Kết luận thanh tra Trường Đại học Đồng Nai: Giơ cao, đánh khẽ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cùng sai phạm về kê khai tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong năm 2018, 2019, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc năm 2018 sang Cơ quan CSĐT. Trong khi số tiền sai phạm trong năm 2019 nhiều hơn năm 2018 là trên 20 tỷ đồng!? 

Trường ĐH Đồng Nai - nơi xảy ra sai phạm.
Trường ĐH Đồng Nai - nơi xảy ra sai phạm.

Xử lý hình sự: Bỏ sót năm 2019?

Theo Kết luận thanh tra (KLTT), ở nội dung thu, chi tài chính năm 2018, qua xác minh số liệu tại Biên bản xét duyệt, thẩm định quyết toán ngày 20/6/2019 của DNU với Sở Tài chính ghi nhận đối với nguồn thu sự nghiệp: Tổng thu: 45.506.395.798 đồng (thu từ phí, lệ phí: 28.960.592.198 đồng; Thu SXKDDV: 16.545.803.600 đồng); Tổng chi: 38.707.028.609 đồng (Chi từ phí, lệ phí: 27.381.574.288 đồng; Chi từ SXKDDV: 11.325.454.321 đồng).

Kết quả kiểm tra thể hiện, đối với nguồn thu sự nghiệp, đơn vị không phản ánh đầy đủ vào trong sổ sách (đã được hạch toán bổ sung trước thời điểm thanh tra của Đoàn). Đối với phần chưa hạch toán này (nguồn thu, chi phát sinh từ hoạt động dịch vụ), đơn vị chỉ thực hiện theo dõi thu chi bằng sổ phụ ngân hàng.

Qua rà soát kết quả đối chiếu của Đoàn kiểm tra thuế tại Quyết định số 389/QĐ-CT ngày 25/3/2021 thể hiện, doanh thu tính thuế đơn vị kê khai thiếu năm 2018 là 37.074.189.364 đồng (doanh số được đoàn kiểm tra thuế ghi nhận là 62.058.266.839 đồng) - doanh thu đơn vị đã kê khai 24.984.077.475 đồng).

“Như vậy, số tiền 37.074.189.364 đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh không được đơn vị kê khai tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2018 là thực hiện không đúng quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính và Điều 26 Luật Kế toán số 88/2015/QH13...” - KLTT nêu.

Năm 2019, theo báo cáo của DNU, tại thời điểm thanh tra ghi nhận đối với nguồn thu sự nghiệp: Tổng thu: 142.158.731.655 đồng (Thu từ phí, lệ phí: 46.944.858.000 đồng; Thu SXKDDV: 95.213.873.655 đồng (gửi Kho bạc Nhà nước: 35.321.139.500 đồng; gửi ngân hàng: 59.892.734.155 đồng)); Tổng chi: 129.511.229.164 đồng (Chi từ phí, lệ phí: 45.883.186.196 đồng (qua kho bạc); Chi từ SXKDDV: 83.628.042.968 đồng (qua kho bạc: 25.106.269.831 đồng; qua ngân hàng: 58.521.773.137 đồng).

Qua kiểm tra thể hiện, đối với nguồn thu sự nghiệp, đơn vị không phản ánh đầy đủ vào trong sổ sách (đã được hạch toán bổ sung trước thời điểm thanh tra của Đoàn). Đối với phần chưa hạch toán này (nguồn thu, chi phát sinh từ hoạt động dịch vụ), đơn vị chỉ thực hiện theo dõi thu, chi bằng sổ phụ ngân hàng.

Qua ra soát kết quả đối chiếu của đoàn kiểm tra thuế tại Quyết định số 389/QĐ-CT ngày 25/3/2021 thể hiện, doanh thu tính thuế đơn vị kê khai thiếu năm 2019 là 58.665.645.318 đồng (số doanh thu đoàn kiểm tra thuế ghi nhận 98.098.088.607 đồng - doanh thu đơn vị đã kê khai 39.432.443.289 đồng).

“Như vậy, số tiền 58.665.645.318 đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh, không được đơn vị kê khai tính thuế TNDN năm 2019 là thực hiện không đúng tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính và Điều 26 Luật Kế toán số 88/2015/QH13...” - KLTT nêu.

Như vậy, theo KLTT, sai phạm về kê khai tính thuế TNDN trong năm 2019 (trên 58 tỷ đồng) còn nhiều hơn năm 2018 (trên 37 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong KLTT ở mục xử lý hình sự, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc đối với hành vi kê khai thiếu, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 số tiền 37.074.189.364 đồng, dẫn đến việc giảm số tiền thuế phải nộp ngân sách Nhà nước là 697.635.654 đồng, có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 sang Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh để tiến hành điều tra theo quy định.

Có thể dư luận sẽ cho rằng, vậy số tiền hơn 58 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh, không được DNU kê khai tính thuế TNDN năm 2019, làm thất thoát một lượng lớn tiền thuế phải nộp ngân sách Nhà nước thì sẽ xử lý như thế nào?

Thời gian thanh tra và quy định vênh nhau

“Việc gia hạn thời hạn thanh tra do Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định. Tuy nhiên, việc gia hạn thời hạn thanh tra không được quá thời hạn tối đa được quy định tại Điều 45 của Luật Thanh tra, Điều 16 của Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành...”. Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu (HUFLIT)

KLTT việc chấp hành các quy định pháp luật về thu, chi tài chính; việc trích, quản lý và sử dụng các quỹ; tình hình thực hiện nghĩa vụ ngân sách Nhà nước niên độ 2018 - 2019 tại DNU, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng ký ngày 2/6/2022, xét kết quả thanh tra số 85/BC-ĐTT ngày 22/4/2022 của Đoàn thanh tra. Trong khi, Đoàn thanh tra làm việc theo Quyết định số 1474/QĐ-UBND ngày 6/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh và công bố quyết định thanh tra vào ngày 26/5/2021. Như vậy, từ khi có quyết định thanh tra tới khi có KLTT là hơn 12 tháng.

Liên quan tới thời gian thanh tra DNU, một thành viên đoàn thanh tra cho rằng quy định về thời gian thanh tra 45 ngày tính từ ngày công bố quyết định thanh tra chứ không phải ngày ra quyết định thanh tra... đồng thời do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tiến độ thanh tra không thể nhanh.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu – Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM (HUFLIT), cho rằng theo khoản 2 Điều 45 Luật Thanh tra năm 2010: Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.

Theo Điều 45 Luật Thanh tra năm 2010, thời gian thanh tra tùy thuộc vào “cấp” của cơ quan thanh tra và tính chất cuộc thanh tra. Cụ thể, cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày. Đồng thời, luật cũng quy định việc kéo dài thời hạn thanh tra quy định tại khoản 1 Điều 45 nói trên sẽ do người ra quyết định thanh tra quyết định.

“Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động của xã hội đều bị gián đoạn hoặc kéo giãn hơn. Trong trường hợp này có thể xem là yếu tố khách quan gây trở ngại cho hoạt động thanh tra. Vì thế, người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra sẽ có thẩm quyền kéo dài thời hạn thanh tra nhưng tất cả phải nằm trong phạm vi quy định của pháp luật...” - Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu chia sẻ.

Đồng thời, TS Bùi Kim Hiếu cũng cho rằng Điều 50 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra và gửi tới Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra Nhà nước cấp trên, đối tượng thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước là người ra quyết định thanh tra thì kết luận thanh tra còn phải được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra Nhà nước cùng cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.