Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký thông báo số 1373/TB-TTKQH kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chiều 18/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.
Chiều 18/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Trước đó, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 (ngày 17/8/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

UBTVQH đánh giá cao sự chủ động của Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) trong việc nghiên cứu, đề xuất các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cở sở một cách nghiêm túc, đầy đủ, trách nhiệm.

Hồ sơ dự án Luật trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến được chuẩn bị công phu, chất lượng, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ ở cơ sở và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), UBTVQH có ý kiến như sau:

Tán thành trong Luật có một chương riêng điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; bổ sung quy định về Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; bổ sung một điều về quyền thụ hưởng của nhân dân. Đề nghị tiếp tục rà soát, đối chiếu, cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành để hoàn thiện các quy định về nội dung nêu trên trong dự thảo Luật, đặc biệt là quy định về quyền thụ hưởng của nhân dân để bảo đảm thực chất, khả thi.

Tán thành việc xác định chủ thể tham gia bàn, quyết định các vấn đề ở thôn, tổ dân phố là đại diện hộ gia đình; quy định về cách thức để nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn, quyết định và tỷ lệ đồng thuận để quyết định của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành như thể hiện trong dự thảo Luật. Đề nghị tiếp tục rà soát, xác định rõ chủ thể đại diện người lao động tham gia bàn, quyết định các vấn đề dân chủ cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động.

Tán thành việc tổ chức Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động. Đề nghị làm rõ nội dung về trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân để bảo đảm tính thống nhất, khả thi; việc thành lập, trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn.

Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để gửi xin ý kiến của Chính phủ, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan, trên cơ sở đó nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để gửi xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp chủ động phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức hội nghị, tọa đàm góp ý kiến về dự thảo Luật, làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