iPhone giữa thị trường lạm phát

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lạm phát ở Mỹ đang tăng lên gần mức cao nhất trong 40 năm. Giá thực phẩm, nhiên liệu và hầu hết mọi thứ dường như tăng cao sau mỗi tháng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, điện thoại thông minh có thể là một ngoại lệ.

Ví dụ, Apple gần đây đã công bố các phiên bản mới của iPhone. Hãng cho biết sẽ không bán với giá cao hơn, dù chi phí sản xuất thiết bị tăng. Điều này gây khó hiểu vì các công ty thường tăng giá để phù hợp với tình trạng lạm phát, hoặc ít nhất là đủ để trang trải chi phí sản xuất sản phẩm.

Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng được công bố ngày 13/9 cho thấy, giá điện thoại thông minh tại Mỹ thực sự đã giảm 20,4% trong tháng 8 so với một năm trước. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, mức giảm 20% trong năm qua không phải là điều bất thường đối với điện thoại thông minh.

Thực tế, giá điện thoại thông minh giảm từ tháng này qua tháng khác. Từ cuối năm 2019, giá điện thoại thông minh đã giảm 40%. Thiết bị công nghệ nói chung, từ máy tính đến đồng hồ thông minh, cũng có xu hướng giảm giá theo thời gian.

Một phần lý do cho sự sụt giảm này đã được lý giải trên trang web của Cục Thống kê Lao động Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng đo lường chất lượng không đổi của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Điều này có nghĩa là tìm cách theo dõi sự thay đổi giá của cùng một nhóm hàng hóa và dịch vụ mỗi tháng. Đó là so sánh giá ngày hôm nay với giá của cùng một thứ cách đây một tháng hoặc một năm.

Đối với hầu hết hàng hóa, đó không thực sự là vấn đề. Bởi, chất lượng của chúng không thay đổi nhiều trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, điện thoại thông minh không ngừng cải thiện về chất lượng.

Đối với các mặt hàng được cải thiện nhanh, Cục Thống kê Lao động Mỹ sử dụng cái được gọi là “mô hình hồi quy theo chủ nghĩa khoái lạc” để ước tính những thay đổi về chất lượng theo thời gian. Đó là tìm ra mức giá thay đổi của mỗi tính năng điện thoại thông minh mới.

Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, mức giảm 20,4% không có nghĩa là người dùng sẽ trả ít hơn cho một chiếc điện thoại thông minh mới. Thực tế, điều đó cho thấy, người dùng sẽ nhận được nhiều hơn 20% cho số tiền của mình so với cùng một chiếc điện thoại một năm trước đó.

Điều đó đưa chúng ta đến lý do tại sao Apple không thay đổi giá của mình, ngay cả khi chất lượng của iPhone được cải thiện và chi phí chuỗi cung ứng tăng lên.

Ngoài các vấn đề về chất lượng, một trong những vấn đề của chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến điện thoại là tình trạng thiếu chip máy tính. Nếu có sản phẩm nào phụ thuộc vào chip máy tính, đó chính là điện thoại thông minh. Tình trạng thiếu hụt này đã khiến việc sản xuất ô tô, xe tải và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác bị đình trệ.

Tình trạng này cũng làm tăng giá của các bộ phận bán dẫn. Giá chip được dự đoán có thể tăng 20% trong năm tới. Vì những lý do này, các nhà phân tích đã cho rằng, Apple sẽ tăng giá sản phẩm.

Song, với tỷ suất lợi nhuận gộp hơn 40%, Apple có thể đủ khả năng để đối phó với sự gia tăng chi phí chip và thành phần khác. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường điện thoại thông minh có tính cạnh tranh khốc liệt, nên Apple đang giữ nguyên mức giá để xây dựng thị phần ở Mỹ. Vì vậy, iPhone vẫn là một trong những điện thoại thông minh bán chạy nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.