Tùng Thiện Vương Miên Thẩm khẳng định: “Phàm một cái gì đó chẳng luận hay dở, đều có người trước dẫn đường”. Tuy nhiên, đối với Miên Thẩm, kế thừa phải có sáng tạo: “Cái mới của thơ, có khi là do dùng lại lời của cổ nhân có sửa đổi đi một hai chữ mà càng mới”. Ông phê phán gay gắt việc kế thừa mà không sáng tạo. Ông gọi đó là hiện tượng “hư ngôn” (bắt chước một cách máy móc, vụng về). Theo ông: “Nhạn và tuyết nước Nam ta không hề có. Mọi người cho rằng đó là hai chữ hay nên phần lớn thường dùng. Không biết rằng hư ngôn rốt cuộc chẳng có ích gì?” (Thương Sơn thi sao).
Nhà thơ Xuân Diệu thì nói một cách hết sức dí dỏm: “Ăn cắp cái hay của người khác, nhưng phải biết phi tang để không ai biết, thì nó sẽ là của mình”. “Ăn cắp” là nhà thơ muốn nói đến kế thừa, còn “phi tang” là sáng tạo. Trong bài tiểu luận Sự uyên bác với việc làm thơ, Xuân Diệu thật thà “khai báo” mình đã “ăn cắp” và “phi tang”như thế nào: “Tháng mười năm 1981, khi nói chuyện tại Đại học Soóc-bon Pa-ri về đề tài tình yêu trong thơ Xuân Diệu, bài thơ tình mà tôi dẫn đầu tiên là bài Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì trong bài thơ ấy tôi vay mượn của thi sĩ Pháp. Tôi muốn người Pháp thấy một thi sĩ Việt Nam chân thực đền ơn trả nghĩa và cũng uyên bác, họ sẽ vui, và tôi sẽ đắc nhân tâm, mà đắc nhân tâm tức là được chính trị.
Nhà thơ Pháp Ê-mông có bài thơ ngắn rất nổi tiếng Đi là chết ở trong lòng một ít. Đúng quá, những lứa đôi muôn đời đứt gan đứt ruột phải biệt xa nhau. Khoảng 1934-1935, tôi đang yêu, bèn vận vào mình và chuyển sang Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu. Câu thứ ba tôi lấy dáng dấp một câu trong bài thơ tình duy nhất của A-rơ-vét (1806-1850). Tất cả sự nghiệp sáng tác của ông đã vào trong lãng quên, duy có bài Lòng ta chôn một mối tình là sống mãi. Trong đó, câu: Dù anh có đi trọn con đường trần thế/ Chẳng dám xin và chưa hề nhận được gì, tôi chuyển thành Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu”.
Mà đâu chỉ có Xuân Diệu, nếu tỉ mẩn đối chiếu, so sánh ta sẽ phát hiện không ít những trường hợp “ăn cắp” và “phi tang” một cách khá tài tình như thế trong kho tàng văn học nước nhà. Chẳng hạn đoạn thơ sau đây: Li khách! Li khách con đường nhỏ/ Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại/ Ba năm mẹ già cũng đừng mong (Tống biệt hành) của Thâm Tâm phảng phất hơi hướng giọng Kinh Kha: Phong tiêu tiêu hề Dịch thuỷ hàn/ Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn.
Hai câu thơ: Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu (Huy Cận) ảnh hưởng ít nhiều bốn câu thơ của Trần Tử Ngang trong Đăng U Đài ca: Tiền bất kiến cổ nhân. Hậu bất kiến lai giã/ Niệm thiện địa chi du du/ Độc thương nhiên như thế hạ. Câu: Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa (Huy Cận) gợi nhớ hai câu thơ nổi tiếng của Vương Bột: Lạc hà dữ cô lộ tề phi/ Thuy thủy cọng trường thiên nhất sắc…
Xét cho cùng, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn đều là những tác phẩm kế thừa trên cơ sở tầm hiểu biết sâu rộng nền văn học cổ Trung Quốc. Chẳng hạn, muốn viết được câu: Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông, thi hào Nguyễn Du phải nằm lòng hai câu thơ nổi tiếng của Thôi Hộ: Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Như vậy, muốn kế thừa thì phải có hiểu biết, có kiến thức. Mà muốn có hiểu biết, có kiến thức thì không thể không học, không đọc tiền nhân. Vấn đề là đối với người làm thơ phải đọc và học như thế nào?
Bàn về sự học, Khổng Tử cho rằng: “Đã gọi là thầy thì không phân biệt cao thấp, cứ hơn nửa chữ là có thể làm thầy. Chung quy chia làm hai hạng tiên sư và tục sư. Hạng tiên sư vì người mà dạy cách làm người. Hạng tục sư vì tiền mà dạy cách làm tiền. Hạng tiên sư kéo kiến thức trong bụng học trò ra. Hạng tục sư nhét kiến thức từ ngoài vào. Tin theo tiên sư thì con người là tiểu vũ trụ. Tin theo tục sư thì con người là cái thùng chứa sách…”.
Thiết nghĩ, những lời này của Khổng Tử đáng cho chúng ta tham khảo trong việc cải cách dạy và học hiện nay. Đối với người làm thơ những lời này cũng phần nào định hướng cho việc lựa chọn tác giả, tác phẩm để đọc, để học, để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong sáng tác.