Từ bỏ vinh hoa
Suốt 9 thế kỷ trôi qua, Lễ hội tổng Nam Phù vẫn được bảo lưu và trở thành một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất của huyện Thanh Trì và Thường Tín (Hà Nội). Với giá trị to lớn về lịch sử - văn hóa và tín ngưỡng, Bộ VH,TT&DL đã có quyết định ghi danh lễ hội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là minh chứng cho những giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ, là biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng, nơi truyền thống được tôn vinh và giá trị văn hóa được thắp sáng hôm nay và mai sau.
Theo bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Lễ hội tổng Nam Phù không chỉ nằm ở chiều dài lịch sử với truyền thống hơn 900 năm, mà còn ở sự lan tỏa rộng khắp cả không gian và tâm thức cộng đồng. Sáu ngôi chùa linh thiêng trải dài trên địa bàn huyện Thanh Trì và Thường Tín đã tạo nên hệ thống liên kết tâm linh vững chắc, biểu tượng của sự hòa hợp, đoàn kết gắn bó bền chặt.

Huyện Thanh Trì hiện có 154 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 88 di tích được xếp hạng. Huyện có 45 lễ hội truyền thống nhưng tiêu biểu nhất là Lễ hội tổng Nam Phù - nghi lễ thiêng liêng nhằm tri ân nhị vị Bồ Tát Lý Từ Thục và Lý Từ Huy - hai công chúa triều Lý đã từ bỏ vinh hoa nơi cung cấm để tu hành, hoằng dương Phật pháp và mang lại cuộc sống an hòa cho dân.
Theo các nguồn sử liệu và giai thoại dân gian, vua Lý Thánh Tông có hai người con song sinh là công chúa Lý Từ Thục và Lý Từ Huy đến tuổi cập kê nhưng không chịu lấy chồng mà rời cung điện xuất gia tu tập. Thời ấy, vua muốn bình yên Chiêm Thành và vỗ về các quan lang châu mục, để kết tình giao hảo giữa nước Việt với các nước chư hầu, đem phần lớn công chúa gả cho các châu mục. Trong số những công chúa ấy có cả nhị vị sư tổ cũng bị triệu về kinh để lấy chồng.
Với tấm lòng mến mộ Phật pháp, hai nàng công chúa đã quyết chí tu hành, được nhân dân tổng Nam Phù rước về núi Trúc để ẩn mình và tu tập. Vua cha vì quá thương các con đã cho đốt chùa để hai nàng trở về. Nhưng ý chí không hề lay chuyển, hai nàng lại về xã Đông Mỹ lập chùa Hưng Long. Vua cha không biết làm cách nào đành cho hai con chút tiền vàng để làm kế sinh nhai.
Triều đình lúc đó chia nước thành các lộ, chia lộ cho các công chúa đến ở và cai quản dân chúng. Công chúa Lý Từ Thục và Lý Từ Huy thấy đất tổng Nam Phù phong cảnh hữu tình, thế đất địa linh, voi chầu hổ phục… đã xin vua cha ban cho đất Nam Phù tổng.
Đầu tiên, nhị vị công chúa dừng chân trên đỉnh Trúc Lĩnh (tức là núi Trúc), thấy giữa đồng bằng nổi lên một ngọn núi hình đầu rồng, trên đó có rất nhiều tre trúc. Phía mặt tiền có đường Thiên Lý, có sông Tô Lịch nhiễu quanh, lại có án tiền là “gò Đình Yến”. Bên hữu núi Trúc có nhiều gò nổi, ngọn đều chầu về phía núi trúc, trông tựa tràng phan, bảo cái. Thấy đây là đất địa linh, dân chúng nhân hậu, nhị vị công chúa dừng chân, lập am tu hành.
Sống vì dân khi thác được thờ
Thấy dân tổng Nam Phù vẫn còn cảnh đói nghèo, không có ruộng canh tác, với tấm lòng từ bi, hai nàng đã chia 3.000 mẫu ruộng cho 10 làng, xuất hết tiền vàng nữ trang của mình để cấp vốn cho dân khai khẩn ruộng đất, trồng dâu nuôi tằm, dậy nghề thủ công, làm bánh chưng, bánh nếp, bánh gai, bánh dày ở làng Tranh Khúc; nghề bún, đậu phụ ở làng Đông Phù (Đông Mỹ).
