Rahima Malik (29 tuổi) là giáo viên hợp đồng tại Trường Tiểu học Folangkai, tỉnh Đông Nusa Tenggara (Indonesia). Sau 4 năm làm nghề, Malik chia sẻ, việc dạy học của cô đầy thách thức, đặc biệt là khi đại dịch bùng phát.
Sau khi chính phủ ra lệnh đóng cửa trường học và áp dụng giảng dạy trực tuyến, Malik không thể gặp HS của mình suốt gần hai tháng. “Tuy nhiên, việc học trực tuyến ở ngôi trường này là không thể”, nữ giáo viên chia sẻ.
Malik cho biết, hầu hết HS trong trường không có điện thoại di động hoặc máy tính xách tay. Thậm chí, không phải phụ huynh nào cũng có điện thoại di động. Vì vậy, cô không có phương tiện liên lạc với HS trong thời gian trường đóng cửa, trừ khi đến thăm từng người một.
Để bảo đảm một số hình thức học tập vẫn diễn ra giữa đại dịch, Malik quyết định ghé qua nhà của HS để giao bài tập cho các em. “Hầu hết HS đều hoàn thành bài tập về nhà. Tôi rất nhớ việc dạy học, bởi chúng tôi thường cười rất nhiều khi ở trường”, cô nói.
Bộ GD Indonesia cho biết, có ít nhất 3,1 triệu giáo viên trên khắp toàn quốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ khi các trường đóng cửa, chương trình GD đã được phát sóng trên Đài Truyền hình quốc gia TVRI. Tuy nhiên, Malik cho biết ngôi làng nơi cô sống không có tín hiệu để truy cập vào TVRI.
Là một giáo viên hợp đồng, Malik nhận được tiền lương từ chương trình trợ cấp của trường - BOS. Khoản tài trợ được chính phủ chuyển trực tiếp đến các trường sẽ tùy vào tình trạng và số lượng HS tại đó.
Malik chia sẻ, thu nhập của cô là khoảng 150.000 rupiah (10 USD) mỗi 3 hoặc 6 tháng, dù mức lương tối thiểu hằng tháng ở tỉnh Đông Nusa Tenggara là 1,95 triệu rupiah. Nữ giáo viên 29 tuổi thường kiếm thêm thu nhập bằng việc rang hạt cà phê và nghiền thành bột để bán. Kể từ tháng 1, một tổ chức phi chính phủ địa phương đã giúp Malik, bằng cách cung cấp cho cô 500.000 rupiah mỗi tháng và đôi khi là lương thực.
Trong khi đó, Ridwan Sitorus (30 tuổi) - một giáo viên dạy kinh Quran ở huyện Toba Samosir, tỉnh Bắc Sumatra cũng đang “quay cuồng” với Covid-19. Trước khi dịch bệnh bùng phát, anh có khoảng 20 HS, từ người học mầm non đến trung học.
Từ năm 2017, nam giáo viên này được một tổ chức phi chính phủ cung cấp một địa điểm để dạy kinh Quran. Tuy nhiên, sau khi đại dịch bùng phát, tổ chức phi chính phủ quyết định đóng cửa các cơ sở và tiến hành học trực tuyến.
“Chúng tôi không thể tiến hành học trực tuyến vì một số sinh viên sống ở những khu vực không có kết nối Internet”, anh Sitorus nói. Một số phụ huynh cũng có hoàn cảnh khó khăn và không thể dạy con của họ. Do đó, anh Sitorus thường đến thăm HS.
Tỉnh Bắc Sumatra không thực hiện các hạn chế xã hội quy mô lớn và chỉ phong tỏa một phần. Chính quyền địa phương cũng được yêu cầu thực thi các quy định về giữ khoảng cách và áp dụng biện pháp trừng phạt đối với những người không tuân thủ.
Cư dân ở Toba Samosir đã ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 bằng cách hạn chế tiếp xúc. Người dân địa phương chỉ được phép gặp nhau trong 5 phút, dù không có trường hợp mắc bệnh nào được báo cáo tại khu vực này kể từ cuối tháng 5.
Tuy nhiên, là một giáo viên, Sitorus được người dân địa phương cho phép gặp HS tối đa 30 phút. Điều này vẫn được coi là một thách thức đối với anh, khi không có phương tiện đi lại là xe buýt công cộng như thường lệ.
Nam giáo viên chia sẻ, anh ưu tiên người học mẫu giáo và tiểu học, vì những HS lớn hơn có thể tự học. Mỗi tuần, anh Sitorus thường đến thăm khoảng 10 HS. Trong khi đó, một số HS THCS có thể liên lạc và trao đổi với thầy, bởi các em có điện thoại di động.
“Các HS hiểu rằng, Covid-19 là dịch bệnh nguy hiểm, vì vậy họ không bận tâm đến những thay đổi trong việc học”, thầy giáo 30 tuổi nói.