Theo đó, Tehran đề nghị Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế để đổi lấy quyền tiếp cận mở rộng đối với các cơ sở hạt nhân của Iran.
Việc phê chuẩn Nghị định thư bổ sung cho “Kế hoạch hành động toàn diện chung” về chương trình hạt nhân Iran cho phép IAEA được biết trước về việc xây dựng các cơ sở hạt nhân mới ở Iran, cũng như kiểm tra rộng hơn và kỹ lưỡng hơn các cơ sở hạt nhân hiện có của quốc gia này.
“Nếu ông Trump muốn nhiều hơn nữa, chúng tôi có thể phê chuẩn Nghị định thư bổ sung và cùng với đó, ông cần hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đã áp đặt đối với Tehran”, The Guardian trích lời ông Zarif trong cuộc nói chuyện với các nhà báo ở New York.
Theo các điều khoản của “Kế hoạch hành động toàn diện chung”, Nghị định thư nêu trên cần phải được quốc hội Iran phê chuẩn trước năm 2023, tức là 8 năm sau khi kết thúc thỏa thuận nguyên tử này.
Theo ghi nhận của Guardian, ông Zarif nói rằng Tehran sẵn sàng phê chuẩn tài liệu này trước năm 2023 nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran.
Mỹ có phần hoài nghi về đề xuất của phía Iran, Washington coi đó là một nỗ lực không trung thực nhằm mục đích giảm bớt áp lực từ các lệnh trừng phạt.
Vào ngày 8/5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran - một thỏa thuận đã được ký kết vào năm 2015 với mục đích hạn chế sự phát triển hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các biện pháp hạn chế đơn phương của Mỹ và EU.
Vào ngày 8/5/2019, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố rằng Tehran sẽ đình chỉ một phần nghĩa vụ của mình trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân. Theo Iran, các bên tham gia thỏa thuận không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực kinh tế, do đó, các thỏa thuận đã không còn ý nghĩa gì.