Sợ sa lầy
Theo thông báo của IDF, "Kế hoạch tác chiến cho cuộc tấn công tại Lebanon" đã được thông qua. "Quyết định đã được đưa ra nhằm tiếp tục tăng tốc mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân nhân tại thực địa", IDF cho hay.
Phản ứng trước các tuyên bố từ Tel Aviv, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 19/6 nhấn mạnh lực lượng này sẽ phát động một cuộc chiến "không kiềm chế, không quy tắc và không giới hạn" nếu Israel mở chiến dịch tấn công lớn vào Lebanon.
Ông Lev Sokolshchik, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện châu Âu và Quốc tế, cho rằng Mỹ khó có thể giảm bớt căng thẳng giữa Israel và Hezbollah.
Trong trường hợp Israel triển khai quân tấn công miền Nam Lebanon, Washington sẽ phải hỗ trợ đồng minh Tel Aviv. Tuy nhiên, trước đây Mỹ đã nỗ lực giảm leo thang tình hình ở Trung Đông nhưng không có kết quả.
Chuyên gia này giải thích: "Mỹ thậm chí còn gây áp lực ngoại giao lên các đồng minh, cảnh báo đình chỉ nguồn cung cấp vũ khí. Nhưng Israel vẫn kiên quyết giữ vững lập trường, bất chấp sự phản đối của Nhà Trắng".
Nếu Israel quyết định tấn công vào lãnh thổ Lebanon, Mỹ sẽ phải hỗ trợ đồng minh của mình để tránh việc nước này mất ảnh hưởng ở Trung Đông.
Cũng theo chuyên gia này, những khác biệt chính trị trong nước đang ngăn cản Washington phát triển lập trường nhất quán và cân bằng chiến lược về Trung Đông, do đó Israel đang tận dụng tối đa điều này.
Về phần mình, Lyudmila Samarskaya, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Nga, nhận định: Tuyên bố của quân đội Israel về hoạt động ở Lebanon là nhằm ngăn chặn Hezbollah leo thang thêm. Điều đó còn cho thấy rằng Israel không thực sự hướng đến một cuộc tấn công toàn diện trên bộ ở Lebanon.
"Các thành viên Hezbollah được trang bị và huấn luyện tốt hơn nhiều so với Hamas. Vì vậy, quân đội Israel có nguy cơ sa lầy trong các trận giao tranh ác liệt trong điều kiện đô thị bị hạn chế như đã từng xảy ra trong các cuộc chiến ở Lebanon trước đó.
Tôi nghĩ rằng chiến dịch của Israel sẽ chỉ giới hạn ở các cuộc tấn công của không quân Israel nhằm vào những vị trí của lực lượng Hezbollah ở Lebanon", bà Samarskaya giải thích.
Cái giá với Israel
Theo Imad Salamey, nhà khoa học chính trị tại Đại học Mỹ - Lebanon, cho hay, nếu quyết định đẩy xung đột với Lebanon thành một cuộc chiến tranh tổng lực, cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của Israel có thể bị thiệt hại nghiêm trọng.
Hezbollah mạnh hơn và được trang bị tốt hơn rất nhiều so với lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Nhóm gần đây còn tiết lộ các loại vũ khí mới, trong đó có cả những tên lửa phòng không đã lần đầu tiên đẩy được chiến đấu cơ Israel ra khỏi không phận Lebanon.
Karim Emile Bitar, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Saint Joseph ở Beirut, nói: "Điều đặc biệt đáng lo ngại và quan trọng là người Israel dường như hoàn toàn không học được gì sau những trải nghiệm trong quá khứ ở Lebanon.
Thông báo rằng họ sắp tiến hành một cuộc chiến tổng lực nhằm đánh bại Hezbollah là cực kỳ ngây ngô và tệ hơn cả, nó cho thấy sự nghiệp dư. Hezbollah có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng, đáng kể và thậm chí là chưa từng có cho Israel".
Israel từng tấn công Lebanon vào năm 1978 và 1982, bao vây phía tây thủ đô Beirut để đánh bật Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat. Họ kiểm soát miền nam Lebanon từ năm 1985 đến 2000.
Bất chấp năng lực quân sự đáng gờm của Hezbollah, nhiều tiếng nói ở Israel, trong đó có các lãnh đạo cực hữu như Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, đang thúc đẩy các giải pháp quân sự thay vì ngoại giao.
"Điều rõ ràng là sẽ không có nhiều người chiến thắng trong một cuộc xung đột mở rộng. Israel đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu đánh bại Hamas trong suốt 8 tháng qua, trong khi Hezbollah có năng lực quân sự mạnh hơn Hamas", bình luận viên Justin Salhani từ Al Jazeera nhận định.
Giáo sư Bitar nói, khi mở chiến dịch tấn công năm 1982 vào Lebanon, Israel đã đẩy được PLO khỏi quốc gia này, nhưng nó lại dẫn đến sự ra đời của Hezbollah, một phong trào có tổ chức chặt chẽ và mạnh mẽ hơn nhiều.
"Kịch bản tương tự hoàn toàn có thể lặp lại", vị giáo sư này cảnh báo.