Khi nông nhàn, tháng Ba ngày Tám, hai nàng dạy cho dân làng Tự Khoát nghề đan thúng, mủng, rổ, rá. Nhờ đó, dân làng Tự Khoát có nghề đan thúng nổi tiếng.
Năm Ất Hợi (1095) niên hiệu Hội Phong thứ 4, hai bà thấy sự tu hành đã đạt tới chính quả bèn cho hạ thông lập am dưới đất nơi giáp ranh giữa hai làng Đông Phù (xã Đông Mỹ, Thanh Trì) và làng Ninh Xá (xã Ninh Sở, Thường Tín) để chuẩn bị về cõi niết bàn.
Hai bà tắm gội sạch sẽ rồi cùng hai vị thị giả mang hương nến, trầu cau xuống am thu thần thị tịch. Đến khi dân của 10 làng không nghe thấy tiếng mõ cùng hương khói bốc lên là lúc hai bà đã hóa về cõi Phật.
Tương truyền, làng Ninh Xá ở gần đó biết tin sớm nhất nên được vinh là chủ lăng và được làm chủ chính trong lễ rước kiệu ngày hội. Nơi đây được nhân dân trong vùng xây thành lăng gọi là lăng Liên Hoa rất linh thiêng.
Để tỏ lòng tri ân công đức to lớn của hai vị Bồ Tát, dân địa phương đã tạc tượng thờ tại các chùa Hưng Long, Hưng Phúc, Phổ Quang, Thanh Liên, Linh Quang. Đến đời Lê sơ, hai công chúa được triều đình ban chiếu sắc phong làm Đại Thánh Bồ Tát.
Cứ mỗi độ tháng Ba âm lịch, trên khắp vùng tổng Nam Phù lại rộn ràng trống hội - một trong những nét văn hóa tâm linh đặc sắc, độc đáo của vùng đất Thanh Trì - Thường Tín. Được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 hằng năm, lễ hội là dịp để nhân dân thành kính tưởng nhớ và tri ân hai vị Đại Thánh Bồ Tát hóa thân vì dân, để lại dấu ấn đậm sâu trong đời sống tâm linh người Việt.
Nghi thức tế lễ đặc sắc, độc đáo, tuân theo tục lệ của cộng đồng hàng Tổng đặt ra từ xa xưa, ẩn chứa tâm linh, tâm tính dân tộc. Để chỉ huy lễ hội, các lễ rước phải chuẩn bị kỹ trước hàng tháng trời, vì không gian là cả tổng nên lượng người tham gia rất đông với nhiều thành phần.
Cao nhất là ông Câu Đương do hàng Tổng cử ra, thường là người có chức sắc, học vấn. Giúp việc chuyên môn có ông Tham Thị, giúp việc trật tự có ông Tuần Xước, giúp việc nghi lễ có ông Xuất Nghi. Còn 10 làng cử 10 ông Cai phụ trách làng mình.
Trong lễ rước kiệu, mỗi kiệu có Ông Khởi - chỉ huy. Tổng chỉ huy cả đoàn rước có Ông Tổng Cờ mặc áo ngắn trắng, quần trắng, thắt lưng, nhiễu điều có tay thước hoặc lá cờ đuôi nheo. Bên cạnh các nhà sư, còn có các ông Thống tham gia cúng lễ, kết hợp giữa nghi lễ Phật giáo và dân gian.


Độc đáo, linh thiêng lễ hội hàng Tổng
Từ ngày 14/3 (âm lịch), dân làng bắt đầu lễ rước nước về chùa để làm lễ mộc dục tượng nhị vị Bồ Tát. Nước phải được lấy ở giữa dòng sông Hồng, tại bến Tranh Khúc. Dân làng Tranh Khúc phải lo chuẩn bị thuyền.
Đi đầu là đội múa lân, đội sinh tiền vừa múa vừa gõ nhạc, hương án do bốn nam thanh niên khiêng, đội nhạc lễ dạo những bản nhạc tiết tấu cung đình, sau đó là kiệu rước nước do bốn cô gái thanh tân được tuyển chọn khiêng.
