Hàng năm, vào ngày mùng 8 đến 10/3 âm lịch, người dân lại nô nức về đền Thánh Nguyễn tại Gia Viễn (Ninh Bình) dự hội, tưởng nhớ vị Thiền sư nổi tiếng Nguyễn Minh Không.
Lễ hội tưởng nhớ Thiền sư
Lễ hội đền Thánh Nguyễn là một trong những lễ hội lớn và đặc sắc nhất của vùng Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình, được tổ chức để tưởng nhớ và tri ân đức Thánh Nguyễn Minh Không. Từ xa xưa, người dân làng Đàm Xá (làng Điềm) đã lưu truyền câu ca: Ai là con cháu làng Điềm/Làm ăn cư trú khắp miền gần xa/Nhớ ngày sinh Thánh làng ta/ Về dự lễ hội ông cha lưu truyền.
Theo sử liệu, thời gian lễ hội đền Thánh Nguyễn được tổ chức vào mùa Xuân vì theo quan niệm dân gian, đây là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, con người như được tiếp thêm sức mạnh, khí thế. Lễ hội đền Thánh Nguyễn còn được mở rộng tới các nghè miếu của hai xã Gia Thắng và Gia Tiến (Gia Viễn, Ninh Bình).
Trước ngày lễ hội chính thức, các nghè miếu kéo cờ, trang trí kiệu để rước bài vị từ nghè miếu về đền Nguyễn vào sáng mùng 8/3 âm lịch. Sau khi kết thúc các nghè miếu rước sắc, bài vị, kiệu về làm lễ yên vị tại nghè miếu. Không gian các nghè miếu ở các thôn xóm là không gian thứ hai của lễ hội.
Cũng giống như các lễ hội khác trong vùng như Đền Thái Vi, Hoa Lư... lễ hội đền Thánh Nguyễn cũng có 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ có mở cửa đền, mộc dục, cáo yết, rước bách thần, tế yên vị, dâng hương, rước nước và lễ tạ. Phần hội có phiên chợ làng Điềm, nhiều trò chơi dân gian, trưng bày triển lãm ảnh, giới thiệu tuyến, tour du lịch tìm về cội nguồn cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trình diễn trang phục.
Phần hội gồm các hoạt động văn hóa độc đáo, mang đậm dấu ấn gắn liền với những đóng góp to lớn của Thiền sư Nguyễn Minh Không trong sự nghiệp y học của dân tộc. Đây cũng là hoạt động nhằm bảo tồn các loại gen cây thuốc quý hiếm, các giống cây dược liệu bản địa, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm sức khỏe để đưa vào khai thác, phát triển du lịch địa phương. Với sự đặc sắc, độc đáo, lễ hội đền Thánh Nguyễn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2024.
Quốc sư Nguyễn Minh Không là một vị thiền sư nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời nhà Lý. Ông tên thật là Nguyễn Chí Thành quê ở Đàm Gia Loan (nay là xã Gia Thắng và Gia Tiến), học trò của nhà sư Từ Đạo Hạnh, sau đó đi tu ở chùa Vân Mộng rồi lại chuyển sang chùa Quốc Thanh (tức chùa Keo Nam Định), với pháp danh là Minh Không nên người đương thời và sau này gọi ông là Nguyễn Minh Không.
Nguyễn Minh Không là người thông hiểu đạo Phật, kiến thức uyên bác. Đặc biệt trong dân gian còn lưu truyền việc ông được trời ban cho cả “Thiên y thư” (sách thuốc của trời) để cứu nhân độ thế.
Thực tế ông là người ham học, lại có lòng nhân từ muốn cứu người nên gắng công tìm hiểu, học hỏi nghề y. Đặc biệt, ông đã chữa bệnh cứu được nhiều người mà không hề lấy công, còn giúp đỡ thêm cho những người nghèo lâm bệnh trọng qua khỏi bệnh tật, khó khăn.

Vớt kim trong chảo dầu sôi chữa bệnh cho vua
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Năm 1136, vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi cho vua được phong làm Quốc sư. Nguyễn Minh Không mất năm 1141, thọ 75 tuổi, tại nơi ông tu hành là xã Hàm Lý (Vĩnh Lại, Hải Dương), nhà vua sắc phong là “Phù Vân Quốc sư”.
Là một nhân vật có thật nhưng Thiền sư Nguyễn Minh Không cũng gắn nhiều với các huyền tích lạ kỳ. Trong truyền thuyết, bóng dáng Nguyễn Minh Không ẩn trong hình tượng ông Khổng Lồ có sức mạnh phi thường có thể dời non, lấp biển, hô phong hoán vũ…
Huyền tích cũng kể Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh là bạn thân từ nhỏ và cùng xuất gia với Giác Hải, và cùng nhau sang Tây Thiên tầm sư học đạo. Giữa đường, họ gặp cụ già chèo thuyền bèn hỏi đường.

