Theo đó, IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm 2016 và đạt 6,2% năm 2017, trong khi quốc gia láng giềng Thái Lan chỉ ở mức khiêm tốn: 3% năm 2016 và 3,2% năm 2017.
Báo cáo của IMF đánh giá nền kinh tế Việt Nam chính là một trong những động lực tăng trưởng của khu vực, cùng với Singapore, Thái Lan, Indonesia… Theo IMF, kinh tế khu vực châu Á vẫn tăng trưởng mạnh trong năm 2016, ở mức 5,3%. Tỷ lệ tăng trưởng khả quan này nhờ nhu cầu nội địa bù đắp cho suy giảm kinh tế do hoạt động thương mại toàn cầu giảm sút gây ra.
IMF cho rằng, Ấn Độ vẫn sẽ là một trong các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới với mức tăng trưởng 7,5% năm 2016, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản sẽ giảm mạnh trong hai năm tới.
Cũng theo IMF, biện pháp kích thích kinh tế của các Chính phủ, giá hàng hóa hạ và tỉ lệ thất nghiệp thấp sẽ là động lực giúp khu vực châu Á tăng trưởng. Tuy nhiên, IMF cảnh báo, khu vực này đang đứng trước các thách thức bên ngoài như hoạt động suy giảm của các nền kinh tế tiên tiến, hoạt động thương mại toàn cầu giảm sút, các thị trường tài chính toàn cầu ngày càng biến động…
Trước đó, tại cuộc họp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam vào trung tuần tháng 3/2016, bà Christine Lagarde - Tổng Giám đốc điều hành IMF đã có một số nhận xét về tình hình hiện tại của nền kinh tế Việt Nam; trong đó đưa ra nhận định rằng Việt Nam có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng từ những cú sốc kinh tế ngoài nước nếu không đưa ra những biện pháp kịp thời để củng cố hệ thống ngân hàng cũng như chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Bà Lagarde khuyên Việt Nam cần phải có những bước đi chiến lược hơn đối với tỷ giá hối đoái để làm mềm những cú sốc kinh tế từ nước ngoài và xây dựng lượng dự trữ bên ngoài. Ngoài ra, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và giải quyết nợ xấu tại các ngân hàng sẽ bù đắp sự già hóa dân số trong độ tuổi lao động và cũng có thể là chìa khoá cho tăng trưởng trong tương lai…