Joan Laporta sau 6 tháng ngồi ghế Chủ tịch Barca: Lái “Gã khổng lồ xứ Catalan” thành… tí hon?

GD&TĐ - Sau nửa năm, trái với viễn cảnh đẹp trong chương trình tranh cử, Joan Laporta đang tạo ra một Barca “nát bét” và xuống dốc thảm hại.

Các cầu thủ Barca ăn mừng chiến thắng 2-1 trước Getafe ngày 29/8.
Các cầu thủ Barca ăn mừng chiến thắng 2-1 trước Getafe ngày 29/8.

6 tháng trước, chính xác là ngày 8/3, Joan Laporta với 54% phiếu ủng hộ đã vượt qua 2 ứng viên Victor Font (29,99%) và Antoni Freixa (8,58%) để trở thành Chủ tịch của Barca trong vòng 5 năm tới. 

“Kẻ nói dối trơ trẽn”?

Theo chuyên trang thống kê chuyển nhượng Transfermark thì đội hình hiện tại của Barca đã sụt giảm rất nhiều so với chỉ cách đây 2 năm. Nguyên nhân khiến đội hình Barca sụt đến gần 500 triệu euro giá trị bởi chính sách chuyển nhượng, đặc biệt là các quyết định gây sốc gần đây của Chủ tịch Joan Laporta. Theo đó, từ đội hình có giá trị 1 tỷ 160 triệu euro vào năm 2019, lúc này đội hình của Barca xuống còn 696 triệu euro dựa trên báo cáo cuối cùng, được công bố vào ngày 1/9 vừa qua.

Barca lúc này có vị trí khá khiêm tốn trong Top 10 đội bóng hàng đầu châu Âu hiện tại. Điển hình, đó là Man City (1 tỷ 40 triệu euro), PSG (998 triệu euro), Man United (937 triệu euro), Chelsea (881 triệu euro) và Liverpool (879 triệu euro). Thậm chí, giá trị đội hình của Barca (696 triệu euro) còn kém luôn cả Tottenham (697 triệu euro). Đặc biệt, việc không giữ Leo Messi hay Antoine Griezmann đã khiến đội hình Barca giảm rất sâu, cả hai cầu thủ này được Transfermark định giá là 80 và 60 triệu euro.

Trái với tâm trạng phấn khởi hồi tháng 3/2021, thời điểm Joan Laporta thắng cử, giờ đây bao trùm lên Barca là bầu không khí hoài nghi và lo lắng. Những người hâm mộ đội bóng (Cule) vẫn chưa thể tiêu hóa nổi việc đội nhà để mất Messi. Trong khi đó, xuyên suốt chiến dịch tranh cử, Joan Laporta luôn dùng việc giữ chân tiền đạo người Argentina làm “chiêu bài chính” để đánh bại các đối thủ. “Sao phải là ngày mai, tối nay còn dài và tôi sẽ gọi điện cho Jorge Messi (cha đồng thời là người đại diện của Lionel Messi) ngay khi tôi giành chiến thắng”, phát biểu của ông Laporta trước khi kết thúc buổi bỏ phiếu.

Chủ tịch Joan Laporta trong buổi họp báo sau khi Messi không được Barca tái ký hợp đồng.
Chủ tịch Joan Laporta trong buổi họp báo sau khi Messi không được Barca tái ký hợp đồng.

Trước đó, Joan Laporta khẳng định siêu sao Messi đã nghiêng sự ủng hộ về mình và từ chối 2 ứng viên còn lại là Toni Freixa và Victor Font. Phát biểu này được xem là “quả bom tấn”, như tờ Marca bình luận, khi tiếng nói của Messi có tính quyết định ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch CLB Barcelona với hơn 120 nghìn hội viên. Thậm chí, ông Joan Laporta còn tuyên bố đanh thép rằng, nếu không thắng cử, Messi chắc chắn ra đi. Tuyên bố này được xem là đòn quyết định đánh vào tình yêu dành cho Messi của CĐV Barcelona.