Cụ già cho luôn con thuyền và cây gậy rồi chỉ đường sang Tây Thiên bằng cách đọc một bài kệ. Kệ đọc xong cũng là lúc họ cập bến Tây Thiên. Ba người học được nhiều phép lạ, đắc đạo, cùng trở về truyền bá Phật pháp.
Sau này Từ Đạo Hạnh đầu thai chuyển kiếp thành vua Lý Thần Tông rồi mắc phải bệnh lạ, mọi danh y đều bó tay. Chuyện kể rằng, trước khi “hóa” Đạo Hạnh đem thuốc và thần chú đưa cho Minh Không và dặn 20 năm sau khi Quốc vương bệnh nặng thì đến... Đạo Hạnh đầu thai là Dương Hoán, được vua Nhân Tông lập làm Hoàng thái tử và trao quyền kế vị với quốc hiệu Lý Thần Tông.
Lên ngôi chưa bao lâu, tháng 3 năm 1136 vua Lý Thần Tông bệnh nặng, mình mọc đầy lông lá, tiếng như hổ gầm, khiến trong triều ngoài nội đều sợ hãi... Minh Không được vời về kinh, các bậc danh y khi đó nhìn ông nghi ngờ, có người tỏ thái độ coi thường kẻ nhà quê biết gì đến thuốc men nơi cung cấm.
Nguyễn Minh Không lấy một cái đinh dài hơn 5 tấc rồi nắm tay lại thành búa đóng sâu vào cột lim và nói: “Ai rút được chiếc đinh này thì người đó sẽ chữa được bệnh cho Hoàng thượng”. Các danh y trổ tài nhưng không ai rút được. Cuối cùng, Minh Không dùng hai ngón tay kẹp lại nhẹ nhàng nhổ chiếc đinh ra khiến những người có mặt kinh sợ vái lạy.
Minh Không sai lấy một vạc dầu lớn cho đun sôi, thả vào một trăm chiếc kim rồi hỏi có ai tay không lấy chúng ra không. Tất cả nín thở khi thấy ông thò tay móc lên đủ số cây kim đã bỏ vào. Sau đó, ông dùng nước dầu sôi tắm cho nhà vua, khiến lông hổ trôi hết, mọi sự trở thành bình thường.
Không chỉ là một danh y, Nguyễn Minh Không còn được tôn là ông tổ nghề đúc đồng. Cùng với việc tạo nhiều công lao cho đất nước nên dân gian tôn sùng gọi ông là Đức Thánh Nguyễn. Trong lịch sử chỉ có hai người được dân phong thánh: Nguyễn Minh Không là Đức Thánh Nguyễn và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là Đức Thánh Trần.
Vùng đất quê hương Đức Thánh Nguyễn đến nay vẫn lưu truyền câu nói: “Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh Thánh” - ý nói Đại Hữu sinh ra vua Đinh Bộ Lĩnh, đất Điềm Dương sinh ra Thánh Nguyễn Minh Không.
Tại xã Hàm Lý - nơi ông tu hành và Điềm Xá, Điềm Giang - quê hương ông và rất nhiều địa phương, nhất là ở Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... đều lập đền thờ Minh Không. Theo thống kê, có tới 75 nơi có đền thờ, riêng ở Ninh Bình có 24 nơi thờ, Gia Viễn có 17 di tích liên quan Nguyễn Minh Không.

Dấu tích do tay Thiền sư xây dựng
Dù ở cương vị Quốc sư nhưng Thiền sư Nguyễn Minh Không không màng kinh thành hoa lệ mà trở về tu tập, dốc lòng nghiên cứu trồng cây thuốc Nam để trị bệnh cho dân. Khoảng năm 1121, Nguyễn Minh Không về quê Đàm Xá xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật - Viên Quang tự. Khi Nguyễn Minh Không mất, dân Đàm Xá tôn tạo thành đền Thánh Nguyễn.
Ngôi đền quay hướng Nam, hướng về cố đô Hoa Lư nên được xem như một di tích thuộc “Hoa Lư tứ trấn”. Các công trình kiến trúc của đền được bố trí trục dọc đăng đối theo đường thần đạo, hệ thống tường bao chạy dài dọc theo hướng Bắc Nam theo lối “thượng thu hạ thách”, che chắn cho các công trình kiến trúc trùng trùng lớp lớp.
Vào đền theo 2 hướng Đông Tây có 2 cột cờ hai bên cao vút. Đầu tiên là Vọng Lâu với kiến trúc theo kiểu 2 mái 3 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, được xây dựng trên nền chùa Viên Quang tự mà Nguyễn Minh Không đã lập vào năm 1121. Mặt trước Vọng Lâu đắp “lưỡng long chầu nguyệt”, mặt sau đắp “phượng hàm thư” là hai chim phượng ngậm cuốn thư. Vọng Lâu kiến trúc mở nên không có các cánh cửa.
