"Nếu chính phủ Syria yêu cầu Iran gửi quân tới Syria, chúng tôi sẽ xem xét yêu cầu này", Ngoại trưởng Iran, Abbas Araghchi, nói, và cho biết thêm rằng, Tehran đang chuẩn bị "một loạt các bước đi để xoa dịu tình hình ở Syria và tìm cơ hội đưa ra sáng kiến cho một giải pháp lâu dài".
Các tay súng thánh chiến Hayat Tahrir-al-Sham (HTS) thuộc al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn từ tỉnh Idlib hướng tới Aleppo, Hama và Homs vào tuần trước.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran nói với hãng tin Qatar rằng, sự mở rộng của các nhóm khủng bố này “có thể gây hại cho các nước láng giềng của Syria như Iraq, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là Iran”.
“Tehran sẵn sàng tham vấn và đối thoại với Ankara để thu hẹp bất đồng”, ông Araghchi lưu ý, nhưng cho biết, Iran yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi Syria trước khi bất kỳ cuộc họp nào giữa tổng thống hai nước có thể diễn ra.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Iran, đây là một yêu cầu "hợp lý" .
Theo ông Araghchi, Iran "lo ngại về sự sụp đổ của tiến trình Astana ở Syria, vì không có giải pháp thay thế dễ dàng nào cho nó". Đây là ám chỉ đến thỏa thuận được ký kết năm 2017 tại thủ đô Kazakhstan, trong đó các chính phủ ở Damascus, Ankara, Tehran và Moscow cam kết sẽ giải quyết xung đột Syria một cách hòa bình.
Ngoại trưởng Araghchi cũng cho biết, ông có ý định tới thăm Moscow để thảo luận về tình hình ở Syria.
Những bình luận này của Ngoại trưởng Iran Araghchi được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Al-Araby Al-Jadeed có trụ sở tại Qatar trên đường ông trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ vào tối 2/12.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Ankara ủng hộ "toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của Syria", song việc chấm dứt xung đột đòi hỏi "sự đồng thuận phù hợp với các yêu cầu chính đáng của người dân Syria".
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Hakan Fidan, cho biết rằng, các cuộc giao tranh đã tiếp diễn vì Damascus phớt lờ "các yêu cầu chính đáng của phe đối lập".
Về phía Nga, Moscow đã tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Tổng thống Syria Bashar Assad và chính quyền tại Damascus.
Lực lượng viễn chinh Nga, được triển khai tới Syria vào năm 2015 để giúp Damascus chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã thực hiện một loạt các cuộc không kích nhằm vào các chiến binh thánh chiến để hỗ trợ quân đội Syria, quyết loại bỏ nhóm khủng bố này.