Xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo cần sự đồng lòng, đồng thuận tham gia của các thành viên nhà trường. Sau khi tham gia khóa học, lúc đầu tôi đưa ra những kế hoạch đổi mới chương trình nhanh hơn nhưng sau đó không thể triển khai được. Và tôi phải giảm tốc độ đi một chút. Vậy nên đôi khi vừa phải quyết liệt trong chỉ đạo, vừa phải có phương pháp mềm dẻo.
Đó là PGS.TS Đỗ Anh Tài – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên).
Chính vì ở cương vị quản lý trường đại học, nên thầy Đỗ Anh Tài học kiến thức chuyên môn về xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo nhưng lại thấy mình cũng rút ra được rất nhiều bài học trong công tác quản lý, để thấy tự tin hơn về việc có thể đổi mới, có thể dẫn dắt mọi người, có thể thành công!
Chia sẻ với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại, thầy Đỗ Anh Tài cho biết: Khóa học cung cấp cho chúng tôi rất nhiều kiến thức để thay đổi chương trình đào tạo. Các chuyên gia chia sẻ từ việc thiết kế chuẩn đầu ra như thế nào đến việc thiết kế dòng kiến thức để phù hợp với chuẩn đầu ra đó, rồi toàn bộ khung chương trình, phương pháp đổi mới, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá… giúp chúng tôi hiểu biết để đổi mới, xây dựng một chương trình đào tạo thì cần bắt đầu từ đâu, làm những việc gì, làm như thế nào...
Cái hay của khóa học là sau khi học xong lý thuyết, chúng tôi được các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ để áp dụng luôn kiến thức trong thực tiễn đơn vị công tác. Và trở về từ khóa học, tôi đã triển khai đề án đổi mới chương trình đào tạo của Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh. Trong 6 tháng vừa rồi, tôi đã xây dựng xong về chương trình. 6 tháng tiếp theo sẽ điều chỉnh toàn bộ đề cương các môn học và có thể vận dụng được ngay. Sau 2 năm, chúng tôi sẽ thực hiện rà soát lại, những điểm gì chưa hợp lý sẽ tiếp tục điều chỉnh.
* Theo thầy, để đổi mới chương trình đào tạo trong trường đại học thành công, bài học kinh nghiệm thầy rút ra được là gì?
- Theo tôi, để thành công được thì việc đầu tiên là phải đổi mới ở tốp cao nhất, từ đó lan tỏa ra các tốp thấp hơn, cần sự đổi mới về tư duy, đồng thuận, đoàn kết.
Trước đây, việc xây dựng và đổi mới chương trình cứ 2 năm diễn ra một lần nhưng hầu như chưa có sự thay đổi, vẫn theo kiểu mình có gì thì dạy cái đó, không gắn với nhu cầu của xã hội. Bây giờ gần như phá hết chương trình đào tạo cũ đi, xây dựng chương trình mới vì lợi ích của sinh viên. Trong bối cảnh khó khăn không có đủ nguồn lực về tài chính, nhà trường không cho thêm giảng viên được bất cứ cái gì nhưng động viên và cho mọi người thấy việc đổi mới là yêu cầu sống còn cho chính bản thân họ thì các giảng viên sẽ nhiệt tình tham gia.
Tham gia khóa học còn giúp tôi có được cái nhìn khác về công tác quản lý. Khi được sang Úc tiếp cận với Trường ĐH Công nghệ Queensland (QUT) và các trường ĐH khác, thấy được cách quản lý của họ, tôi cũng đã rút ra những bài học cho mình: Đổi mới chương trình đào tạo mà quản lý không đổi mới theo thì không thể được. Đó chính là lý do mà trong báo cáo cuối khóa, tôi nhấn mạnh đến việc phải thay đổi từ quy định quản lý, bộ phận quản lý rồi mới đến đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo.
Thầy Đỗ Anh Tài báo cáo thuyết trình cuối khóa học |
* Việc đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội gắn bó mật thiết với các doanh nghiệp, nhất là với các ngành về kinh tế, quản trị kinh doanh. Vậy bóng dáng doanh nghiệp thể hiện như thế nào trong chương trình đào tạo mới của nhà trường?
- Đúng là các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến nhà trường so với thời gian trước đây. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang theo hướng sẽ sử dụng cái gì tốt nhất do nhà trường cung cấp chứ không đóng góp nhiều trong chương trình đào tạo.
Hiện vai trò của doanh nghiệp thể hiện rõ nét nhất trong việc thực tập và hỗ trợ một chút trong việc tham gia điểu chỉnh chương trình. Trường chúng tôi chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác với các Hiệp hội du lịch, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ và một số doanh nghiệp nước ngoài. Nhà trường thường tổ chức Hội chợ việc làm cho sinh viên năm cuối. Mỗi dịp như vậy thường có hàng trăm doanh nghiệp đến tuyển dụng. Và chúng tôi đang cố gắng mời gọi các doanh nghiệp hỗ trợ về chương trình đào tạo, xây dựng chương trình, tham gia một số bài học…
* Một trong những mục tiêu của khóa học là đào tạo những hạt nhân tiên phong để lan tỏa kiến thức, truyền cảm hứng đổi mới đến các đồng nghiệp khác trong nhà trường. Với vai trò là một nhà quản lý trường đại học, thầy có cho rằng sứ mệnh lan tỏa, truyền cảm hứng đổi mới của mình có thuận lợi hơn các bạn học khác?
- Tôi từng trao đổi với các chuyên gia Úc, rằng trong việc đổi mới nhà trường, bản thân tôi sẽ có những điểm thuận lợi hơn so với các bạn đồng nghiệp theo học là lãnh đạo cấp trung và giảng viên. Tôi có thể có phạm vi chỉ đạo rộng hơn, và trong quá trình chỉ đạo triển khai đổi mới, nếu anh em chưa hiểu hoặc không làm được, tôi có thể đến tận nơi để trao đổi, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.
Chính vì vậy, khi thuyết trình cuối khóa học, tôi có đưa ra ý kiến muốn đổi mới chương trình thành công thì cần tập huấn trang bị kiến chức cho nhóm lãnh đạo cấp cao của trường đại học. Rất mong Aus4Skills tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng để những người đi học rồi có cơ hội học tiếp các khóa học khác, để người quản lý thì hiểu về cách thức xây dựng, đổi mới chương trình, còn các giảng viên thì mở rộng tầm nhìn, hiểu về chiến lược, có như vậy mới đồng bộ và hiệu quả.
* Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
Bình luận