Hai bên hồi Vọng Lâu, bên trái là cây sách, bên phải là cây đèn đá hình lục giác - biểu tượng của trí tuệ. Huyền thoại kể rằng cây đèn tự nhiên mọc lên, Nguyễn Minh Không đêm đêm ngồi bên cây đèn thắp sáng thiền định, đọc sách và chiêm nghiệm. Các loài chim loài thú về chầu xung quanh, ánh sáng cây đèn chiếu sáng tận tầng mây trên không.
Tiếp đến là sân chầu có hai lối vào đền qua hai cổng với hai dãy nhà Giải vũ. Đền Thánh Nguyễn có bốn tòa kiến trúc theo kiểu “tiền nhất hậu công”. Tiền bái 5 gian có bốn hàng cột, vì kèo theo kiểu “thượng rường hạ kẻ”.
Trong Tiền bái có 5 bức cửa võng ở cả 5 gian đều được sơn son thếp vàng, chạm lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh rất sinh động. Gian giữa trên cao ở phía ngoài có cuốn thư chạm khắc 4 chữ Hán “Thiên khải Thánh sinh” (có nghĩa là Trời sinh ra Thánh).
Tiếp theo là tòa đệ nhị gọi là tòa Đại bái, vì kèo cũng theo kiểu chồng rường, đôi xà cổ ngỗng giống với xà cổ ngỗng ở đền thờ vua Đinh ở cố đô Hoa Lư. Kiến trúc mang đậm kiến trúc dân gian độc đáo, hai mái giao nhau rất khớp về độ cao, ăn ý, hài hòa với nhau. Hai tòa đệ nhất và đệ nhị liền nhau tạo cho Tiền bái có một không gian rộng và sâu.
Trong cùng là chính tẩm năm gian, gian giữa có bài vị thờ Nguyễn Minh Không. Sau bài vị là bát hương bằng đồng, và tượng Nguyễn Minh Không bằng đồng thếp vàng ngồi trong tư thế thiền định. Gian phía Đông của chính tẩm có ban thờ bài bị Khải Thánh (cha mẹ Nguyễn Minh Không).

Gian phía Tây có ban thờ bài vị Tô Hiến Thành, người có tính cương trực, trọng nghĩa, khinh tài, một lòng trung thành vì dân, vì nước. Theo truyền thuyết thì Tô Hiến Thành chính là con cầu tự tại đền Thánh Nguyễn nên khi Tô Hiến Thành mất, vua Lý Cao Tông đã cho phối thờ ở đền thờ Thánh Nguyễn.
Phía sau chính tẩm của đền là gác chuông với hai tầng, tám mái, theo kiểu chồng diêm, được xây dựng toàn bằng gỗ lim. Gác chuông 8 mái theo kiểu chồng diêm. Theo văn bia ký ở đây cho biết ông Bùi Văn Khuê tức Mỹ Quận công ở Tri Phong, là tướng triều Lê, năm 1644 đã cho dỡ lầu Ngưng Bích của nhà Mạc ở Cao Bằng đem về đây dựng lập thành gác chuông chùa.
Gác chuông 3 gian, 4 hàng cột gồm 16 chiếc, treo một quả chuông nặng gần một tấn. Đền Thánh Nguyễn còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị như: Cây đèn đá, cột kinh, các văn bia đá cổ thời Lê và Nguyễn, sóc đá, gạch trang trí hoa văn thời Lê, hai chân tảng bằng đá thời Lý – Trần, các nhang án, khám thờ thời Lê, 51 sắc phong thời Lê và Nguyễn…
Đây là những tài sản văn hóa vô giá, góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Toàn cảnh khu đền là một công trình kiến trúc, điêu khắc đăng đối, hoành tráng theo lối kiến trúc chủ yếu của thế kỷ thứ 17 do bàn tay khéo léo của con người tạo nên, hòa nhập với núi sông, mây trời ở vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Trong khuôn khổ Lễ hội đền Thánh Nguyễn 2025, diễn ra 2 cuộc thi “Tìm hiểu sắc phong đền Thánh Nguyễn” và “Vẽ họa tiết đền Thánh Nguyễn” với sự tham gia của đông đảo giáo chức các trường học và học sinh. Cuộc thi là hoạt động chào mừng Lễ hội đền Thánh Nguyễn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời nhằm góp phần bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo; thể hiện đạo lý, tưởng nhớ và tri ân công lao tiền nhân. Cuộc thi cũng là một trong những hoạt động văn hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường gắn với giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, tiếp tục cổ vũ tinh thần say mê học tập, tìm hiểu của học sinh, thầy cô giáo.