IAEA nghi ngờ lò phản ứng hạt nhân thứ hai của Triều Tiên hoạt động lần đầu

GD&TĐ - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) mới đây cho biết, một lò phản ứng mới của Triều Tiên dường như đang hoạt động lần đầu tiên.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế

“Triều Tiên trong nhiều năm đã dùng nhiên liệu đã qua sử dụng từ lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt tại cơ sở hạt nhân Yongbyon để sản xuất plutonium cho kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng việc xả nước ấm từ lò phản ứng nước nhẹ lớn hơn là dấu hiệu cho thấy lò phản ứng thứ hai cũng đang được đưa vào hoạt động”, IAEA cho biết.

“Việc xả nước ấm là dấu hiệu cho thấy lò phản ứng đã đạt tới mức tới hạn. Điều đó có nghĩa là phản ứng dây chuyền hạt nhân trong lò phản ứng là tự duy trì”, Giám đốc IAEA Rafael Grossi nói.

IAEA đã không được tiếp cận Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng trục xuất các thanh sát viên của nước này vào năm 2009.

Cơ quan này hiện quan sát nước này chủ yếu bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh. Ông Grossi cho biết, nếu không có quyền truy cập, IAEA không thể xác nhận tình trạng hoạt động của lò phản ứng.

Theo IAEA, họ đã quan sát thấy một dòng nước chảy mạnh từ hệ thống làm mát của lò phản ứng nước nhẹ kể từ tháng 10/2023, cho thấy lò phản ứng đang được vận hành thử.

“Lò phản ứng hạt nhân này, giống như bất kỳ lò phản ứng hạt nhân nào, có thể sản xuất plutonium trong nhiên liệu được chiếu xạ, có thể tách ra trong quá trình tái xử lý, vì vậy đây là một nguyên nhân gây lo ngại”, ông Grossi nói, đồng thời cho biết thêm rằng, tiến bộ của chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “vô cùng đáng tiếc”.

Nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) James Martin ở California cũng kết luận rằng, lò phản ứng rất có thể đang hoạt động, đồng thời nói thêm rằng, nó có thể là “nguồn vật liệu hạt nhân quan trọng” cho chương trình vũ khí hạt nhân, vốn bị cấm theo các nghị quyết của HĐBA LHQ.

Trong một báo cáo tháng 4/2023, Viện Khoa học và An ninh Quốc tế có trụ sở tại D.C. ước tính lò phản ứng nước nhẹ “có thể cho phép tăng lượng plutonium với tốc độ ước tính khoảng 20 kg plutonium mỗi năm, lớn hơn gấp 4 đến 5 lần so với lò phản ứng nhỏ liền kề".

Nghiên cứu đó kết luận rằng, Triều Tiên có thể có từ 31 đến 96 đầu đạn hạt nhân, tùy thuộc vào loại thiết bị được chế tạo và loại nhiên liệu nào đang được sử dụng.

Tin tức về hoạt động của lò phản ứng được đưa ra khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong tuần này cho thấy Bình Nhưỡng sẽ không ngần ngại tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nếu kẻ thù khiêu khích họ bằng vũ khí chiến lược.

Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân; lần cuối cùng là vào năm 2017.

Hoạt động tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã dẫn đến nhiều tháng suy đoán rằng, nước này có thể tiếp tục thử vũ khí hạt nhân khi tìm cách thu nhỏ đầu đạn để sử dụng trong tên lửa đạn đạo.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.