Kenya: Cải cách giáo dục đại học gặp nhiều chông gai

GD&TĐ - Quản trị viên tại các trường đại học (ĐH) ở Kenya đã phản đối quyết liệt một loạt đề xuất của Bộ trưởng Giáo dục (GD) tại Nội các Kenya. Tuy nhiên, không ít người ủng hộ và khẳng định, nếu được thực hiện, chính sách mới sẽ thay đổi bộ mặt của nền GDĐH của nước này.

Bộ trưởng GD Nội các Kenya, GS George Magoha
Bộ trưởng GD Nội các Kenya, GS George Magoha

Ý kiến trái chiều

Các đề xuất được đưa ra bởi Bộ trưởng GD Kenya, Giáo sư (GS) George Magoha, trong đó yêu cầu sáp nhập một số cơ sở GDĐH và các chi nhánh, thu hẹp số lượng tổ chức GD nhưng có đội ngũ nhân viên được đào tạo tốt và cơ sở vật chất đầy đủ, nhằm cung cấp cho sinh viên (SV) nước này nền GD chất lượng cao.

Ngoài ra, GS Magoha cũng đề xuất rằng, các trường ĐH nên thực hiện kiểm toán những dự án cơ sở hạ tầng - một phần của động thái nhằm hợp lý hóa các hệ thống quản lý tài chính của các cơ sở GD. Trước bối cảnh nhiều cơ sở GDĐH Kenya đang kêu gọi tăng học phí, ông Magoha đã yêu cầu các trường này thực hiện những biện pháp thắt lưng buộc bụng để có thể dành ra một quỹ, nhằm đầu tư vào các dự án học thuật; đồng thời, đóng băng việc thành lập các cơ sở GD mới và đề nghị nhà lãnh đạo ĐH củng cố lại chương trình học thuật và tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn.

Bộ trưởng GD Magoha tiếp tục kêu gọi quản trị viên tại các trường ĐH chấp thuận và nhanh chóng triển khai việc sáp nhập, cũng như đưa ra kế hoạch cụ thể trong công tác cải cách. Cơ quan quản lý ngành GD, Ủy ban GDĐH Kenya (CUE) cũng phải bắt tay thực hiện để đưa ra các biện pháp cải cách GD. Sau đó, các tổ chức này sẽ phải nộp báo cáo chi tiết cho lãnh đạo.

Tuy nhiên, những chính sách này của GS Magoha nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Các giảng viên ĐH tại Kenya, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Nhân viên ĐH (UASU) đã nộp đơn lên tòa án với mong muốn ngăn chặn việc sáp nhập theo kế hoạch. Phát biểu về lý do của hành động này, các học giả cho rằng, chính sách mới đang được chính phủ đơn phương thực hiện. Mặc dù phiên điều trần được dự kiến diễn ra vào ngày 1/8, nhưng đã bất ngờ bị hoãn lại mà không rõ lý do.

Mới đây, thông qua một báo cáo gửi tới Bộ trưởng GD Nội các Magoha, phó hiệu trưởng tại các trường ĐH Kenya đã thể hiện sự phản đối kịch liệt về kế hoạch sáp nhập các cơ sở GD nước này; đồng thời, đưa ra nhiều khuyến nghị cho con đường GD trong tương lai. Bản báo cáo cũng đề xuất gia tăng số lượng tổ chức GD đến năm 2030, với mục đích thu hút được gần một triệu SV theo học tại các trường ĐH. Bên cạnh đó, các phó hiệu trưởng cũng nhận định, thay vì cắt giảm số lượng nhân viên trong trường, chính phủ nên tạo điều kiện cho các cơ sở GD tuyển dụng thêm nhiều nhân viên hơn để cải thiện tỷ lệ giảng viên - SV. Bên cạnh đó, không ít quản trị viên tại trường ĐH đã đề nghị chính phủ tăng mức tài trợ, với mong muốn duy trì hoạt động một cách hiệu quả.

Động thái này của các học giả đã đặt các nhà lãnh đạo của nền GD Kenya vào tình thế khó xử. Trước tình trạng này, GS Magoha - cựu Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nairobi, đã thể hiện sự nghiêm túc và kiên quyết; đồng thời khẳng định rằng, ông sẽ làm hết sức có thể để thực hiện những thay đổi đã đề xuất. Vị GS này cũng thẳng thắn khiển trách CUE vì không hành động.

“Mới đây, tại cuộc gặp với Tổng thống Uhuru Kenyatta, tôi đã nhận được chỉ thị rằng, sẽ không có thêm bất cứ trường ĐH mới nào nữa. Chúng ta phải mang lại sự đúng đắn cho lĩnh vực GDĐH. CUE đã không thực hiện đúng bổn phận và không nên cho phép các trường tổ chức khóa học khi không có đủ nguồn nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng thích hợp. Đặc biệt, CUE không nên cho phép tăng gấp đôi số lượng khóa học”, GS Magoha kiên quyết cho biết.

“Thay đổi là điều không tránh khỏi”

Các trường ĐH Kenya đã bày tỏ sự bất bình trước yêu cầu không tăng học phí của GS Magoha. Mặt khác, nhiều lãnh đạo trường học kêu gọi thực hiện hệ thống phân biệt chi phí phát sinh (DUC), cho phép các trường ĐH đánh giá GD dựa trên yêu cầu thị trường.

“Cơ cấu phí hiện tại đã tồn tại từ năm 1989 và rõ ràng là đã bị các sự kiện khác lấn át từ lâu, cũng như đã quá hạn để xem xét. Việc tài trợ cho một trường ĐH trong trường hợp DUC sẽ không chỉ dựa trên số lượng SV, mà còn cả bản chất của chương trình mà SV đang theo đuổi. Tuy nhiên, DUC phải được phân biệt với học phí. Học phí chỉ đơn giản là một phần của DUC và được SV đáp ứng từ các tài nguyên cá nhân của họ”, tuyên bố trong báo cáo của các phó hiệu trưởng Kenya khẳng định.

Bên cạnh đó, học giả nước này cũng đã nhờ tới sự can thiệp của nghị viện. “Do đó, nhiều nhà GD lo ngại rằng, việc sáp nhập các trường ĐH công lập là phù hợp với mục tiêu hay nguyên tắc của chính sách GD quốc gia”, Tổng Thư ký UASU Constantine Wasonga nêu trong bản kiến nghị.

Một số chuyên gia GD cho rằng, việc cải cách trong lĩnh vực GD là không thể tránh khỏi; đồng thời nhận định, nền GDĐH Kenya hiện tại không thể đáp ứng các yêu cầu về việc cung cấp kỹ năng cần thiết cho SV, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

“Nền GDĐH của chúng ta đang ở ngã ba đường và vì vậy, nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Việc đưa ra các chính sách thay đổi là điều không thể tránh khỏi để tái thiết kế nền GD. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi sự can đảm và quyết tâm. Một khó khăn khác của các trường ĐH là chất lượng đang đi xuống do thiếu tài chính và nhân sự. Không có ý nghĩa gì khi phải duy trì quá nhiều cơ sở GDĐH chỉ vì họ cung cấp việc làm cho người dân”, tờ báo Daily Nation của Kenya cho biết.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