Huyền thoại ở bến nước Thạnh Phong

GD&TĐ - Hiện nay, khu du lịch Cồn Bửng, Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre mỗi ngày có trên 5.000 khách du lịch đến tắm biển, thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ, tiếp xúc với người dân hiền hòa... Nhưng ít người biết xuất phát của ngành du lịch Thạnh Phú chỉ bắt đầu từ năm 2012, sau khi có dự án “bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển” tại vùng đất này.

Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Huyền thoại ở bến nước Thạnh Phong ảnh 1 Bia kỷ niệm nơi xuất phát chuyến tàu gỗ tại bến Thạnh Phong 

Nữ tướng vượt biển và khai sinh bến nước

Chuyến đi biển đầu tiên của Đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc xin vũ khí vào đầu năm 1946, gồm có các đồng chí: Đào Công Trường- Tư lệnh khu 8- Trưởng đoàn, Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp (bác sĩ), Nguyễn Thị Định, được xem là ý tưởng khơi nguồn cho sự ra đời của Đoàn tàu không số!

Cuối tháng 3/1946, đoàn dùng một chiếc thuyền xuất phát từ bến Cồn Lợi, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú dong buồm chạy thẳng ra khơi để tránh tàu tuần tiễu của Pháp. Đến khu vực Tuy Hòa, nhìn vào bờ xa xa thấy đã có cờ đỏ sao vàng, thuyền vội vã vào bến. Đoàn được chính quyền cách mạng địa phương đón tiếp, giúp đỡ để đi bằng xe lửa ra Quảng Ngãi. Hôm sau đoàn đi thẳng ra Hà Nội. Giáo sư Ca Văn Thỉnh và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ở lại Hà Nội, những người còn lại được giao nhiệm vụ trở về Nam mang theo vũ khí. Đoàn lại tiếp tục đi theo đường sắt vào tới Phú Yên. Từ Phú Yên, dùng thuyền để chở 10 tấn vũ khí vào Nam.

Đồng chí Trần Bạch Đằng (năm 1946 là Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ), trong một bài nghiên cứu đã từng xác nhận: “Đường dây áp tải vũ khí vào Nam, lấy vùng tự do Khu 5 làm trạm trung chuyển hình thành từ năm 1946, không thể không ghi công của chị Ba Nguyễn Thị Định, là một trong những người đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện”. Tháng 12-1946, đồng chí Trần Văn Trà - Khu trưởng Khu 8, trực tiếp nhận số vũ khí Trung ương chi viện do thuyền trưởng Nguyễn Thị Định mang về, địa điểm giao nhận số vũ khí này là bờ biển Thạnh Phú.

Có thể nói, nữ tướng Nguyễn Thị Định chính là người khai sinh ra bến nước Thạnh Phong, nơi tiếp nhận vũ khí Bắc-Nam ngay thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Những chuyến vượt biển đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ

Vào tháng 7-1959, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã có quyết định thành lập đoàn vận tải trên biển Đông, với tên gọi Đoàn 759. Các Liên Khu ủy miền Đông, miền Tây Nam Bộ nhận lệnh từ Xứ ủy Nam Bộ xúc tiến việc chuẩn bị phương tiện, bến bãi, nhân lực để thực hiện kế hoạch vượt biển ra Bắc nhận vũ khí.

Đầu năm 1960, sau thắng lợi giòn giã của phong trào Đồng Khởi, cách mạng miền Nam cần có vũ khí để xây dựng lực lượng vũ trang mạnh hơn nữa. Lần này Khu ủy khu 8 cử đồng chí Mười Khước xây dựng lực lượng ra Bắc xin vũ khí.

Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, từ đầu năm 1961, Tỉnh ủy Bến Tre tích cực lựa chọn và huấn luyện cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị thật tốt các điều kiện và phương án thực hiện nhiệm vụ “mở đường” ra Bắc nhận vũ khí bằng tuyến vận tải trên biển Đông. Từ hàng trăm cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm, thành tích đánh địch trên địa bàn sông nước được thử thách qua các trận đánh trong phong trào Đồng Khởi năm 1960, tỉnh lựa chọn được 18 chiến sĩ nòng cốt quen nghề cá, quen đi biển, đa số xuất thân là ngư dân tại ba huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Các chiến sĩ được biên chế thành hai đội. Mỗi đội sinh hoạt tách rời nhau để bảo đảm bí mật, có thuyền trưởng chỉ huy và 5 thuyền viên, có tổ chức Đảng làm hạt nhân lãnh đạo nhiệm vụ toàn đội, đặc biệt trong những tình huống hiểm nguy khi hoạt động trên biển. Đồng chí Nguyễn Văn Khước là thành viên Khu ủy Khu 8 và đồng chí Nguyễn Thị Định - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức huấn luyện đội ngũ cán bộ chiến sĩ trong thời gian trước khi nhận nhiệm vụ vượt biển ra Bắc.

