Kẻ giết người hàng loạt quyến rũ nạn nhân bằng tài chụp ảnh

Vào những năm 1970, Rodney Alcala đã sát hại ít nhất 7 phụ nữ tại bang California và New York, Mỹ, trở thành một trong những kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất của thế kỷ 20.

Kẻ giết người hàng loạt quyến rũ nạn nhân bằng tài chụp ảnh

Trong khi phần lớn những kẻ giết người đều hoạt động trong bóng tối, Alcala lại không ngần ngại bước ra ánh đèn sân khấu.

Không ai ngờ được rằng hắn thậm chí có thể giành chiến thắng trong game show dài hơi của đài ABC mang tên The Dating Game (Trò chơi hẹn hò) khi quyến rũ thành công một phụ nữ trẻ trên truyền hình trước mặt hàng triệu khán giả, trong khi vẫn ra tay với hàng loạt nạn nhân.

 Kẻ giết người hàng loạt Rodney Alcala. Ảnh: SFGate

Kẻ giết người hàng loạt Rodney Alcala. Ảnh: SFGate

Alcala sinh ngày 23/8/1943 tại San Antonio, bang Texas và có một thời niên thiếu bất ổn. Cha của Alcala đã bỏ lại gia đình khiến bà Anna Maria phải một mình nuôi dưỡng Alcala và các chị em gái. Năm 12 tuổi, Alcala và gia đình tới Los Angeles.

Alcala bỏ học khi 17 tuổi và nhập ngũ, song bị suy nhược thần kinh và nhanh chóng xuất ngũ. Quân đội đã chẩn đoán Alcala bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Đây là căn bệnh đầu tiên trong danh sách dài những rối loạn tâm lý mà hắn được chẩn đoán qua nhiều năm như: Rối loạn nhân cách ranh giới, chứng bạo dâm, rối loạn đa nhân cách, rối loạn nhân cách ái kỷ. Thật không may là những chứng bệnh này chỉ được hé lộ sau khi Alcala bị bắt giữ năm 1979.

Sau khi xuất ngũ, Alcala đã vào học trường nghệ thuật tại Đại học California ở Los Angeles và có được tấm bằng cử nhân năm 1968. Đây cũng là năm hắn bắt cóc, hãm hiếp, đánh đập và tìm cách giết nạn nhân được biết đến đầu tiên.

Mặc dù Alcala đã có bằng nghệ thuật, hắn chưa bao giờ nổi tiếng vì các tác phẩm, mà lại sử dụng kỹ năng nhiếp ảnh cho mục đích đen tối.

 Alcala đã lợi dụng kỹ năng nhiếp ảnh để dụ dỗ và ra tay với các nạn nhân. Ảnh: Marieclaire

Alcala đã lợi dụng kỹ năng nhiếp ảnh để dụ dỗ và ra tay với các nạn nhân. Ảnh: Marieclaire.

Nạn nhân đầu tiên

Tali Shapiro là một cô bé 8 tuổi đang trên đường đến trường thì bị lừa vào xe của Alcala. Hắn đã đưa Tali về căn hộ để cưỡng bức, đánh đập và định siết cổ cô bé đến chết. Khi đến nơi, cảnh sát phát hiện Tali đang nằm trong vũng máu ở nhà bếp. Do cảnh sát tập trung cứu chữa cho nạn nhân, Alcala đã nhanh chân tẩu thoát qua cửa hậu.

Alcala đã sử dụng cái tên John Berger chạy trốn tới New York, và nhập học trường làm phim NYU dưới sự dẫn dắt của giám đốc và nhà sản xuất nổi tiếng Roman Polanski. Từ năm 1968 đến năm 1971, dù nằm trong danh sách truy nã của FBI, hắn không hề bị phát hiện.

Đóng vai sinh viên bảnh bao, nhiếp ảnh gia nghiệp dư còn độc thân, Alcala đã lui tới rất nhiều CLB độc thân tại New York. Phải đến những tháng làm việc tại trại hè diễn kịch cho nữ sinh tại New Hampshire năm 1971, Alcala mới bị phát hiện và bắt giữ.

Tháng 8/1971, Alcala trở về Los Angeles, vụ án Tali Shapiro đã gặp trở ngại lớn khi gia đình nạn nhân trở về Mexico không lâu sau khi Tali phục hồi. Thiếu đi nhân chứng quan trọng, bên công tố đành phải đề nghị một thỏa thuận về biện hộ của bị cáo.

Alcala đã chấp nhận thỏa thuận, nhận tội gạ gẫm trẻ em, trong khi các tội danh khác bị bãi bỏ. Hắn chỉ phải ngồi tù trong 34 tháng và được phóng thích theo chương trình “bản án không kỳ hạn”.

Chương trình cho phép thả phạm nhân nếu đối tượng tái hòa nhập được với cuộc sống. Với khả năng quyến rũ người khác của Alcala, hắn ta nhanh chóng được trả tự do trong chưa đầy 3 năm.

 Rodney Alcala nhanh chóng được phóng thích sau bản án đầu tiên. Ảnh: CBS Press Express.

Rodney Alcala nhanh chóng được phóng thích sau bản án đầu tiên. Ảnh: CBS Press Express.

Chỉ trong 8 tuần, Alcala đã quay lại nhà tù do vi phạm lệnh quản chế. Sau khi được thả năm 1977, hắn làm nghề đánh máy cho báo New York Times. Không lâu sau đó, Alcala lại ngựa quen đường cũ với hàng loạt nạn nhân Jill Barcomb và Georgia Wixted (1977), Charlotte Lamb, Jill Parenteau và Robin Samsoe (1979).

