Kéo dài quá trình chuyển tiếp Brexit

GD&TĐ - Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ đã sẵn sàng để kéo dài thời gian chuyển tiếp cho việc ra đi của Anh khỏi EU vào năm tới. Theo kế hoạch ban đầu, khoảng thời gian này kéo dài 21 tháng, bắt đầu từ ngày 30/3/2019, khi Vương quốc Anh rút khỏi EU. Nhưng do tình trạng hai bên không thể đi đến một thỏa thuận về mối quan hệ mới nào, nên Thủ tướng Anh Theresa May đã đề xuất kéo dài thời gian dàn xếp “trong một vài tháng".

Ông Jean-Claude Juncker (trái) và Donald Tusk nói chuyện với giới truyền thông sau Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa qua
Ông Jean-Claude Juncker (trái) và Donald Tusk nói chuyện với giới truyền thông sau Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa qua

Đã gần đến thỏa thuận?

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Brussels sau một hội nghị với chủ đề chính là Brexit, ông Donald Tusk, Chủ tịch cơ quan liên chính phủ của EU, Hội đồng châu Âu, cho biết dù các nhà lãnh đạo của khối không thảo luận về giai đoạn chuyển đổi tại cuộc họp, nhưng dường như họ cũng không phản đối.

“Nếu Anh quyết định rằng việc kéo dài thời gian chuyển tiếp sẽ rất hữu ích để đạt được thỏa thuận, thì tôi chắc chắn các nhà lãnh đạo cũng sẽ sẵn sàng xem xét nó một cách tích cực”.

Tuy nhiên, ông Tusk khẳng định rằng, hai ngày họp vừa qua đã không đạt đủ tiến độ để đi tới việc xem xét một hội nghị thượng đỉnh khác vào tháng tới để có thỏa thuận cuối cùng về các điều khoản, như đã được lên kế hoạch trước đó. “Tôi sẵn sàng triệu tập một Hội đồng châu Âu về Brexit, nếu và khi nhà đàm phán EU báo cáo rằng những tiến bộ quyết định đã được thực hiện” - Tusk nói - “Và, chúng ta nên rõ ràng rằng tình trạng hiện nay không có nhiều tiến bộ được thực hiện”.

Tuy nhiên, cả ông Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đều có một lưu ý lạc quan về một thỏa thuận Brexit trong tương lai gần. “Tôi cảm thấy, hôm nay, chúng tôi đã tới gần hơn các giải pháp cuối cùng và thỏa thuận. Có thể đây chỉ là một ấn tượng cảm xúc hơn một hợp lý, nhưng các bạn biết đấy, cảm xúc cũng khá là quan trọng trong chính trị”, ông Tusk nói. Ông cho biết, các nhà lãnh đạo EU vẫn đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán Brexit sau khi nghe phát biểu của bà Theresa May.

Liệu có quá lạc quan?

Phát biểu sau ông Tusk, bà May cho biết sẽ có những khoảnh khắc khó khăn hơn trước khi họ đến giai đoạn cuối của cuộc đàm phán, nhưng cũng nói thêm rằng bà tự tin vào khả năng của mình để đảm bảo các thỏa thuận tốt với tất cả các bên. “Chúng tôi hy vọng sẽ không cần phải kéo dài quá trình chuyển tiếp”, bà nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel có vẻ lạc quan hơn. “Chúng tôi đã có nhiều khả năng đạt được thỏa thuận hơn” - bà nói - “Mặc dù thời gian là rất quan trọng, nhưng chúng ta vẫn chưa có giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Ví dụ, chúng ta vẫn phải đối phó với tình hình Ailen và vẫn chưa có câu trả lời thực sự thỏa đáng cho điều này. Điều này không thể tách rời hoàn toàn khỏi câu hỏi về mối quan hệ của chúng ta trong tương lai”.

Còn đó những e ngại

Vương quốc Anh dự kiến sẽ rời khỏi EU trong năm tháng rưỡi nữa, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có thỏa thuận về việc phải thực hiện tiến trình này như thế nào. Ngoài ra, các nhà chính trị còn cần tháo gỡ những ràng buộc về pháp luật trong mọi vấn đề, từ thương mại đến thuốc trừ sâu.

Vấn đề hóc búa nhất là câu hỏi về Bắc Ailen, vốn là một phần của Vương quốc Anh, nhưng có chung biên giới với Cộng hòa Ailen. Hiện nay, biên giới giữa Bắc Ailen và Cộng hòa Ailen đang mở cửa cho hàng hóa và con người. Cả Anh và Ailen đều không muốn thay đổi tình hình đó, nhưng EU nhấn mạnh rằng một khi Anh ra khỏi EU, một số hình thức kiểm soát biên giới nên được thiết lập.

Ngày càng sát tới thời điểm nước Anh ra đi, nhiều người e ngại về tình trạng Vương quốc Anh có thể tách khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào về các vấn đề cực kỳ quan trọng như thuế quan và thương mại. Hàng chục ngàn người được dự kiến sẽ diễu hành tại London vào thứ Bảy để yêu cầu người dân được bỏ phiếu về các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận nào. Các điều khoản này cũng sẽ phải được các nghị viện của 27 quốc gia EU còn lại phê chuẩn.

Theo ông David Lammy MP, người đứng đầu chiến dịch kêu gọi nhân dân bỏ phiếu, quá trình Brexit đã làm ảnh hưởng không ít đến công ăn việc làm và đầu tư, cũng như các dịch vụ công, đe dọa quyền và môi trường của công nhân, cũng như khép lại các cơ hội mà các thế hệ trẻ nước Anh đang tìm kiếm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