Ngày 16/8/1961, một con tàu gỗ gắn máy thủy động cơ xuất phát từ Cồn Tra (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) do Nguyễn Văn Kiệm làm thuyền trưởng mở đường đầu tiên (thời kỳ chống Mỹ) ra Bắc để xin chi viện vũ khí. Hai ngày sau, một chuyến tàu khác do Lê Công Cẩn làm thuyền trưởng cũng lên đường. Những đoàn tàu lần lượt ra Bắc an toàn, sau đó được huấn luyện để trở về Nam. Theo số liệu của Đoàn 125 Hải quân, từ năm 1946 -1970, đã có 23 chuyến tàu Bắc-Nam vận chuyển 1.440 tấn vũ khí cập vào các bến tại xã biển Thạnh Phong gồm: vàm Khâu Băng, cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn,… chi viện cho chiến trường miền Nam.

Về thăm Cồn Lợi, xã Thạnh Phong (nay thuộc xã Thạnh Hải, năm 1984, xã Thạnh Phong được chia ra làm 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải) tìm ông Huỳnh Phước Hải, sinh năm 1941, tên thường gọi là Sáu Phát, người đã từng đưa nhiều chuyến hàng vào Nam an toàn. Hòa bình, ông trở lại vùng kháng chiến cũ sinh sống như một nông dân chân chất.

Ông kể:

- Tôi tên thật là Huỳnh Văn Phát, Sáu Phát, con út một gia đình kháng chiến ở Tân Thủy (Tiệm Tôm), Ba Tri. Đang hoạt động hợp pháp, Đồng Khởi bùng lên, anh Hai tôi là Huỳnh Văn Quán, bộ đội địa phương quân Bến Tre viết thư về cho cha tôi. Đại ý khuyên ông già cho tôi vào bộ đội, ở vùng địch tạm chiếm không khéo bị bắt lính thì anh em bắn nhau.

Ông Huỳnh Phước Hải

Ông Huỳnh Phước Hải

Hôm ấy vào tháng 9, cha tôi bắt tôi bỏ xuống xuồng, ngồi trong cần xé đậy lại, lấy kèo rèm làm mui, bên ngoài ngụy trang lưới rồi chèo ra cửa biển Ba Lai. Tôi chẳng biết ông đưa tôi đi đâu. Tới cửa biển, ông xuôi về Nam qua cửa sông Hàm Luông… Hai ngày ròng rã, tới nơi tôi mới biết đó là Cồn Lợi, thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Cha giao tôi cho chú Mười Khước. Những tưởng gặp ông Khu ủy Mười Khước được giao nhiệm vụ gì quan trọng, nhưng ông cùng chú Sáu Giáo (Đặng Bá Tiên) cho tôi vô Đội tự túc, nhiệm vụ đánh cá nuôi bộ đội. Tuổi mười chín đôi mươi, mình muốn làm việc gì đó cho rạng danh gia đình, ai dè làm công việc chán phèo như ở nhà vẫn làm. Nhưng mà lạ lắm nghen, tàu đánh cá của tụi tui tàu lớn, 35 tấn trở lên, có máy mã lực lớn, lưới cũng bén, chúng tôi không được tiếp xúc với người địa phương, kể cả gia đình, đảng ủy xã, huyện cũng không được gặp mặt. Đánh bắt từ Thạnh Phú đến Cà Mau lận.

Nhưng đó chỉ là cách luyện binh của Bà Định để tạo ra những chiến sĩ gang thép của Đoàn tàu không số sau này.

Chuyện con tàu mắc cạn

Quân khu cho thành lập đơn vị bảo vệ bến Thạnh Phong với mật danh A 101. Địch đánh hơi nên đã có nhiều cuộc hành quân càn quét ác liệt cấp sư đoàn. Có những trận quần nhau 21 ngày đêm.

Ngày 7 tháng 11 năm 1964, nhân lúc bão lớn, 3 con tàu có trọng tải 100 tấn chạy thẳng vào cửa sông Cổ Chiên. Hơn một tuần, các đồng chí ở A 101 cử người ra đón. Hai chiếc tàu đi trước bắt được liên lạc chạy đúng luồng nên vào bến an toàn. Riêng con tàu thứ ba do thuyền trưởng Hai Nguyên điều khiển bị vướng đáy Sông Cầu (tức đáy hàng khơi), trượt lên bãi cát ở bên ngoài Cồn Lớn, xã Thạnh Phong, cách bờ 3km. Nước triều xuống nhanh, tàu lại chở nặng nên không kịp tháo lui. Đây là sự cố bất ngờ, con tàu to như vậy lại nằm trong tầm ngắm của căn cứ Hải quân địch ở Tân Thủy (Tiệm Tôm) Ba Tri, rất nguy hiểm. Cấp trên ra lệnh hủy ngay tàu để giữ bí mật. Lãnh đạo A101 “tiếc của”, dùng lưới ngụy trang và treo cờ ba sọc của chính quyền Sài Gòn, đề nghị với cấp trên chậm hủy tàu để có thể vận chuyển vũ khí, trong vòng 3 ngày sẽ hủy tàu. Bến A101 lúc này vừa phải bốc 200 tấn hàng của hai con tàu trước và 100 tấn vũ khí ở con tàu mắc cạn này hết sức gian nan.

