Con số này gia tăng tại khu vực miền Nam, vốn nghèo đói, lạc hậu hơn so với khu vực miền Bắc. Từ đó dẫn đến chênh lệch lớn trong giáo dục giữa hai khu vực.
Báo cáo của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Italy vào tháng 1/2021 chỉ ra khoảng 28% thanh, thiếu niên từ 14 - 18 tuổi không tham gia học trực tuyến. Tình hình này gia tăng thêm vấn đề cho ngành giáo dục bởi trước khi Covid-19 xuất hiện, Italy đã tụt dốc trong bảng xếp hạng giáo dục của Liên minh châu Âu.
Chính phủ cho rằng, việc đóng cửa trường học có thể ngăn chặn sự lây lan của virus. Nhưng các chuyên gia giáo dục cảnh cáo chiến lược này ảnh hưởng xấu đến tương lai của trẻ, đặc biệt tại những vùng nông thôn phía Nam kém phát triển.
Miền Nam Italy, nơi tỷ lệ nghèo đói và thiếu cơ sở hạ tầng, đã tránh khỏi làn sóng Covid-19 nhưng nền kinh tế khu vực giảm sút mạnh hơn so với miền Bắc. Tỷ lệ bỏ học tại miền Nam cũng cao hơn do liên quan trực tiếp đến tình hình kinh tế của khu vực. Khi phụ huynh mất việc làm, trẻ em phải nghỉ học để phụ giúp gia đình hoặc không đủ tiền đóng học phí.
Tỷ lệ bỏ học có thể phá hủy những nỗ lực cải thiện ngành giáo dục tại khu vực này. Trong 30 năm qua, tỷ lệ mù chữ tại khu vực Sicily đã giảm từ 70% xuống còn 18% nhưng có nguy cơ tăng cao trở lại trong tương lai.
Cô Maria Leotta, giáo viên tại thành phố Catania, tỉnh Sicily, miền Nam Italy cho biết, từ cuối tháng 5, lớp học của cô luôn trong tình trạng gần như trống không. Cuối năm học đã gần kề nhưng số học sinh đến trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Leotta cho biết: “Tình hình này đã diễn ra cả năm rồi. Học sinh nghỉ học liên tục. Mọi chuyện còn tệ hơn khi tôi dạy trực tuyến vì chỉ 1/3 sĩ số lớp tham gia tiết học”. Leotta lấy ví dụ nhiều học sinh học lớp 1 khi Covid-19 bùng phát nhưng không học trực tuyến nên đã lên lớp 2 mà không biết đọc.
Ở khu vực Campania, nơi nguy cơ lây nhiễm vẫn ở mức cao, các trường học hầu như đóng cửa suốt năm học vừa qua. Học sinh từ lớp 3 - 8 chỉ đến trường khoảng 42 ngày từ tháng 9/2020 đến tháng 3/2021.
Như vậy, chất lượng học tập và tiếp thu kiến thức của các em không hiệu quả so với các năm học trước đây. Nhìn chung, chất lượng giáo dục tại khu vực miền Nam Italy vẫn còn kém hơn khu vực miền Bắc. Khoảng cách này tiếp tục bị đào rộng bởi Covid-19.
Để giải quyết trình trạng trên, tháng 3/2021, Chính phủ Italy đã phê duyệt kế hoạch trị giá 35 triệu euro đầu tư cho giáo dục miền Nam. Khoản hỗ trợ này trích từ quỹ 85 triệu euro ngân sách đổi mới giáo dục từ năm 2020.
Bộ Giáo dục mới đây cũng phân bổ 40 triệu euro nhằm giải quyết tình trạng mù chữ, “đói” giáo dục cho trẻ em ở các vùng khó khăn. Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Barbara Floridia, cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường các dịch vụ giáo dục xã hội cho trẻ vị thành niên với mục đích thu hút 50.000 trẻ em từ các khu vực nghèo đói. Các em sẽ có cơ hội tiếp cận giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ”.
Từ tháng 4/2021, chính phủ cho phép học sinh trên toàn quốc trở lại lớp học bởi kết thúc năm học là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Dù vậy, cô Leotta đánh giá, tại khu vực miền Nam, việc thu hút học sinh là rất khó khăn.
“Các lớp học trực tuyến khiến trẻ dần mất hứng thú dành cho học tập. Tôi sợ rằng, đến mùa khai giảng vào tháng 9 tới, số học sinh tựu trường vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay”, cô giáo Leotta bày tỏ.