Kênh tín dụng ưu việt của nông dân Tuyên Quang

GD&TĐ - Tuyên Quang là một trong những tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tính đến tháng 9 năm nay, Hội Nông dân tỉnh đang quản lý và cho vay xấp xỉ 18 tỷ đồng, thực hiện khoảng 130 dự án cho gần 1.800 lượt hộ vay vốn.

Mô hình vườn bưởi của gia đình anh Phạm Ngọc Hải.
Mô hình vườn bưởi của gia đình anh Phạm Ngọc Hải.

Xã Thắng Quân là xã miền núi của huyện Yên Sơn. Toàn xã có khoảng 8.000 khẩu, với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh, Dao, Cao Lan. Xác định mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh tập trung, quy hoạch vùng cây ăn quả, với mũi nhọn là cây cam và bưởi. Theo đó, tháng 10/2017, từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, đã có 25 hộ nông dân ở 4 thôn được giải ngân để thực hiện dự án cải tạo và trồng mới bưởi, với tổng số vốn là 1 tỷ đồng.

Không cần thế chấp, thủ tục gọn nhẹ, từ khi thẩm định đến khi cho vay vốn… diễn ra nhanh chóng, chỉ cần chủ hộ xây dựng được mô hình và thuyết minh tính khả thi thì sẽ được đáp ứng vay vốn. Cơ chế này tạo không khí phấn khởi, khuyến kích các hộ nông dân mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế và vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Điển hình, từ 50 triệu đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh Phạm Ngọc Hải, hội viên sống ở thôn Văn Lập, đã mở rộng diện tích trồng trọt lên đến 3 ha. Với phương pháp trồng xen bưởi đường, bưởi da xanh, hiện vườn bưởi nhà anh cho năng suất cao, mỗi cây thu từ 200-300 quả, bán được hơn 10 triệu đồng. Vụ bưởi năm 2017, thu nhập của gia đình anh Phạm Ngọc Hải là 900 triệu đồng.

Anh Hải cho biết, số vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân như đòn bẩy giúp anh trang trải chi phí phân, giống. Anh nói: Đây là năm thứ 2 tôi vay tiền từ quỹ, vay vốn từ mô hình này có thời gian dài hạn hơn, lãi suất thấp nên rất thuận lợi cho bà con. Anh Phạm Văn Hải thông tin thêm, nhóm của anh thường xuyên sinh hoạt, chia sẻ giao lưu, học hỏi lẫn nhau về mô hình phát triển kinh tế. Nhiều gia đình không chỉ trồng cây ăn trái mà còn nuôi ong, cá, vừa trồng rừng keo, trồng hoa. Ai cũng muốn mở rộng diện tích nuôi trồng để thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình.

Bà Đinh Thị Xuyến, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Văn Lập cho biết: Chi hội hiện có 70 hộ hội viên. Hầu như gia đình nào cũng có vườn cây ăn quả có múi. Trong đó, có 9 hộ hội viên được vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân. Nhìn chung, đồng vốn quỹ được sử dụng hiệu quả, tạo tiền đề để người nông dân mở rộng diện tích vườn cây, nâng cao năng suất và thu nhập. Nhiều hộ còn đầu tư thêm vào lâm nghiệp, đào ao thả cá...

Ngoài vùng bưởi, Quỹ còn hỗ trợ nông dân thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng các vùng chuyên canh tập trung khác như, vùng chè ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn; vùng trồng cam sành chất lượng cao ở xã Minh Dân, huyện Hàm Yên. Các mô hình đang đem lại hiệu quả cao, như mô hình chăn nuôi lợn đen tại xã Khuân Hà, huyện Lâm Bình...

Tính đến nay, tổng số hội viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt con số xấp xỉ 119 ngàn hội viên. Trong đó, hàng ngàn lượt hội viên được vay vốn phát triển kinh tế. Đáng phấn khởi, các hộ được giải ngân đều là những hội hội viên biết cách làm ăn, có ý thức tham gia công tác hội, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách tại địa phương.

Đặc biệt, thông qua hoạt động vay vốn, các hội viên hội nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, giúp đỡ lẫn nhau, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang thâm canh, liên kết xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, dần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