 A 101 chỉ làm công tác bảo mật, còn đại đội phụ trách kho mới được quyền chuyển vũ khí. Nhưng đối với con tàu mắc cạn cách bờ 3 cây số phải bốc dở vào ban đêm, huy động lực lượng đông.

Ông Phan Ngưng, gần 90 tuổi, đang sống ở xã Thạnh Phong đã từng công tác ở đại đội an ninh thuộc A 101, nhớ lại: “Lúc phân công về đây, cấp trên không cho biết làm nhiệm vụ cụ thể thế nào, chỉ biết có nhiệm vụ làm trong sạch địa bàn. Đến lúc tàu cập bến, đúng là mừng không tưởng tượng nỗi. Vụ tàu mắc cạn, lúc đầu huy động đảng viên làm công tác vận chuyển, sau đoàn viên, cuối cùng dân tham gia”.

Bà Tư Nổi, trạc 86 tuổi, nguyên là cán bộ phụ nữ xã thời ấy nhớ lại thời tuổi trẻ: “Tôi đang ở nhà thì đảng ủy xã dẫn mấy anh bộ đội nói tiếng Bắc, đi sau mấy người vác súng kìn kìn. Trời đất, hồi đó giờ vác loa, ôm súng mút, giờ thấy súng thật mừng hết nói. Mấy anh dặn các mẹ nấu cơm cho bộ đội ăn. Còn chị em phụ nữ thì lấy xuồng đi chở vũ khí. Ngày ngủ, đêm đi. Liên tục 3 đêm, nhưng chẳng ai biết mệt, mong cho trời tối để chở tiếp. Trước khi về ngủ lúc hừng đông thì phải chặt cây nguỵ trang, xóa dấu vết trước khi trời sáng”.

Chúng tôi tìm gặp ông Sáu Ngôi- Dương Văn Ngôi, sinh năm 1934, nhà ở ấp Mới, xã Thạnh Hải, lúc ấy công tác ở Chỉ huy sở A101 cùng đồng chí Nguyễn Sơn, mật danh A203, lãnh đạo bến. Ông nhớ lại:

 - Lúc tàu bị mắc cạn, tối lại cho hai tàu kia ra kéo nhưng không được. Các chiến sĩ A101 dùng xẻng bới cát khơi lạch cho tàu nhưng không xong, áp lực nước biển cứ xô lớp cát khác vào. Cuối cùng đồng chí Nguyễn Sơn quyết định tổ chức bốc hàng. Công tác tổ chức thật chu đáo, vừa huy động đông người, vừa phải đảm bảo bí mật. Cách tổ chức chia ra 3 thê đội. Thê đội 1 sẽ dùng thuyền nhẹ bằng compsit, sẵn có trên 3 con tàu, chuyển vũ khí từ tàu đẩy trên cát ra mé nước. Thê đội 2 dùng xuồng ghe của dân chuyển 3 cây số từ biển vào bờ. Từ đây, đại đội kho của A101 sẽ vận chuyển vào nơi cất giữ bí mật.

Tới đêm thứ 3, cấp trên ra lệnh hủy tàu ngay. Lúc này chỉ còn một ít đạn tiểu liên. Lúc ấy các vị bộ lão trong làng Thạnh Phong khăn đóng, áo dài kéo ra làm lễ khấn tàu trong nước mắt: “Ngài vâng lệnh Bác Hồ vào đây giúp chúng tôi mà bà con không bảo vệ được Ngài”. Ba tấn thuốc nổ bùng lên, “ngài” tan xác trong nỗi buồn đau mất mát của nhân dân Thạnh Phong. Đích thân Tư Sơn (Nguyễn Sơn) ra đặt thuốc nổ hủy tàu, ông tiếc của ngồi khóc. Đánh lần thứ nhất còn lại cái mũi tàu. Vậy là phải ra đánh thêm một lần nữa.

Ông Sáu Ngôi trầm ngâm:

- Đánh lần thứ hai, Tư Sơn cùng tôi ra lặn xem còn dấu vết gì không, lúc đó mới yên tâm. Dân Thạnh Phong mình trung kiên thiệt. Huy động cỡ 2.000 người vậy mà vẫn giữ bí mật. Tiếc của mà làm liều vậy, dân mà không tốt, lộ bí mật là chúng tôi bị kỷ luật cả đám.

Chỗ tàu mắc cạn 48 năm trước giờ đã trở thành đất liền, nơi ấy có tên là Cồn Cao. Cứ mỗi năm đất Thạnh Phong, Thạnh Hải tiến ra biển 100m. Về vùng đất này mà hỏi tên ấp chẳng ai biết, người ta sẽ hỏi cồn nào? Đất này có tới hàng chục cồn: Cồn Lợi, Cồn Bửng, Cồn Lớn, Cồn Rừng, Cồn Chim, Cồn Tra, Cồn Cao, Cồn Đâm… Có lẽ đây là di tích tàu không số duy nhất nằm trên đất liền. Mỗi tên cồn đều gắn với những chiến tích lẫy lừng. Ở đó Bến Nước chính là Lòng Dân. Giờ đây, những địa danh ấy là điểm du lịch đang lên của Thạnh Phú hôm nay!

Theo Tài Hoa Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