Thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí thoát nghèo

GD&TĐ - Hệ thống các chính sách giảm nghèo đã từng bước được hoàn thiện theo hướng hỗ trợ có điều kiện, không tạo tư tưởng trông chờ ỷ lại và khơi dậy được ý chí vươn lên của người nghèo. Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và cộng đồng xã hội, diện mạo các huyện, xã, hộ gia đình thoát nghèo thay đổi tích cực. 

Thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí thoát nghèo

Điều này, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới ở những vùng đặc biệt khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các địa bàn, nhóm dân cư.

Hướng tới người nghèo

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội phê duyệt đầu tư với tổng kinh phí 48.397 tỷ đồng, tập trung nguồn lực đầu tư chủ yếu cho các địa bàn nghèo thông qua 5 dự án. Đó là Chương trình 30a; Chương trình 135; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án truyền thông, thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá nhằm giảm bớt khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền.

Ngoài ra, các chính sách giảm nghèo thường xuyên, như hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh, thông tin, hỗ trợ tín dụng, pháp lý… luôn được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hoàn thiện. Cùng với đó là các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất được ban hành, đã hỗ trợ tích cực cho các gia đình gặp thiên tai, lũ lụt… sớm ổn định cuộc sống, hạn chế rơi vào tình trạng hộ nghèo hoặc tái nghèo. Cùng với đó, nhiều chương trình trợ giúp từ các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội quan tâm hướng tới người nghèo.

Từ việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, nhất là ý thức vươn lên của người nghèo kết quả giảm nghèo từ năm 2016 đã có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào cuối năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Ngoài ra, tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); 10 tỉnh, thành phố không có tái nghèo.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đến nay đã thực hiện được hơn nửa chặng đường, chỉ còn hai năm nữa sẽ cán đích… Cùng với những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt… Tỉ lệ tái nghèo còn ở mức 5,1%/năm, nhiều hộ nghèo mới phát sinh, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa thật sự được thu hẹp…

Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, thực hiện. Trong đó, tập trung ba nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Các địa phương chủ động tổ chức phân loại đối tượng hộ nghèo, xác định nhu cầu hỗ trợ, tổ chức để hộ nghèo đăng ký phấn đấu thoát nghèo, từ đó có giải pháp hỗ trợ tạo sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Phân công đảng viên, các tổ chức chính trị, đoàn thể cơ sở theo dõi giúp đỡ; tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo cấp xã, huyện. Gắn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp cho cơ sở, chủ động trong lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của chương trình.

Hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo. Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng... Nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết giữa hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động nghèo làm việc trong các doanh nghiệp.

Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ các mục tiêu cơ bản: đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% đến 1,5%/năm; các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% đến 4%/năm. Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 20% đến 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.