phóng viên sử dụng rộng rãi. Nhưng không có công nghệ nào thay thế phóng viên tác nghiệp, điều tra, ghi nhận, xử lý thông tin hay cân nhắc vấn đề đạo đức báo chí... Do vậy, công nghệ ở thời điểm nào cũng chỉ là phần trợ giúp cho hoạt động bảo chí được dễ dàng, hiệu quả hơn.

Tương lai của AI trong các tòa soạn không phải chuyện tự động hóa và thế chỗ nhà báo, mà là chuyện bổ trợ cho nhà báo. Ví dụ, tờ The New York Times dùng hệ thống nhận diện khuôn mặt bởi AI để giúp các phóng viên nhận biết trên 500 nghị sĩ quốc hội. Trang ProPublica thì dùng công nghệ máy học đề nhận định những chủ đề quan trọng nhất được bàn thảo bên trong tòa nhà quốc hội, từ đó giúp tòa soạn và độc giả theo sát được diễn biến chính trường. Việc sử dụng công nghệ máy học hợp lý có thể giúp các nhà báo không chỉ hệ thống lại chồng dữ liệu thô, mà còn hỗ trợ tìm ra ý nghĩa còn ẩn giấu đằng sau dữ liệu. AI vì thế giúp ích cho các nhà báo điều tra nhanh hơn và toàn diện hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