Iran đưa ra 7 điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ

GD&TĐ - Các nhà ngoại giao từ Tehran được cho là đã đưa ra 7 điều kiện tiên quyết để nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân với Mỹ.

TT Iran Hassan Rouhani.
TT Iran Hassan Rouhani.

Nói với tờ báo al-Jarida của Kuwait, quan chức giấu tên từ văn phòng TT Iran Hassan Rouhani nói rằng các cuộc liên lạc đã bắt đầu trước khi TT Joe Biden lên nắm quyền và ngụ ý rằng họ đang tiếp tục nhưng không chính thức.

Theo báo cáo của Kuwait, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Rawanji đã được gọi tới Tehran để sắp xếp các cuộc tiếp xúc với chính quyền mới ở Washington trước khi quay trở lại New York với 7 điều kiện để Iran tham gia vào việc nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân.

Điều kiện đầu tiên được cho là Iran sẽ không chấp nhận việc giảm bớt các lệnh trừng phạt từng phần vì Tehran coi Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) là không thể phân chia. Báo cáo nói rằng Iran sẽ tái khẳng định yêu cầu Mỹ duy trì tất cả các khía cạnh của thỏa thuận, bao gồm cả việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt như một điều kiện tiên quyết cần thiết để quay trở lại thỏa thuận.

Thứ hai, mọi bất đồng về các hiệp định phải được thảo luận trong khuôn khổ các ủy ban đàm phán chính thức. Một trong những bất đồng được dự đoán là yêu cầu của Tehran về việc bồi thường thiệt hại tài chính mà họ phải gánh chịu do việc chính quyền cựu TT Trump rút khỏi thỏa thuận, đặc biệt là tác động tài chính của các lệnh trừng phạt.

Điều kiện thứ 3, theo các báo cáo là Tehran sẽ không chấp thuận sử dụng các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân để giải quyết các vấn đề riêng biệt, chẳng hạn như chương trình tên lửa và các hoạt động ở nước ngoài.

Điều kiện thứ 4 là không có thành viên mới nào được phép tham gia thỏa thuận ngoài P5+1 hiện có, bao gồm bất kỳ quốc gia Ả rập vùng Vịnh nào.

Thứ 5, mối quan tâm về các quốc gia khác trong khu vực phải được thảo luận như một vấn đề riêng biệt và không được đưa vào các cuộc đàm phán về làm giàu hạt nhân.

Điều kiện thứ 6 được cho là mặc dù không sẵn sàng thảo luận về hệ thống tên lửa của mình, Iran sẽ thấy có thể chấp nhận được khi nói về việc kiểm soát vũ khí ở cấp độ khu vực với sự giám sát của Liên hợp quốc, nêu lo ngại đặc biệt về tên lửa và kho hạt nhân bất hợp pháp của Israel.

Cuối cùng, Iran sẽ không cho phép một giải pháp 2 nhà nước cho Israel và Palestine, thay vào đó, yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý của Liên hợp quốc bao gồm người Israel gốc Do Thái và người Palestine về vấn đề “đất đai”. Không có thêm chi tiết nào về nội dung của cuộc trưng cầu tiềm năng được đưa ra – theo báo cáo

Ông Rouhani sẽ trực tiếp đưa các điều kiện này cho chính quyền ông Biden. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết trong một bài báo của Bộ Ngoại giao hôm 23/1 rằng Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu, điều khoản hoặc ký kết nào của nhà nước vào thỏa thuận ban đầu do Washington đề xuất vào năm 2015.

Ông Zarif nói rằng nếu Washington bắt đầu bằng cách “loại bỏ một cách vô điều kiện, với đầy đủ hiệu lực tất cả các lệnh trừng phạt được áp đặt, áp đặt lại hoặc gắn nhãn lại kể từ khi ông Trump nhậm chức”, Iran sẽ đảo ngược các bước đi của mình kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018.

Kênh 12 News đưa tin vào tuần trước rằng chính quyền ông Biden đã bắt đầu các cuộc đàm phán phần lớn không được tiết lộ với các quan chức Iran về việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và cũng cập nhật cho Israel về nội dung của họ.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh có thông tin rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ cử người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel là Yossi Cohen tới Washington vào tháng tới để đưa ra các yêu cầu của Israel trước khi bất kỳ phiên bản mới nào của thỏa thuận hạt nhân Iran được nhất trí.

Theo báo cáo, ông Cohen sẽ là quan chức cấp cao đầu tiên của Israel gặp TT Biden và dự kiến cũng sẽ gặp giám đốc CIA.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.