Nhưng rồi thế giới bóng đá đầu tháng 8 vừa qua rung chuyển với thông tin chính thức về việc Barca và Messi không còn bên nhau nữa. Hàng chục nghìn người bỏ phiếu Joan Laporta rơi vào trạng thái sốc. Cầu thủ ngôi sao người Argentina cay đắng ra đi, cho dù M10 chấp nhận giảm lương và nhượng bộ nhiều điều khoản khác. Theo lời Joan Laporta, nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng tài chính ở Barca tồi tệ hơn hình dung, quy định về Luật Công bằng tài chính tại Tây Ban Nha hay nếu ký với Messi, gánh nặng tài chính sẽ ảnh hưởng lâu dài tới CLB.

Trong buổi họp báo, Laporta cho biết rằng, Messi đã được thông báo về việc Barca không ký hợp đồng mới. Tuy nhiên, theo truyền thông xứ sở đấu bò, tiền đạo người Argentina đã rất sốc, bởi Barca hay đúng hơn là Laporta không hề nói với anh điều đó cho đến ngày gặp mặt để tái ký hợp đồng. Ngoài ra, nhiều thông tin cho rằng, ban tổ chức La Liga đã chấp thuận hợp đồng của Messi vài ngày trước khi xuất hiện tin tức về việc anh ra đi do câu lạc bộ không thể tuân thủ các quy định tài chính của giải đấu. Nghĩa là Laporta đã nói dối trắng trợn!?

Sau Messi, động thái được bàn luận nhiều nhất của Chủ tịch Joan Laporta là quyết định để Griezmann trở lại Atletico Madrid theo dạng cho mượn. Trong hợp đồng, 2 đội có điều khoản cho phép đội bóng thủ đô Madrid “phải mua lại” tiền đạo người Pháp vào mùa hè năm sau với mức phí 40 triệu euro (hợp đồng mượn mùa này là 10 triệu euro). Đến lúc này, nhiều người tự hỏi rằng, vì sao Laporta chấp nhận “thanh lý” bom tấn Griezmann vào đúng ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mà không phải sớm hơn, khi ông còn rất nhiều cơ hội giữ chân Messi? Cách giải quyết đó phải chăng làm rõ quan điểm Laporta “không muốn giữ Messi”?

Trong ngày cuối của kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021 được cho là “điên rồ”, Barca quyết định bán Emerson Royal – cầu thủ mà họ bỏ 14 triệu euro mua lại từ Real Betis, cho Tottenham, đẩy tiền đạo trẻ mới đôn từ đội B lên là Rey Manaj sang Spezia rồi mượn về tiền đạo Luuk de Jong từ Sevilla và cầu thủ chạy cánh mới 18 tuổi, Yusuf Demir từ Rapid Vienna. Để rồi bước vào mùa giải mới, người hâm mộ không khỏi “bàng hoàng” khi nhìn vào bộ ba tấn công của Barca lúc này, với Memphis Depay, Martin Braithwaite và De Jong. 

Tiền đạo Griezmann được Barca đẩy đến Atletico Madrid trong bản hợp đồng cho mượn.
Tiền đạo Griezmann được Barca đẩy đến Atletico Madrid trong bản hợp đồng cho mượn.

Đập đi xây lại

Joan Laporta thất hứa với người hâm mộ vụ Messi là sự thật. Giá trị đội hình của “Gã khổng lồ Catalan” lao dốc cũng không thể chối bỏ. Từ vị thế ứng cử viên hàng đầu cho các danh hiệu cao quý, đội hình luôn sở hữu những ngôi sao hàng đầu đắt giá, giờ đây trong tay Ronald Koeman chỉ là những ngôi sao hạng 2. Những Eric Garcia, Sergio Aguero, Memphis Depay, Antonio Aranda, Kays Ruiz-Atil cập bến Barca theo dạng chuyển nhượng tự do. Vậy sau nửa năm nắm quyền Chủ tịch, Joan Laporta đang xây hay đang phá Barca?

