Tại Israel, hôm qua Bộ trưởng Y tế cho biết hy vọng mở rộng chiến dịch tiêm chủng để chống lại biến thể Delta mở ra khi người Israel trên 40 tuổi và giáo viên hiện đủ điều kiện tiêm liều thứ 3 vắc xin Pfizer-BioNTech Covid-19. Vào tháng 7, chỉ những người trên 60 tuổi mới đủ điều kiện tiêm liều 3, độ tuổi này sau đó giảm xuống 50. Hiện cứ 9,3 triệu dân Israel thì có 1 người đã tiêm mũi thứ 3 và nhà chức trách cho rằng nó có hiệu quả 86% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm.
Việc mở rộng đối tượng tiêm vắc xin tăng cường trên ở Israel diễn ra một ngày sau khi Mỹ công bố tiêm bổ sung cho tất cả người dân sau khi dẫn dữ liệu cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin đang giảm dần.
Các quốc gia khác bao gồm Canada, Pháp và Đức cũng đã lên kế hoạch cho các chiến dịch tiêm tăng cường.
Tại Anh, một nghiên cứu về y tế cộng đồng phát hiện ra rằng khả năng bảo vệ của một trong 2 loại vắc xin được sử dụng phổ biến nhất nhằm chống lại biến thể Delta sẽ yếu đi trong vòng 3 tháng. Họ cũng cho biết những người bị nhiễm biến thể Delta sau khi tiêm 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech hay AstraZeneca có thể lây cho người khác cao hơn so với mắc các biến thể trước đây của virus corona.
Dựa trên 3 triệu mẫu gạc mũi và họng được lấy trên khắp cả nước, nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy 90 ngày sau khi tiêm mũi thứ 2 vắc xin Pfizer hoặc Astrazeneca, hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của chúng giảm xuống lần lượt là 75% và 61%. Sau khi tiêm 2 tuần, tỷ lệ này lần lượt là 85% và 68%.
Giáo sư Sarah Walker của Oxford cho biết “với liều lượng 2 lần tiêm, cả 2 loại vắc xin này vẫn hoạt động rất tốt trong việc chống lại biến thể Delta”.
Nhật Bản báo cáo kỷ lục ca mắc trong ngày hôm qua với 25.141 ca mắc. Con số thực tế có thể cao hơn vì việc xét nghiệm ở đây không được mở rộng. Đa phần các nơi ở Nhật Bản, bao gồm thủ đô Tokyo đang trong “tình trạng khẩn cấp”, trong đó các nhà hàng phải đóng cửa vào ban đêm và mọi người được yêu cầu ở nhà. Mối lo ngại càng tăng lên về các bệnh viện quá tải.
Nhật Bản đã có hơn 15.500 ca tử vong liên quan đến Covid-19.
Tại Tây Phi, WHO cảnh báo tình hình Covid-19 là “thảm khốc” với số ca tử vong tăng 193%. Virus Ebola và Marburg làm phức tạp thêm chiến dịch chống Covid-19 tại đây. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người mắc các bệnh nguy hiểm khác ở Tây Phi.