Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang): “Ngâm” lương hưu, phụ cấp nhiều nhà giáo

Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang): “Ngâm” lương hưu, phụ cấp nhiều nhà giáo

Nghỉ hưu 6 tháng chưa được nhận lương

Đó là hoàn cảnh của cô Nguyễn Thị Cảnh, giáo viên Trường TH - THCS thị trấn Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Theo cô Cảnh, mặc dù đã nhận quyết định nghỉ hưu hơn 6 tháng nhưng cô vẫn chưa được giải quyết chế độ chính đáng bao gồm lương hưu và các chế độ liên quan như bảo hiểm y tế.

Chiều 13/4, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Ninh Thành Viên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho biết đã nắm thông tin vụ cô giáo nghỉ hưu 6 tháng không được nhận lương. Theo ông Viên, cô Nguyễn Thị Cảnh đã phản ánh với nhiều nơi về việc quyết định nghỉ hưu của cô ghi không đúng. Theo cô Cảnh, chức danh nghề nghiệp của cô là “giáo viên”, tuy nhiên trong quyết định nghỉ hưu của cô ghi là “nhân viên thư viện”.

Việc ghi sai chức danh nghề nghiệp này đã ảnh hưởng đến phụ cấp, lương và các khoản khác của cô Cảnh. Để bảo đảm quyền lợi của mình, cô Cảnh mong muốn các cơ quan chức năng ghi đúng chức danh nghề nghiệp của cô khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, vụ việc này chưa được giải quyết rốt ráo thì cô Cảnh tiếp tục gặp khó khăn khi không được nhận lương từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu.

Về vấn đề này, ông Ninh Thành Viên cho biết thêm, cô Cảnh bị chậm giải quyết chế độ và các khiếu nại do rơi vào hoàn cảnh chung của huyện. Hiện nay, lãnh đạo UBND huyện và Phòng GD&ĐT huyện đã thay đổi, lại rơi vào thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19 nên mọi việc bị chậm. Hiện Sở đã nắm được sự việc, sớm có chỉ đạo Phòng GĐ&ĐT huyện Vĩnh Thuận phối hợp với cô Cảnh để giải quyết. Còn lương và bảo hiểm xã hội của cô Cảnh, do UBND huyện Vĩnh Thuận và các đơn vị liên quan xử lý.

Thẳng tay cắt chế độ phụ cấp, ưu đãi

Trước đó, vào tháng 11/2019, Báo GD&TĐ có phản ánh vụ việc nhiều nhà giáo ở huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) bị cắt, chặn chế độ phụ cấp thâm niên và ưu đãi nhà giáo. Theo đó, có hàng trăm giáo viên ở huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) bất ngờ… được điều động làm công tác văn phòng như kế toán, văn thư, thiết bị, thư viện… Lý do được Phòng GD&ĐT đưa ra là do tình trạng thừa giáo viên nhưng thiếu nhân viên làm công tác nói trên nên Ban giám hiệu tạm thời phân công làm nhân viên văn phòng… cho dù trước đó họ được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp (giáo viên) theo cấp học của trình độ chuyên môn.

Không chỉ bị điều động khi đang là giáo viên, các thầy, cô còn bị cắt cả phụ cấp ưu đãi, thâm niên trong khi các cơ sở giáo dục vẫn trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có tính kèm phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi!

Đơn cử là trường hợp như cô giáo Nguyễn Thị Cảnh (Trường TH - THCS thị trấn Vĩnh Thuận) có hàng chục năm đứng lớp, bị điều động làm nhân viên thư viện tạm thời. Đến khi cô xin nghỉ hưu trước tuổi bị ghi chức danh “nhân viên thư viện”. Cách làm việc trái khoáy này khiến mấy chục năm đứng lớp, cùng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi của cô bị phủi bỏ!

Trước phản ứng của nhiều giáo viên, ông Huỳnh Minh Tâm - lúc đó là Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận có văn bản báo cáo giải trình với nội dung: “Năm học 2018 - 2019, các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn có 64 giáo viên được phân công làm nhân viên văn phòng. Tất cả có trình độ chuyên môn chuyên ngành sư phạm, đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức là giáo viên. Do tình trạng thừa giáo viên nhưng thiếu nhân viên làm công tác văn phòng như kế toán, văn thư, thiết bị, thư viện… nên Ban giám hiệu tạm thời phân công làm nhân viên văn phòng. Do làm công tác văn phòng, không trực tiếp giảng dạy nên không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nhà giáo của Chính phủ”.

Sau khi phản ánh, Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang chỉ đạo UBND, Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận vào cuộc. UBND huyện Vĩnh Thuận đã thành lập tổ công tác để xác minh, làm rõ những bức xúc của nhà giáo. Theo tinh thần chỉ đạo của Công văn số 1396/SNV-TCCCCVC, UBND huyện Vĩnh Thuận: “Giao Phòng Nội vụ phối hợp Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện xem xét các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và chế độ bảo hiểm xã hội đối với nhà giáo, có trường hợp cô Nguyễn Thị Cảnh, giáo viên Trường TH - THCS thị trấn Vĩnh Thuận, thuộc Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận; đề xuất hướng xử lý. Thời gian hoàn thành báo cáo gửi Sở Nội vụ, UBND huyện chậm nhất ngày 18/11/2019”.

Tuy nhiên, đến nay trường hợp của cô Nguyễn Thị Cảnh và nhiều nhà giáo khác vẫn chưa được giải quyết. Nhiều nhà giáo nhận quyết định nghỉ hưu 5 - 6 tháng mà chưa được nhận lương!

Đối với các ngạch viên chức chuyên ngành GD-ĐT (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) hoặc các hạng viên chức chuyên ngành GD-ĐT (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07) khi điều động phải thận trọng. Vị trí việc làm của đối tượng này là giáo viên, nếu không đứng lớp thì không có phụ cấp đứng lớp; nhưng phụ cấp thâm niên họ phải được hưởng. Nếu cắt phụ cấp thâm niên là sai. -  ông Ninh Thành Viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