Joan Laporta phá nát Barca là mệnh đề dễ nhận thấy nhất, đặc biệt ông trở nên đáng ghét hơn bao giờ hết trong mắt các Cule vì không giữ Messi ở lại, cầu thủ huyền thoại và đang còn giá trị 80 triệu euro. Không những thế, Griezmann, người mà Barca chi 120 triệu euro mùa hè 2019 cũng bị Laporta đẩy đi cho mượn theo cách không hề nuối tiếc. Nhưng nếu nhìn vào thống kê của Grizi qua 3 trận đấu tại Liga mùa này – 0 bàn thắng, 0 kiến tạo, 0 sút trúng đích, cùng mức lương 21 triệu euro/năm thì việc Laporta đẩy tiền đạo người Pháp khỏi sân Camp Nou là một nước cờ đúng đắn.

Nhìn ở góc độ kinh tế, theo Sport, trong hợp đồng 5 năm mà Barca đã ký với Griezmann có điều khoản mức lương tăng lên theo từng năm. Sau 2 năm đầu, Barca đã chuyển cho Griezmann số tiền 35 triệu euro. Nếu hoàn tất 3 năm còn lại trong hợp đồng, Griezmann còn được đội chủ sân Nou Camp trả thêm 60 triệu euro nữa để đạt con số tổng cộng 95 triệu euro. Với việc đẩy Griezmann sang Atletico, Barca đã tiết kiệm được khoản tiền lương 2 mùa tới và nếu Atletico đồng ý mua đứt Griezmann sau 2 mùa nữa với giá 40 triệu euro, Barca coi như “thu về” khoảng 100 triệu euro.

6 tháng trước, Laporta nhậm chức Chủ tịch Barca, ông có gì? “Đầu tiên, tôi muốn nói rằng những gì chúng tôi nhận được khi tiếp quản đội bóng thật sự tồi tệ. Quỹ lương của Barca lên đến 110% so với thu nhập. Tiền lương cho các đội thể thao là 726 triệu USD, cao hơn các đối thủ 25 - 30%. Chúng tôi không hề có dư. Những quy định của La Liga được soạn theo Luật Công bằng tài chính. Chúng tôi đã dự tính trước những điều tồi tệ. Nhưng sau khi thực hiện kiểm toán và phân tích, các con số tệ hơn những gì chúng tôi ước tính. Nghĩa là chúng tôi mất nhiều hơn những gì chúng tôi làm ra” – Laporta phát biểu.

Tiền đạo trẻ Ansu Fati chính thức được trao áo số 10 của Messi.
Tiền đạo trẻ Ansu Fati chính thức được trao áo số 10 của Messi.

Bên cạnh đó, 2 mục tiêu hàng đầu của Laporta là giúp CLB thoát khỏi khó khăn tài chính và giữ chân ngôi sao số một Messi. Nhưng ông chủ tịch xuất thân là một luật sư đã không thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình. Thật khó để giải thích thỏa đáng cho vụ Messi ra đi, song Laporta nói đúng: “Tôi muốn cảm ơn Messi vì tất cả mọi thứ. Nhưng đội bóng phải lớn hơn cầu thủ và chủ tịch. Điều khiến chúng tôi phải đi đến nước này là bởi những lý do gây cản trở. Một khoản đầu tư lớn như vậy cho hợp đồng của Messi là rất rủi ro. Quỹ lương của đội bóng đã ở mức rất xấu ngay cả khi chưa tính thêm khoản của Messi”.

