Ireland: Cảnh báo về chất lượng giáo dục cho trẻ tị nạn

GD&TĐ - Tổ chức Thanh tra cho Trẻ em (OfC) của Ireland đã bày tỏ lo ngại về chất lượng cung cấp giáo dục cho trẻ em đã đến quốc gia này với tư cách là người tị nạn từ Syria, theo chương trình tái định cư do nhà nước hỗ trợ.

Các thanh tra viên và nhà tâm lý học đã đến thăm ba trung tâm ở các quận Kildare, Waterford và Roscommon
Các thanh tra viên và nhà tâm lý học đã đến thăm ba trung tâm ở các quận Kildare, Waterford và Roscommon

Tách biệt

Bác sĩ, Tiến sĩ Niall Muldoon, thanh tra viên của OfC đã bình luận về phát hiện từ một báo cáo của thanh tra Bộ Giáo dục và Kỹ năng (DfEaS) Ireland, trong đó phát hiện ra rằng, trẻ em sống trong các khu vực đặc biệt theo chương trình không có quyền tiếp cận các dịch vụ giáo dục và hỗ trợ mà tất cả trẻ em khác được hưởng.

Các thanh tra viên và nhà tâm lý học đã đến thăm ba trung tâm ở các quận Kildare, Waterford và Roscommon, nơi các trường tạm thời được thành lập để phục vụ cho nhu cầu của trẻ em tị nạn được tái định cư tại đây.

Báo cáo lưu ý rằng, hơn 100 trẻ em sống tại các trung tâm này là “một nhóm rất dễ bị tổn thương của trẻ em tại một thời điểm chuyển tiếp đáng kể trong cuộc sống của chúng”.

Các trường có trụ sở tại Trung tâm tiếp nhận và định hướng khẩn cấp (EROC) được thành lập theo Chương trình bảo vệ người tị nạn. Chương trình được thiết kế để cung cấp một nơi trú ẩn an toàn cho những người chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Trung Đông và châu Phi.

Báo cáo đã phát hiện ra rằng, các trường không được DfEaS công nhận trong hệ thống chính thức, có nghĩa là trẻ em không thể tiếp cận hỗ trợ nhu cầu đặc biệt và các hỗ trợ khác mà chúng có quyền nếu theo học ở trường được công nhận. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, không có trung tâm nào có thể “tích hợp một cách có hệ thống các học sinh của mình vào các trường tiểu học chính thống gần nhất”.

Việc học tạm thời và tách biệt trong các trung tâm biệt lập như thế này khiến hiệu quả giáo dục cho trẻ em tị nạn hết sức hạn chế
  • Việc học tạm thời và tách biệt trong các trung tâm biệt lập như thế này khiến hiệu quả giáo dục cho trẻ em tị nạn hết sức hạn chế

Không phải là giải pháp lâu dài

Nhận xét về báo cáo, Tiến sĩ Muldoon nói rằng trong các chuyến thăm do văn phòng của ông thực thiện tới các trung tâm, phụ huynh đã bày tỏ mối quan tâm về việc giáo dục được cung cấp cho con cái họ. Ông cho biết các phụ huynh rất lo lắng khi cho con cái họ hòa nhập vào các trường chính thống và lo ngại rằng chúng không được tiếp cận với các dịch vụ khác.

Các thanh tra viên phát hiện ra rằng mặc dù các trường học và các trung tâm lưu trú do chính phủ Ireland bố trí là để làm nơi trú ngụ hoặc học tập tạm thời (từ ba đến bốn tháng) khi các gia đình và trẻ em tị nạn vừa đặt chân đến đây. Thế nhưng, rất nhiều gia đình có thời gian lưu trú ở nơi tạm thời đó dài hơn đáng kể so với kế hoạch. Nguyên nhân một phần là do cuộc khủng hoảng trong bố trí nơi ở cho người tị nạn.

Báo cáo kêu gọi tạo điều kiện để trẻ tị nạn được học hòa nhập tại các trường học địa phương; đồng thời, khuyến cáo rằng giáo dục “tách biệt” được cung cấp tại các trung tâm “không phải là một giải pháp lâu dài”, hay ít nhất là không được thiết kế để phục vụ như vậy. Từ đó, thanh tra DfEaS khuyến nghị rằng việc cho trẻ tị nạn theo học tại các trường EROC chỉ nên giới hạn trong ba tháng.

Hòa nhập vẫn là cách tốt nhất

Liên quan đến một trung tâm tại quận Ballaghadereen ở Co Roscommon, báo cáo lưu ý cái mà các thanh tra gọi là “thách thức” đối với sự hòa nhập của trẻ em Syria trong các trường học địa phương.

Báo cáo kêu gọi kiểm tra thêm về “các rào cản nhận thức đối với việc tích hợp học sinh EROC vào các trường tiểu học địa phương”; khuyến nghị rằng tài trợ bổ sung, nhân sự và các hỗ trợ khác cho các trường chính thống địa phương được coi là một giải pháp khả thi.

Cùng với đó, báo cáo kêu gọi một loạt các biện pháp chính sách khác để hỗ trợ việc chuyển trẻ em có kết quả học tập tốt sang các trường chính thống, bao gồm làm rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, chẳng hạn như Cơ quan Gia đình và Trẻ em (Tusla).

Trong một loạt các khuyến nghị, báo cáo cũng kêu gọi tổ chức các khu vực giải trí chuyên dụng và được trang bị tốt, bao gồm cả không gian vui chơi ngoài trời an toàn, được duy trì tốt và kích thích sự phát triển của trẻ. Nó cũng nói rằng, cần xem xét đến sự công nhận tạm thời của các trường để trẻ em và giáo viên có thể tiếp cận hỗ trợ có sẵn trong tất cả các hệ thống được công nhận.

Tiến sĩ Muldoon đã kêu gọi DfEaS tuân thủ các cam kết có trong báo cáo. Ông nhấn mạnh: “DfEaS nên xây dựng kế hoạch của họ để cho phép và khuyến khích các trường học địa phương tuyển sinh những trẻ em này”.

Báo cáo của thanh tra giáo dục đã được hoàn thành vào tháng 6/2018, nhưng chỉ được công bố trên trang web của DfEaS vào tuần trước (trung tuần tháng 2/2019). Nghĩa là phải mất hơn bảy tháng để các phát hiện của các thanh tra viên và nhà tâm lý học về trẻ em tị nạn đang học tại các trung tâm khẩn cấp được công bố.

Khi được RTÉ News hỏi, tại sao báo cáo chỉ được công bố vào tuần trước, một phát ngôn viên của DfEaS cho biết: “Công việc hoàn thiện báo cáo đã được hoàn thành vào tháng 6/2018. Sau đó, DfEaS trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp và Bình đẳng, cũng như ý kiến từ Tusla, đã xem xét và tìm ra cách tốt nhất để giải quyết các khuyến nghị từ báo cáo”.

Người phát ngôn này cũng nói thêm rằng, DfEaS hiện đang tiến hành tập hợp nguồn lực, nhằm triển khai các hoạt động để đáp ứng với những phát hiện mà báo cáo đã chỉ ra cũng như những giải pháp được khuyến nghị.

Theo RTÉ News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.