Kalashnikov quyết định nóng với UAV Lancet

GD&TĐ -Theo TASS, Tập đoàn Kalashnikov đã thành lập một công ty sản xuất máy bay không người lái mới và quyết định tăng sản lượng lên gấp nhiều lần.

UAV Lancet tấn công tổ hợp phòng không Ukraine.
UAV Lancet tấn công tổ hợp phòng không Ukraine.

Thông tấn Nga dẫn lời Chủ tịch của Kalashnikov, Lushnikov cho biết: "Chúng tôi đã thành lập một công ty chuyên phát triển máy bay không người lái (UAV). Chúng tôi đã củng cố tất cả năng lực của mình trong quá trình phát triển và sản xuất chúng, đồng thời đang mở rộng sản lượng lên gấp nhiều lần".

Vị chủ tịch của Kalashnikov cho biết thêm, công ty mới sẽ sản xuất những bộ phận và linh kiện cung cấp khả năng phóng và điều khiển UAV trên mặt đất cũng như những gì cần thiết cho hoạt động hiệu quả của một chiếc máy bay không người lái.

Hiện nay, sản phẩm UAV của Kalashnikov được biết đến nhiều nhất là máy bay không người lái trinh sát chiến thuật ZALA 421-16 và Lancet tấn công tự sát.

Dòng ZALA 421-16 hiện có hai phiên bản là ZALA 421-16ЕM, có thời gian hoạt động 2,5 giờ và phạm vi hoạt động 25-50 km, và ZALA 421-16Е2 lớn hơn, có thời gian hoạt động hơn 4 giờ và phạm vi hoạt động 30 km, đã được sản xuất hàng loạt và chuyển giao cho quân đội Nga.

Cả hai phiên bản đều có thể được trang bị hệ thống trinh sát quang điện độ nét cao.

Công ty cũng sản xuất hàng loạt hai phiên bản của Lancet, Izdeliye-52 với thời gian hoạt động 30 phút và đầu đạn nặng 1 kg và Izdeliye-51 lớn hơn có thời gian hoạt động 40 phút và được trang bị đầu đạn nặng 3 kg.

Cả hai phiên bản đều được trang bị hệ thống nhắm mục tiêu quang điện có thể phát hiện, theo dõi và khóa các mục tiêu tĩnh và di động.

Theo nguồn tin quân sự Nga, máy bay không người lái do Kalashnikov sản xuất đã đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động quân sự đặc biệt của Nga đang diễn ra ở Ukraine.

Dòng máy bay không người lái ZALA 421-16 thường xuyên xuyên thủng hệ thống phòng không Ukraine để thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát, thu thập mục tiêu và trinh sát phía sau tiền tuyến hàng ngày.

Cùng với đó, hàng loạt chiếc Lancet đã bắn trúng hàng trăm lần vào vũ khí và thiết bị quân sự của lực lượng Kiev kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra từ đầu năm 2022.

Sự nguy hiểm của UAV Nga đã được chính Thứ trưởng Nội vụ Ukraine, Anton Gerashchenko cho biết hôm 18/4 rằng, Lancet cùng một số dòng UAV khác của Nga là khí tài nguy hiểm nhất với pháo binh, do ưu thế giá rẻ và mức sát thương lớn.

"UAV Lancet có tầm bay 40 km và mang được đầu nổ 3 kg, rất hiệu quả trong nhiệm vụ tập kích và phá hủy các tổ hợp pháo", Thứ trưởng Anton Gerashchenko nói.

Lancet có chi phí khoảng 50.000 USD, rẻ hơn rất nhiều so với mức giá 4-14 triệu USD của lựu pháo M777 và pháo tự hành M109 do Mỹ chế tạo.

"Nếu Lancet phát hiện mục tiêu, không chỉ có binh sĩ thương vong, mà quân đội cũng chịu thiệt hại khí tài rất đắt đỏ", Thứ trưởng Gerashchenko thừa nhận.

Dòng UAV Lancet được Nga ra mắt năm 2019, có khả năng hoạt động độc lập, không cần sự hỗ trợ từ các hệ thống điều khiển mặt đất. Biến thể Lancet nguyên gốc có tầm hoạt động 40 km và mang đầu đạn nặng 3 kg, trong khi mẫu Lancet nâng cấp có tầm bay vượt trội và trang bị đầu nổ mạnh hơn.

Sau khi phát hiện mục tiêu, Lancet có thể lao tới để tiêu diệt bằng khối thuốc nổ mang theo trong thân. Cảm biến trên Lancet sẽ ghi lại quá trình lao tới mục tiêu và truyền hình ảnh trực tiếp về đài chỉ huy để đánh giá hiệu quả của đòn tấn công. UAV cũng có chế độ lái thủ công, cho phép người điều khiển chọn vị trí công kích, tăng tối đa hiệu quả sát thương.

UAV Lancet đánh trúng pháo tự hành và lựu pháo Ukraine.

Các tài liệu tình báo bị rò rỉ gần đây của Mỹ cho thấy phòng không Ukraine ngày càng bị bào mòn sau hơn một năm chiến sự, cũng như không có biện pháp đối phó hiệu quả với UAV tự sát Lancet và bom dẫn đường tăng tầm của Nga dù Kiev đang sở hữu hàng loạt hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