Barca đã có một mùa hè thành công trên khía cạnh thanh lý cầu thủ, thu về 86,3 triệu euro từ việc bán cầu thủ và chỉ bỏ ra 9,5 triệu euro mua sắm. Nghĩa là, trong mùa hè đầu tiên sau khi trở lại cương vị Chủ tịch CLB, Laporta đã giúp Barca thu về 76,8 triệu euro và cắt giảm đáng kể quỹ lương khổng lồ, đặc biệt ở 2 vị trí Messi và Griezmann. Và phải nhấn mạnh thêm kỹ năng quản trị của Laporta. Sau khi Messi ra đi, Gerard Pique đồng ý giảm lương để Barca đăng ký Depay, Eric Garcia; đội trưởng Sergio Busquets, Jordi Alba cũng chấp nhận giảm lương để đăng ký Sergio Aguero.

Điều quan trọng hơn, Laporta đã rút ra được nhiều bài học quý, ông không để mình và đội bóng đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm. Kể từ năm 2000 đến nay, đã có ba đời Chủ tịch Barca bị cảnh sát bắt giữ vì các cáo buộc khác nhau. Đầu tiên là vị Chủ tịch huyền thoại Josep Luis Nunez, người tại vị từ năm 1978 - 2000, bị buộc tội hối lộ thanh tra thuế và trốn thuế suốt 10 năm. Năm 2011, ông Nunez và con trai bị tòa án Barcelona kết tội 6 năm tù.

Sandro Rosell là một trong những chủ tịch thành công nhất lịch sử Barca, thống trị La Liga và giành chức vô địch Champions League (2011). Năm 2013, Sandro Rosell gây tiếng vang lớn khi giúp Barca giành được chữ ký của Neymar ngay trước mũi đại kình địch Real Madrid. Tuy nhiên, chính thương vụ Neymar đã khiến Sandro Rosell “nhúng chàm”. Tháng 1/2014, Sandro Rosell từ chức Chủ tịch Barca sau khi bị công tố viên cáo buộc phạm tội rửa tiền. Năm 2017, ông bị bắt tạm giam phục vụ việc điều tra. Tòa án Barcelona không cho phép Sandro Rosell nộp tiền tại ngoại trước khi phiên tòa xét xử diễn ra.

Josep Bartomeu là đời chủ tịch thứ ba của Barca xộ khám. Ngày 1/3, chỉ vài ngày diễn ra cuộc bầu cử Chủ tịch Barca, cơ quan điều tra chính thức bắt giữ Bartomeu cùng các cộng sự thân tín. Trong ngày họp báo về việc “Messi không ở lại”, Laporta đã công khai những khuất tất trong điều hành của người tiền nhiệm. “Tôi đã xem lá thư của Bartomeu, toàn lời giả dối. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý. Ông ta và ê-kíp của mình có trách nhiệm đến ngày 17/3/2021. Không ai trốn khỏi trách nhiệm của mình. Hiện tại, Barca nợ 1,59 tỷ USD. Tình hình kinh tế và tài sản của CLB rất đáng lo ngại, còn tài chính thì bi đát”.

Vụ bắt giữ Bartomeu chính thức đập tan sự tự tôn còn lại ít ỏi của đội chủ sân Camp Nou sau một thời gian dài suy thoái. Barca khủng hoảng toàn diện, từ thể chế, thể thao cho đến kinh tế. Laporta có trách nhiệm khép lại hành trình đen tối đó. Barca cần trở lại với vị thế quang minh, chính trực. Vậy nên, Messi hay Griezmann hay khả năng cạnh tranh danh hiệu không bằng thương hiệu của đội bóng vốn đang chìm trong bóng tối.

Những tuần đầu của cuộc sống không có Lionel Messi, có thể thấy Barca đã tìm được những thủ lĩnh mới trong phòng thay đồ. Đó là “ban cán sự” gồm bộ ba Gerard Pique, Sergio Busquets và Jordi Alba. Barca có vẻ hơi mạo hiểm khi trao áo số 10 cho Ansu Fati, một cầu thủ mới 18 tuổi và vừa trở lại sau thời gian dài bị chấn thương hành hạ. Tuy nhiên, rõ ràng người Catalunya có lý do đặt niềm tin vào tiền đạo trẻ này. Vì giống Messi, Fati cũng là một tài năng đặc biệt trưởng thành từ lò La Masia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.