Indonesia: Mang giáo dục đến với trẻ em nghèo

GD&TĐ - Các học sinh tại khu dân cư nghèo ở Indonesia đã được hỗ trợ để tiếp cận với giáo dục, thay vì trở thành lao động nặng nhọc.

Học sinh tại tổ chức giáo dục Rumah Belajar Merah Putih.
Học sinh tại tổ chức giáo dục Rumah Belajar Merah Putih.

Mỗi sáng tại Kojem - khu dân cư nghèo ở phía Bắc Jakarta (Indonesia), thay vì đến trường, những đứa trẻ khoảng 7 tuổi trở về nhà sau một ngày đánh cá trên biển Java. Giáo dục dường như là một điều hiếm xuất hiện ở một nơi đầy rẫy tội phạm, ma túy và mại dâm.

Hầu hết trẻ em ở đây đều bỏ học trước khi lên lớp 4. Nhiều em phải nghỉ học vì cha mẹ không đủ tiền đóng học phí. Một số đứa trẻ thậm chí chưa bao giờ tới trường học.

“90% trẻ em ở đây bỏ học. Số người có bằng tốt nghiệp trung học có thể đếm trên bàn tay”, Desi Purwatuning - người điều hành tổ chức giáo dục Rumah Belajar Merah Putih từ một không gian nhỏ ở Kojem trong 14 năm qua, chia sẻ.

Nhà trường đã giúp học sinh bỏ học từ Kojem và các vùng lân cận làm bài kiểm tra tương đương cấp tiểu học, THCS và THPT. Nhờ đó, người học có thể tìm được việc làm tốt hơn và thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

“Không ai mong họ trở thành gì khác ngoài ngư dân và người lao động chân tay. Ngay cả cha mẹ họ cũng không. Đó là lý do các phụ huynh không để trẻ ở trường sau khi biết đọc và làm toán đơn giản”, bà Purwatuning nói.

Ít nhất 100 trẻ em đã theo học tại Rumah Belajar Merah Putih. Trẻ học theo ca hai giờ mỗi ngày tại một cửa hàng đổ nát có diện tích không quá 4 x 5m. Phòng học nhỏ đến mức không có ghế bên trong. Thay vào đó, giáo viên và học sinh ngồi trên những tấm thảm cao su.

Học sinh được một nhóm tình nguyện là sinh viên đại học dạy từ toán học và khoa học, đến các nghiên cứu xã hội và Hồi giáo.

“Điều quan trọng là phải dạy họ tôn giáo. Vì có quá nhiều tội phạm, tệ nạn ma túy và mại dâm xung quanh nên họ cần phải biết đúng, sai”, bà Purwatuning nhấn mạnh.

Trường Rumah Belajar Merah Putih thường khá đông đúc, đặc biệt là khi một số trẻ em cảm thấy đó là nhà mình. Chia sẻ về ý tưởng này, bà Purwatuning - một goá phụ 42 tuổi, cho biết: “Năm 2005, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Các bác sĩ đã cho tôi cơ hội sống và tôi cảm thấy như mình chưa làm được gì cho cộng đồng”.

Sau đó, bà Purwatuning thiết lập một thư viện và ngôi nhà vui chơi tại khu vực không được sử dụng trong nhà của mình, cách Kojem chưa đầy 1km. Bà cũng tổ chức các buổi chiếu phim cho trẻ em trong khu vực tại thư viện này. Người phụ nữ 42 tuổi này cũng dành thời gian để dạy trẻ em đọc, viết và làm toán đơn giản.

“Tôi đã tự mình làm mọi thứ. Tôi có 100 học sinh. Lớp học trở nên quá tải và vì vậy, tôi bắt đầu tìm kiếm các tình nguyện viên”, bà Purwatuning nói.

Bên cạnh đó, bà cũng tích cực kêu gọi quyên góp để tài trợ cho phí kiểm tra trình độ tương đương của học sinh, có thể dao động từ 600.000 - 900.000 rupiah (41 - 62 USD) đối với mỗi học sinh.

Trong khi đó, các lớp học buổi sáng dành riêng cho trẻ nhỏ không có khả năng đến mầm non. Bởi, đây là một điều xa xỉ đối với nhiều gia đình có thu nhập thấp ở Indonesia.

Yogi Pratama Putra (14 tuổi) - học sinh tại Rumah Belajar Merah Putih chia sẻ, lịch học tại trường đã mang lại cho cậu sự linh hoạt cần thiết.

“Buổi sáng, em có thể giúp cha câu cá. Buổi chiều, em giúp mẹ dọn dẹp. Em từng rất ghét trường học. Em muốn làm việc và kiếm tiền. Nhưng em không còn thấy như vậy ở Rumah Belajar Merah Putih”, Putra nói.

Mới đây, Putra đã lấy bằng tốt nghiệp tiểu học và hiện tiếp tục ôn tập cho bài kiểm tra trình độ THCS. Trong khi đó, một học sinh khác - Tegar Mahendra, cho biết đã nghỉ học ở lớp hai ngay sau khi mẹ qua đời. 

Chàng trai 17 tuổi cho biết đã làm những công việc lặt vặt từ khi lên 10. Cậu gia nhập Rumah Belajar Merah Putih cách đây 5 năm và đang ôn tập cho bài kiểm tra trình độ THCS.

“Tôi biết ơn sự giáo dục mà tôi có. Nếu không, tôi có thể sẽ sa đà vào các tệ nạn, bởi đó là những gì diễn ra xung quanh tôi trong khu phố này. Tôi muốn trở thành một doanh nhân. Bằng cách đó, tôi có thể tạo công ăn việc làm cho những người khác”, Putih chia sẻ. 

Theo CNA

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.