Khi còn là một thượng nghị sĩ trẻ của bang Illinois năm 2002, Barack Obama thường chỉ trích gay gắt những gì sắp là một cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu ở Iraq lúc đó.
Phát biểu trước một cuộc mít-tinh phản đối chiến tranh vào ngày Quốc hội cho phép phát động chiến tranh ở quốc gia Vùng Vịnh này, Obama gọi đó là một viễn cảnh "ngớ ngẩn" và "thiếu suy nghĩ".
"Những gì tôi phản đối là nỗ lực bất cần đạo lý của Richard Perle và Paul Wolfowitz cùng các chiến binh ghế bành khác trong chính quyền [Bush] muốn nhét các nghị trình ý thức hệ của riêng họ vào cổ họng chúng ta, bất chấp tổn thất về nhân mạng và thử thách phát sinh" - Obama nói.
Ông đã ra lệnh cho một tàu sân bay và 2 tàu chiến khác tới tuần tra các vùng biển ngoài khơi Iraq. Nếu họ thực hiện tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay thì các mục tiêu sẽ là quân nổi dậy Hồi giáo vốn đã chiếm được một số thành phố ở Iraq.
12 năm sau và bước sang năm thứ 6 của nhiệm kỳ Tổng thống, Obama lại đối mặt với khả năng Washington có thể phải đưa sức mạnh quân sự trở lại Iraq 2 năm sau khi đội quân chiến đấu cuối cùng của Mỹ rời khỏi nước này.
Obama nói rằng, sức mạnh quân sự của Mỹ - hoặc trực tiếp tham gia hoặc cung cấp thêm vũ khí cho các lực lượng Iraq - phụ thuộc vào ban lãnh đạo ở Baghdad tiến hành một "nỗ lực nghiêm túc và chân thành... để gạt bỏ những bất đồng giáo phái, nhằm cung cấp sự ổn định và đảm bảo các lợi ích hợp pháp của tất cả mọi cộng đồng ở Iraq".
Đó là một bước dài đối với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, người đã đặt ra nhiều chính sách mang nặng tính thân Shiite.
"Việc ông ấy liên tiếp từ chối tiến tới một thỏa thuận chính trị cấp thiết với người Sunni trong những năm dài qua, xây dựng các cơ quan quốc gia tham nhũng, yếu kém và nặng tính giáo phái, cách ông ấy trấn áp nặng tay ở nhiều khu vực... là những yếu tố phá hoại sự phát triển lâu dài ở Iraq" - Cây bút Marc Lynch viết trên báo Washington Post.
Trong khi đó, Obama đang đối mặt với nhiều chỉ trích về Iraq. Sự phản đối chủ yếu, đến từ các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa và phe ủng hộ việc Washington ràng buộc quân sự ở Iraq, là việc Mỹ rút lính chiến khỏi quốc gia Vùng Vịnh quá sớm.
"Chính quyền Obama muốn nói "Tôi đã kết thúc cuộc chiến ở Iraq, tôi sắp kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan" - Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thuộc bang Nam Carolina, thành viên Ủy ban Dịch vụ Vũ trang, bình luận với hãng tin CNN - Điều này cũng dễ đoán như việc mặt trời mọc ở phía Đông vậy. Về vấn đề Iraq, tôi hết sức trách Tổng thống vì chính sách không can thiệp".
"Iraq và Syria kết hợp lại sẽ là một xuất phát điểm cho một vụ 11/9 tiếp theo nếu chúng ta không hành động gì. - Thượng nhị sĩ Graham cảnh báo thêm - Nếu Baghdad sụp đổ, chính phủ trung ương sụp đổ, thì một thảm họa đang chờ đợi chúng ta với những hậu quả rất lớn".
Trong khi đó, trong một bài viết nêu quan điểm riêng trên CNN, nhà bình luận Aaron David Miller lại đưa ra lập luận khác biệt: "Tổng thống, Ngài có thể không còn lựa chọn nào khác nhưng ngoài việc bị cuốn trở lại Iraq bằng các cuộc tấn công quân sự.
Điều đó thậm chí có thể cho kết quả tích cực về ngắn hạn. Nhưng về lâu dài thì sẽ không như thế. Những người Shiite hân hoan chiến thắng, những người Sunni bực bội, sự ảnh hưởng của Iran, và những người Kurd li khai... sẽ bảo đảm viễn cảnh đó. Iraq từng là một cái bẫy cho Mỹ trước kia và sẽ vẫn là như vậy".