Alcala đã thuê tủ để đồ tại thành phố Seattle, nơi cảnh sát tìm thấy hàng trăm bức ảnh những phụ nữ và cô gái trẻ, cùng túi đồ cá nhân mà họ nghi là thuộc về các nạn nhân. Alcala bị bắt năm 1979 kết án tử hình vì tội giết Samsoe một năm sau đó.

Nổi tiếng trên truyền hình

Điều kỳ lạ một kể giết người như Alcala lại không hề ẩn thân mà còn xuất hiện trên chương trình hẹn hò The Dating Game. Một năm trước khi bị bắt năm 1979, hắn còn là một trong ba anh chàng độc thân tìm cách giành lấy trái tim của ứng viên xinh đẹp trong game show, Cheryl Bradshaw.

 Alcala và ứng viên Cheryl Bradshaw trong chương trình The Dating Game. Ảnh: News.com.au.

Alcala và ứng viên Cheryl Bradshaw trong chương trình The Dating Game. Ảnh:News.com.au.

Vào thời điểm tham gia chương trình, Alcala đã bị cáo buộc tấn công một bé gái 8 tuổi vào năm 1968 và thậm chí còn nằm trong danh sách 10 kẻ bị truy nã hàng đầu của FBI vào năm 1971. Nhà sản xuất chương trình The Dating Game rõ ràng đã không kiểm tra lý lịch ứng viên cẩn thận.

“Ồ tôi vẫn còn nhớ rõ ràng. Hắn là một kẻ lập dị. Vô cùng lập dị”, Jed Mills, một ứng viên ngồi cạnh Alcala khi tham gia game show, trả lời phỏng vấn CNN 38 năm sau đó. Trong căn phòng xanh trước khi quay phim, ông nhớ lại Alcala “rất thô lỗ” và “như thể tìm cách hăm dọa ai đó”. Do đó, ông Mills đã tìm cách giữ khoảng cách với Alcala.

Mặc dù ký ức của ông Mills có thể bị tô điểm thêm nhiều chi tiết sau khi có nhiều bí mật bị lộ ra ánh sáng, song rõ ràng có điều gì đó kỳ lạ về Alcala. Tâm lý của một kẻ giết người hàng loạt làm thú vui, rồi xuất hiện trên chương trình hẹn hò TV là vô cùng phức tạp để đánh giá.

 Alcala đã chụp hàng nghìn tấm hình của nhiều phụ nữ, nam giới và trẻ em. Ảnh: Marieclaire.

Alcala đã chụp hàng nghìn tấm hình của nhiều phụ nữ, nam giới và trẻ em. Ảnh: Marieclaire.

Trong game show, người dẫn chương trình đã giới thiệu Alcala là “nhiếp ảnh gia thành công”, người đã khởi nghiệp khi mới chỉ ở tuổi thiếu niên.
Thông tin này trở nên nực cười khi nhìn vào quá khứ đen tối của Alcala, nhất là vào thời gian hắn bị bắt giữ về tội giết người, chỉ một năm sau khi xuất hiện trên truyền hình, các thám tử phát hiện ra hàng nghìn bức ảnh mà Alcala đã chụp của nhiều phụ nữ, nam giới và trẻ em. Rất nhiều người mẫu trong bức hình đều khỏa thân và đa số các bức ảnh đều gợi dục.

Năm 2010, cả cục cảnh sát New York và Huntington Beach đã công bố 120 trong số những bức ảnh này với hy vọng tìm ra được những người trong ảnh. Khoảng 900 bức ảnh còn lại không được công bố do chúng quá hở hang hoặc khiêu dâm trẻ em.

 Cảnh sát nghi ngờ nhiều người trong những bức ảnh do Alcala chụp đã trở thành nạn nhân của y. Ảnh: marieclaire.

Cảnh sát nghi ngờ nhiều người trong những bức ảnh do Alcala chụp đã trở thành nạn nhân của y. Ảnh: marieclaire.

Chỉ trong vòng vài tuần, 21 phụ nữ đã thừa nhận là người mẫu trong ảnh, kinh hoàng hơn có 6 người mất tích đã được nhận dạng trong giai đoạn đầu. Cảnh sát chắc chắn rằng nhiều bức trong số này bao gồm cả các nạn nhân của Alcala.

Mặc dù vậy, không có bức ảnh nào trong số này thực sự liên quan đến các vụ giết người cho đến năm 2013, khi gia đình của Christine Thornton, thi thể được tìm thấy vào năm 1982, nhận ra bức ảnh của cô trong bộ sưu tập lạnh gáy này.

Năng lực quyến rũ của Alcala thực sự đã khiến nhiều người không nhận ra bản chất đáng sợ của hắn. Trong The Dating Game, ứng viên Bradshaw đã chọn Alcala là đối tác, song việc hẹn hò đã không bao giờ thành hiện thực khi cô rút lui vì những lý không được tiết lộ.

 Alcala đang chờ án tử hình tại nhà tù California. Ảnh: New York Times.

Alcala đang chờ án tử hình tại nhà tù California. Ảnh: New York Times.

Alcala đã bị tuyên án tử hình vào năm 2010 với 5 tội danh giết người. Kể từ thời điểm đó, hắn bị cáo buộc thêm 2 tội danh giết người và liên can đến hai vụ khác.

Cảnh sát cho rằng số nạn nhân thực sự của hắn được cho là cao hơn rất nhiều. Với những tội ác ghê tởm trên, Alcala đang chờ thi hành án tử tại nhà tù California, nơi hắn bị giam giữ kể từ năm 1980.

Theo Giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...