“Giấy thông hành” và “bệnh” sính bằng cấp
Tuyên bố trên được đưa ra sau bài phát biểu của Phó Tổng thống William Ruto cho rằng, một số khóa học ĐH là không cần thiết. Phát biểu tại ĐH Giảng viên Kỹ thuật Kenya ở thủ đô Nairobi trong buổi ra mắt khuôn khổ GD - ĐT dựa trên Năng lực GD - ĐT nghề kỹ thuật (TVET) vào cuối năm 2018, ông Ruto đã chỉ trích các khóa học như lịch sử, địa lý, xã hội học và nhân chủng học. Ông đặt câu hỏi tại sao một người nào đó nên có một tấm bằng và cuối cùng ngồi rang ngô để bán bên lề đường.
Dư luận có thể vẫn chưa biết liệu ông Ruto có đúng trong phát biểu của mình hay không, nhưng có hai điều về cách tiếp cận GD ở Kenya phải được xem xét. Đầu tiên là khái niệm người Kenya gọi là “giấy thông hành”.
Ở Kenya ngày nay, người lớn luôn khuyên cánh trẻ rằng trước khi dấn thân lập nghiệp, hãy bảo đảm rằng mình đã có “giấy thông hành”, nếu không, sẽ chẳng có con đường nào để đi, nói cách khác, sẽ chẳng có tương lai sáng sủa nào chờ đón.
Bằng cử nhân đã trở thành quá bình thường ở Kenya ngày nay, vì hầu hết người có trình độ ĐH cũng đã lấy bằng thạc sĩ. Nhiều nhà quản lý nhân sự sẽ nói với người lao động rằng một quảng cáo cho một công việc văn thư đơn giản tại bất kỳ tổ chức nào sẽ thu hút phần lớn các ứng cử viên có bằng thạc sĩ. Xét cho cùng, hầu hết các quảng cáo việc làm hiện nay đều đi kèm với dòng lưu ý: “Bằng thạc sĩ sẽ là một điểm nhấn lợi thế bổ sung”.
Một số người thông thái đã từng nói rằng, GD là những gì còn lại sau khi mọi thứ bạn được dạy bị lãng quên. Có thể biến đổi câu nói này để áp dụng vào trường hợp ở Kenya hiện nay: Sinh viên tốt nghiệp ĐH có gì ngoài chứng chỉ bằng cấp mà họ giữ? Trong hành trình tìm hiểu về “giấy thông hành” của Standard Media, ghi nhận cho thấy hầu hết sinh viên tốt nghiệp trong nước đều có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA).
Điều này để lại câu hỏi đáng suy nghĩ: Quá trình GD cuối cùng là tấm bằng bạn được trao hay kỹ năng được truyền cho bạn? Hầu hết người Kenya có bằng MBA thực tế chưa bao giờ quản lý một doanh nghiệp. Điều này dẫn đến một thực tế khác: Tấm bằng chứng nhận tốt nghiệp MBA được nhiều người coi là một phương tiện để kiếm được một công việc thăng tiến hoặc an toàn, chứ không phải là một kỹ năng để bắt đầu và điều hành một doanh nghiệp.
Đó là lý do tại sao Kenya có những sinh viên tốt nghiệp có bằng kỹ sư và kinh doanh, nhưng làm việc như một giao dịch viên ngân hàng, trong khi những người học hành dang dở, hiện tham gia vào Form Four Leavers (hình thức bốn công việc cho người bỏ cuộc) lại đang cố gắng đổi mới, học hỏi và tìm cách để kinh doanh.
Những chương trình GD thiếu tính thiết thực
Vấn đề thứ hai cần xem xét trong cách tiếp cận GD ở Kenya là tâm lý người dân. Hầu hết người Kenya có “giấy thông hành” đều ngại kinh doanh. Họ không được học và cũng không có nơi nào để học cách điều hành doanh nghiệp. Cách tốt nhất để học cách điều hành một doanh nghiệp là thử sức mình và ai là người dạy bạn tốt hơn gia đình? Một sinh viên tốt nghiệp với bằng kỹ sư và làm việc như một giao dịch viên ngân hàng, hầu như cả đời anh ta sẽ phụ thuộc vào tiền lương hàng tháng và không thử sức với công việc phụ. Ngược lại, những người có học thức đã thử sức với tinh thần kinh doanh, họ sẽ mang đến cho con cái cơ hội học tập kinh doanh.
Những doanh nghiệp hàng đầu ở đất nước châu Phi này là do gia đình sở hữu và phần lớn người điều hành không cần bằng cấp |
Đi vào bất kỳ trường ĐH nào ở Kenya ngày hôm nay, bạn sẽ thấy rất ít người gốc Ấn Độ và Somalia theo đuổi để lấy bằng cấp. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp thành công ở Kenya được điều hành bởi người gốc Ấn Độ hay Somalia. Điều này không có nghĩa rằng người gốc Ấn Độ và Somalia không coi trọng GD. Vấn đề nằm ở chỗ họ hiểu thực tế là không có gì đánh bại doanh nghiệp gia đình, thậm chí không có bằng cấp. Thống kê chỉ ra rằng, hầu hết các doanh nghiệp thành công ở Kenya ngày nay là các doanh nghiệp gia đình. Có thể kể đến những doanh nghiệp đình đám như: Chandaria, Bidco, Chandarana, Tuskys, Naivas và Kenpoly.
Khi một người Kenya có bằng cấp gửi con đến siêu thị trong kỳ nghỉ ĐH để làm kế toán cho thực tập ĐH, chủ siêu thị cũng sẽ đưa con mình vào làm quản lý kế toán để làm quen dần với việc kinh doanh, trước khi có thể tiếp quản doanh nghiệp.
Do đó, vấn đề dường như nằm ngoài loại khóa học đang được cung cấp trong các trường ĐH của Kenya. Người dân dường như bị ám ảnh bởi mong muốn có đúng bằng cấp có thể giúp tìm việc làm, trong khi quên mất thực tế rằng, GD có nghĩa là cho chúng ta một kỹ năng có thể sử dụng và không nhất thiết phải là một công việc. GD là chìa khóa để thành công, nhưng hầu hết những người Kenya có GD phần lớn lại không đến gần với thành công, với lý do rất đơn giản: Hầu hết các khóa học được cung cấp không phù hợp với thực tại và không giúp ích cho người học.