Đoàn rước đi theo triền đê xuống làng Tranh Khúc. Đoàn dừng lại tại miếu Bóng để lễ thủy thần. Một ông Thống (thầy cúng) đọc bài sớ để xin Hà Bá thủy thần cho mang nước về làm lễ mộc dục. Trong khi tiến hành nghi lễ, cử nhạc chiêng trống và sau khi cúng xong tổ chức xuống thuyền.
Sau khi múc nước đã đủ 18 gáo (mỗi bà 9 gáo) thì đoàn thuyền quay về cập bến lên bờ. Cả đoàn rước quay lại chùa Hưng Long. Khi rước nước về chùa thì chỉ những người được chọn mới vào nơi thờ nhị vị làm lễ mộc dục.
Chóe nước thiêng đưa vào tòa thờ, pha ra với nước ngũ hương bao sái tượng nhị vị và thay áo. Trước khi khoác áo mới cho tượng, ni sư dùng miếng vải đỏ mới, lau khô tượng (lau xong xé nhỏ vải chia cho mọi người lấy lộc).
Để tưởng nhớ công ơn hai nàng công chúa đã truyền nghề, cứ đến lễ hội, dân 10 làng lại cùng nhau thi tay nghề truyền thống. Đặc biệt, ngoài thanh bông hoa quả hiến cúng tổ phải có bánh dầy thơm dẻo tinh khiết.
Ngày hôm sau bắt đầu chính hội hàng tổng, các chùa mở cờ trống, chiêng, thanh la, não bạt, quân nào quân ấy chỉnh tề rước hương án, long đình, kiệu võng, kiệu bát cống đi xuống lăng Liên Hoa hành lễ.
Đi trước kiệu có hai trinh nữ, một mang tấm biển sơn son thếp vàng với 4 chữ “Lý triều đế nữ”, trinh nữ kia vác thanh gươm - biểu trưng nữ tướng hộ kiệu võng, hai bên có hai thanh nữ cầm quạt che.
Buổi chiều, lễ tế chính hội được diễn ra vào lúc xế chiều do đội tế nam của làng Tương Trúc và Tự Khoát đảm nhiệm. Tiếp theo là lễ dâng hương hiến cúng của đội tế nữ. Xưa kia, trong ngày này làng Đông Phù tổ chức đốt pháo bông và hát xướng.
Ngày 16/3, đoàn rước hội lại tề chỉnh làm lễ tạ và rước kiệu về chùa Hưng Phúc - nơi hai nàng công chúa về tu đầu tiên. Sau khi an vị hương án tại chùa Hưng Phúc thì cử hành lễ tạ và cũng là lễ hạ hội. Đến gần trưa thì đoàn rước của các chùa hồi quy bản tự. Duy có làng Ninh Xá, đoàn rước phải ghé vào lăng Liên Hoa làm lễ rồi mới được về làng.

Lễ hội tổng Nam Phù là một lễ hội lớn được tổ chức rất quy mô và hoành tráng, có sự tham gia của rất nhiều người. Xen kẽ trong ngày hội có những trò chơi dân gian, âm nhạc truyền thống như: Hát quan họ, cải lương, chèo, thi làng nghề…
Điểm đặc sắc của Lễ hội tổng Nam Phù không chỉ nằm ở chiều dài 9 thế kỷ, mà còn ở sự lan tỏa rộng khắp cả không gian và tâm thức cộng đồng. Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội, UBND huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Cục Di sản văn hóa nghiên cứu, khảo sát, tập hợp tư liệu xây dựng hồ sơ di sản. Ngày 19/2/2025, Lễ hội truyền thống tổng Nam Phù được Bộ VH,TT&DL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giữa tháng 4/2025, huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín đã tổ chức Lễ kỷ niệm 930 năm nhị vị Đại Thánh Bồ Tát nhập niết bàn (1095 - 2025) và công bố quyết định ghi danh Lễ hội tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
“Trong thời gian tới, các xã liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lễ hội truyền thống tổng Nam Phù nói riêng và các di sản văn hóa nói chung theo phương châm “lấy người dân là trung tâm, chủ thể của các hoạt động”, biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển của mỗi địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc”, bà Lê Thị Hồng Thu - Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ (Thanh Trì).